Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết vừa khởi tố và bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Chương XVI Phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
8 đối tượng gồm Dương Ngô Tùng (SN 2002), Nguyễn Thị Hằng (SN 2002), Nguyễn Thế Minh (SN 2004), Nguyễn Hữu Phong (SN 2002), Hoàng Văn Trung (SN 2002), Bùi Ngọc Duy (SN 2002), Hoàng Thị Minh Dương (SN 2004) cùng trú ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và Trần Đình Nam (SN 2004) trú ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Trước đó, ngày 26/6/2023, sau khi nhận được trình báo của chị L., trú tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân về việc bị đối tượng sử dụng tài khoản Facebook xưng danh “Thầy Thế” đăng bài có khả năng làm lễ giải hạn, cầu tài lộc, tư vấn mua “lá bùa” cầu tài lộc và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để thuê làm lễ và đặt dâng tiền lễ giữ lộc.
|
Cơ quan chức năng lấy lời khai các đối tượng trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: congan.hanam.gov.vn)
|
Vì tin tưởng, chị L. đã nhiều lần chuyển tổng số hơn 300 triệu đồng nhưng các đối tượng đã không thực hiện theo yêu cầu mà chặn mọi liên lạc, mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhận được đơn trình báo, Công an huyện Lý Nhân đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hà Nam tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ và bắt giữ nhóm đối tượng trên tại một chung cư thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Tang vật thu giữ gồm 230 triệu đồng tiền mặt, 8 máy tính và 15 điện thoại di động.
Tại cơ quan Công an, nhóm đối tượng khai nhận, do cần tiền tiêu xài cá nhân nên đã bàn bạc, thống nhất lên kịch bản, phân công nhiệm vụ cho từng người, sau đó lập các trang mạng xã hội Facebook, Zalo với tên “Thầy Thế” để chạy quảng cáo và lập các tài khoản Facebook ảo vào bình luận công khai để tạo lòng tin.
Khi “con mồi” cắn câu, nhóm đối tượng tìm cách tiếp cận, nhắn tin và tự giới thiệu có khả năng làm lễ cầu tài lộc, bình an, trúng số độc đắc, mở cung tài lộc, dâng sao giải hạn... Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết Facebook là trang mạng xã hội quen thuộc. Việc lập tài khoản Facebook giả mạo một người nào đó tương đối dễ dàng và khó kiểm soát, kiểm chứng.
Thực tế ghi nhận không ít vụ việc lừa đảo, gian dối thông qua việc mạo danh, lợi dụng hình ảnh, tên tuổi của những người nổi tiếng (ca sĩ, diễn viên…) hoặc có uy tín trong xã hội.
Đây là vụ việc mang tính chất nghiêm trọng với phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi, lợi dụng hoạt động “tâm linh” và sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi giả mạo người khác trên mạng xã hội Facebook để đăng thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoản 3 Điều 100 Mục 4 Chương V Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nêu rõ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Chủ động cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
Trong vụ việc này, do số tiền lừa đảo chiếm đoạt lên tới hơn 2,5 tỷ đồng, căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 174 Chương XVI Phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015, sau khi thu thập đủ bằng chứng, củng cố hồ sơ, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xem xét xử lý nhóm đối tượng trên với khung xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Tới đây, lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường theo dõi, giám sát và xác minh các hành vi bất thường, có tính chất thu hút mạnh mẽ nhằm lôi kéo tương tác trên nền tảng mạng xã hội này của một số đối tượng, nhóm đối tượng.
“Đồng thời, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc “tâm linh”, người sử dụng Facebook nói riêng và các nền tảng mạng xã hội khác nói chung cần nâng cao cảnh giác không nghe những lời đồn thổi, không đúng sự thật, đặc biệt cần kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải “tâm linh”..., có như vậy mới tránh được nguy cơ tiền mất tật mang”, luật sư Tuấn khuyến cáo./.