Xử nghiêm hành vi “báo chốt” công an qua mạng xã hội

Thứ tư, 05/07/2023 19:23
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tưởng chừng hành vi "báo chốt” thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội là vô hại nhưng thực tình h lại hết sức nguy hiểm, khiến cho một số người dân coi thường luật giao thông nói riêng và luật pháp nói chung. Họ có thể “tự tin” cầm vô lăng, và thoải mái “tăng ga” mặc dù đã sử dụng rượu bia vì nghĩ rằng đã nắm được vị trí lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Công an thành phố Hà Nội cho biết qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa phát hiện nhóm facebook “Báo chốt 141 Hà Nội” do V.N.A. (SN 1994, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm kiểm duyệt viên từ tháng 5/2020.

Tại cơ quan công an, V.N.A. khai nhận lập tài khoản facebook là “V.N.A.” để kết bạn, bán hàng online, đồng thời đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung chỉ điểm, cung cấp thông tin, vị trí của các tổ công tác 141, Cảnh sát giao thông nhằm thông báo tới các thành viên trong nhóm, né tránh việc bị kiểm tra, xử phạt. Điều đáng nói, hầu hết nội dung đăng đều nhận được lượt tương tác khủng, lên đến hàng nghìn lượt like và hàng trăm lượt bình luận.

Sau khi nhận thức được hành vi sai phạm, cam kết không tái phạm, tự gỡ tất cả các bài viết, lực lượng chức năng đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng A. theo quy định của pháp luật.

 Lực lượng 141 công an thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý một trường hợp có dấu hiệu vi phạm (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Minh Phương, Công ty luật TNHH Trường Sơn (địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết lực lượng 141 Thủ đô bao gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự được thành lập theo Kế hoạch 141/KH-CAHN ngày 29/7/2011.

Sau thời gian điều chỉnh lại mô hình tổ chức, từ 30 tổ tinh gọn lại còn 15 tổ, với thành phần mỗi tổ là sự kết hợp giữa lực lượng cố định phòng nghiệp vụ và công an cấp cơ sở, đến nay, quả đấm thép 141 tiếp tục phát huy hiệu quả tại các địa bàn công cộng, phát hiện, bắt giữ các đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự, phòng ngừa đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, tội phạm đường phố, phát hiện, thu giữ nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ…, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội.

Phải khẳng định rằng, trong một xã hội khi “pháp luật là trên hết”, “thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử”, thì ý thức, nếp nghĩ, hành động của mỗi người dân cũng phải tuân theo “sự nghiêm minh của pháp luật”.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Mục 1 Chương II Luật Công nghệ thông tin 2006 (Luật số: 67/2006/QH11, ngày 29 tháng 6 năm 2006) có nêu rõ tổ chức, cá nhân có quyền thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó trong trường hợp thông tin cá nhân đó được sử dụng cho mục đích sau đây: Ký kết, sửa đổi hoặc thực hiện hợp đồng sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng; Tính giá, cước sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng; Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chiếu theo các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành (Luật số: 15/2012/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2012), nếu việc đăng tải nhằm thông tin về an toàn giao thông, để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật thì hành vi đó không vi phạm pháp luật và không bị xử phạt. Tuy nhiên, việc thông báo vị trí chốt để đối phó với lực lượng chức năng lại là hành vi vi phạm pháp luật.

Pháp luật quy định, người dân được quyền giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông nhưng phải thực hiện công khai và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng chức năng, trong khi đó, hành vi của các đối tượng trong nhóm trên về cơ bản là lén lút (nhóm kín).

Thậm chí, hành vi này còn có thể tiếp tay cho một số người thực hiện hành vi phạm tội hoặc trốn tránh sự trừng trị của pháp luật.

Theo luật gia Phương, xét trên nhiều góc độ khác nhau, những nguy cơ tiềm ẩn và hệ luỵ phát sinh từ hành vi này là vô cùng lớn, ảnh hưởng tới tình hình trật tự an toàn xã hội và đe doạ trực tiếp đến chính quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của mỗi công dân.

Căn cứ Điểm e Khoản 3 Điều 102 Mục 4 Chương V Nghị định 15/2020/NĐ-CP (Số: 15/2020/NĐ-CP, ngày 03 tháng 02 năm 2020) của Chính phủ thì hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Thậm chí, các đối tượng đang có xu hướng dịch chuyển phương thức hoạt động sang thủ đoạn tinh vi hơn như lựa chọn cách truyền tin, ký hiệu riêng biệt…

“Do đó, cần có sự theo dõi, nhắc nhở nghiêm khắc từ các gia đình, cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn. Đặc biệt là ý thức của người dân, trong việc nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ công tác là nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội, từ đó chấm dứt hành động “báo chốt” dưới mọi hình thức”, luật gia Phương nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực