Chiều tối 25/4, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra Công ty Tràng Tiền số 10 có địa chỉ tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, phát hiện lô hàng gần 9.400 hộp (khoảng 10 tấn) kem sữa đặc có đường do nước ngoài sản xuất đã quá hạn sử dụng và 30.000 que kem thành phẩm, trên bao bì ghi Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10.
Lãnh đạo công ty trình bày số hàng trên được mua về để làm nguyên liệu sản xuất. Số kem thành phẩm lực lượng chức năng kiểm đếm vừa được sản xuất trong ngày và dùng nguyên liệu từ lô kem sữa hết hạn sử dụng đang hiện hữu, được bán ra thị trường với giá 1.800 đồng/que.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10, có địa chỉ tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (Ảnh: Việt Anh) |
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm (trị giá khoảng 360 triệu đồng) để tiếp tục xử lý theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Ninh Văn Quang, Công ty luật TNHH Trường Sơn (địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết ngày sản xuất, hạn sử dụng của hàng hóa được nêu rất rõ trong Điều 14 Chương II Nghị định 43/2017/NĐ-CP (ngày 14 tháng 4 năm 2017), sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP (ngày 09 tháng 12 năm 2021) của Chính phủ, cụ thể:
Ngày sản xuất, hạn sử dụng hàng hóa được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp ghi theo thứ tự khác thì phải có chú thích thứ tự đó bằng tiếng Việt.
Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.
Trường hợp quy định ghi tháng sản xuất thì ghi theo thứ tự tháng, năm của năm dương lịch.
Trường hợp quy định ghi năm sản xuất thì ghi bốn chữ số chỉ năm của năm dương lịch.
“Ngày sản xuất”, “hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” ghi trên nhãn được ghi đầy đủ hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa là: “NSX”, “HSD” hoặc “HD”.
Trường hợp hàng hóa bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này mà nhãn hàng hóa đã ghi ngày sản xuất theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì hạn sử dụng được phép ghi là khoảng thời gian kể từ ngày sản xuất và ngược lại nếu nhãn hàng hóa đã ghi hạn sử dụng thì ngày sản xuất được phép ghi là khoảng thời gian trước hạn sử dụng.
Đối với hàng hóa được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phải thể hiện ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn gốc.
Cách ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng được quy định cụ thể tại Mục 1 Phụ lục III của Nghị định này.
Hàng hóa có cách ghi mốc thời gian khác với quy định tại Khoản 1 Điều này quy định tại Mục 2 Phụ lục III của Nghị định này.
Về hình thức xử phạt, luật gia Quang phân tích, theo Điều 17 Mục 3 Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP (ngày 26 tháng 8 năm 2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2020), mức phạt tiền dao động từ 300.000 đồng (áp dụng với hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng) đến 50.000.000 đồng (áp dụng với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên).
Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;
Hàng hoá khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân. Tổ chức vi phạm mức phạt gấp đôi so với cá nhân.
Bên cạnh đó, hành vi này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a Khoản 14 Điều này; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này; và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.
Về xử lý hình sự, theo Điểm d Khoản 1 Điều 317 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) nêu rõ người nào vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm…
Việc phát hiện hành vi trên nằm trong kế hoạch triển khai cao điểm kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm của các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội.
Trước đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 với chủ đề “Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” từ ngày 15/4 đến 15/5, tập trung kiểm tra, rà soát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn, các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo...
“Do vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có biện pháp quyết liệt, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình, không mua, bán, sử dụng hàng hóa hết hạn sử dụng, cũng như tố cáo hành vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp, nhà phân phối, bán lẻ”, luật gia Quang nhấn mạnh./.