Ngày 13/4, Công an tỉnh Kon Tum đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Ngọc Diễn (50 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Nông - Công nghiệp xanh Kon Tum (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số nhà 72A đường Bà Triệu, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.
|
Công an tỉnh Kon Tum thi hành lệnh bắt tạm giam ông Phạm Ngọc Diễn (Ảnh: Công an cung cấp). |
Theo hồ sơ tài liệu, cơ quan công an nhận được đơn của ông P.T.T tố giác việc bị ông Diễn lừa, chiếm đoạt 4,5 tỷ đồng. Cụ thể, từ tháng 7/2022 đến tháng 10/2022 ông Diễn đưa ra nhiều thông tin, tài liệu gian dối như tư cách pháp nhân của Liên hiệp Hợp tác xã để huy động vốn từ các cá nhân; tự nhận sắp giữ chức vụ Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Ủy viên Trung ương Đảng; mạo nhận đã có chủ trương cấp 100 ha trồng sâm Ngọc Linh cho Liên hiệp Hợp tác xã và cần 10 tỷ đồng để hoàn thiện thủ tục pháp lý cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 100 ha nói trên...
Đặc biệt, khi đưa ông T. đến vườn sâm tại tiểu khu 240 thuộc địa phận xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), ông Diễn tự dựng bảng hiệu “Liên hiệp Hợp tác xã Nông - Công nghiệp xanh Kon Tum, Trung tâm phân tích giám sát ADN sâm Ngọc Linh”. Từ đó, ông T. đã tin tưởng và chuyển tổng số tiền 4,5 tỷ đồng để thực hiện các thủ tục trong quá trình chuyển nhượng vốn góp và để được công nhận là thành viên góp vốn trong Liên hiệp Hợp tác xã. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, ông T. đã nhiều lần liên lạc với ông Diễn nhưng không được.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội), cho biết Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật, đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Theo hồ sơ điều tra của cơ quan công an, ông Diễn đã dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
Nếu có đủ bằng chứng, xác thực việc ông T bị ông Diễn lừa, chiếm đoạt 4,5 tỷ đồng thì ông Diễn hoàn toàn có thể bị truy tố, đưa ra xét xử với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, ông Diễn còn bị phạt bổ sung tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Trước đó, tại nhiều địa phương cũng xuất hiện loại hình tội phạm tương tự, giả danh, mạo danh lãnh đạo cấp tướng trong lực lượng quân đội, công an để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều này không chỉ gây bất an cho xã hội, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lãnh đạo các cấp, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với cơ quan, đơn vị Nhà nước.
“Do đó, để phòng ngừa loại tội phạm này, mọi người cần đề cao cảnh giác, tự bảo vệ mình…, nếu không quen biết thì phải yêu cầu xem giấy tờ tùy thân như Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân, Giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy giới thiệu của đơn vị về địa phương công tác…. Nếu thấy khả nghi cần khẩn trương báo với cơ quan công an”, luật gia Vinh khuyến cáo./.