Trước đó, Văn phòng Thành ủy Hà Nội ban hành Công văn 2572-CV/VPTU truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ có hay không có tình trạng một số cán bộ điện lực hoặc mượn danh nghĩa cán bộ điện lực để tiếp tay cho việc cấp điện ba pha trái phép.
Có cán bộ tự nhận "làm sai luật, làm ngơ" cho những vi phạm trong địa bàn mình quản lý, miễn là người có nhu cầu cấp điện chịu chi. Trong khi đó, đại diện các công ty điện lực liên quan khẳng định không dung túng, bao che sai phạm cho bất cứ cán bộ nào vi phạm quy định.
Theo GS TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, pháp luật nêu rõ những đối tượng nào được cấp, sử dụng điện ba pha, và đối tượng nào sử dụng điện một pha.
Các công ty điện lực thuộc EVN Hà Nội hoặc các công ty tư nhân có giấy phép kinh doanh được phép kinh doanh điện phải tuân thủ tất cả quy định, tuân thủ Luật Điện lực hiện hành. Cụ thể, Luật 03/2022/QH15 do Quốc hội ban hành ngày 11 tháng 01 năm 2022 (“Luật sửa đổi, bổ sung”) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực 28/2004/QH11 do Quốc hội ban hành ngày 03 tháng 12 năm 2004 (“Luật Điện lực”) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2005.
|
Hàng chục đường dây điện ba pha dẫn điện vào các homestay, lều nghỉ dưới tán rừng quanh khu vực hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (Ảnh: Báo Dân Việt) |
Với người dân, khi muốn sử dụng điện phải làm hồ sơ đăng ký, sau đó đơn vị quản lý điện xem xét hồ sơ, khảo sát thực địa, và phê duyệt trước khi ký hợp đồng cung cấp điện. Người dân không được tự ý câu kéo, chia sẻ nguồn điện cho những hộ dân khác.
“Việc câu kéo, đấu nối điện ba pha trái quy định sẽ gây hệ lụy không tốt. Nguồn điện có thể bị quá tải gây cháy nổ, thậm chí hỏa hoạn hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, có thể gây quá tải cho đường dây mà trước đây phía điện lực đã thiết kế, ảnh hưởng tới kế hoạch cung ứng điện chung của cả một vùng, cũng như gây thất thoát, ảnh hưởng tới nguồn cung ứng của ngành điện”, GS Long chia sẻ.
Về mặt pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc cá nhân/nhóm người tự ý đấu nối nguồn điện nói chung và nguồn điện 3 pha cho người khác nói riêng là hành vi trộm cắp điện.
Theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trường hợp khu vực của khách hàng đã có lưới điện 3 pha thì điện lực sẽ căn cứ vào thiết bị và công suất sử dụng điện thực tế của khách hàng để quyết định cấp điện 1 pha hoặc 3 pha.
Trường hợp lưới điện khu vực chưa đủ điều kiện cấp điện 3 pha, điện lực sẽ có văn bản trả lời khách hàng trong vòng 03 ngày làm việc, trong đó có dự kiến thời gian cấp điện được, thủ tục gồm có:
a. Giấy tờ tùy thân: Là một trong những loại giấy tờ sau:
- Giấy chứng minh Nhân dân/thẻ căn cước công dân;
- Giấy chứng minh công an Nhân dân;
- Giấy chứng minh sỹ quan quân đội Nhân dân;
- Hộ chiếu hoặc Giấy xác nhận nhân thân của công an phường, xã (có ảnh đóng dấu giáp lai).
b. Giấy tờ xác định chủ thể hợp đồng mua bán điện: Là một trong các loại giấy tờ có tên của tổ chức/cá nhân tại địa điểm mua điện sau:
- Giấy ủy quyền có chữ ký của các hộ dùng chung
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; Quyết định phân nhà; Hợp đồng mua bán nhà;
- Hợp đồng thuê nhà/ thuê địa điểm có thời hạn từ 01 năm trở lên và đồng ý của chủ sở hữu
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà/đất
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Giấy phép đầu tư; Quyết định thành lập đơn vị.
c. Giấy tờ xác định mục đích sử dụng điện: Là một trong những loại giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Giấy phép đầu tư;
- Quyết định thành lập đơn vị;
- Biên bản khảo sát cấp điện của điện lực/công ty điện lực;
Thời gian giải quyết:
+ 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
+ Đối với các trường hợp trong quá trình lắp đặt phải trồng trụ, thi công ngầm, điện kế hệ số nhân phải tăng cường lộ ra trạm biến áp công cộng thì thời gian giải quyết không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
+ Các khoản chi phí do đơn vị Điện lực đầu tư: Toàn bộ chi phí vật liệu, nhân công lắp đặt, các khoản thuế và phí theo quy định của Nhà nước để lắp đặt nhánh rẽ từ lưới điện hạ áp đến công tơ và aptomat bảo vệ công tơ.
+ Các khoản chi phí do khách hàng đầu tư: Toàn bộ chi phí vật liệu, nhân công lắp đặt dây dẫn điện từ sau công tơ vào nhà khách hàng (trừ aptomat bảo vệ công tơ). Trường hợp thuê đơn vị điện lực thực hiện sẽ bao gồm cả thuế và phí theo quy định của Nhà nước.
Luật sư Tuấn phân tích, thực tế ghi nhận một số hành vi liên quan đến trộm cắp điện như: Tự tiện đấu nối; câu móc lấy điện trên hệ thống điện; cố ý làm hỏng công tơ để dùng điện; khoan lỗ vỏ công tơ để chặn đĩa quay; lật nghiêng hoặc đảo ngược công tơ…; cắt đứt hoặc xâm phạm chì niêm phong; tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ; và các thiết bị liên quan đến đo đếm điện.
Tùy vụ việc cụ thể mà có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022, sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí
Khoản 15 Điều 2 Nghị định nêu rõ phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện; hoặc tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Nghị định 17/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 11 Mục 1 Chương II Nghị định 134/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng nghề nghiệp để sách nhiễu các tổ chức, cá nhân sử dụng điện nhằm mục đích vụ lợi.
Thậm chí, theo quy định tại Điều 356 Mục 1 Chương XXIII phần thứ hai Bộ luật Hình sự 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
“Do đó, các công ty điện lực cần tăng cường kiểm tra, giám sát sự vận hành an toàn, đúng pháp luật trên cả hệ thống, nâng cao đạo đức công vụ và trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên, trong khi đó người dân cần tìm hiểu kỹ các kiến thức pháp luật cơ bản liên quan đến mua bán sử dụng dịch vụ điện lực”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.