Xử phạt đối với trường hợp khai gian dối để nhận trợ cấp thất nghiệp

Thứ ba, 31/08/2021 16:49
(ĐCSVN) - Người lao động đang nhận trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới và được trả lương theo tháng nhưng không không khai báo cơ quan chức năng để cắt khoản trợ cấp sẽ bị xử lý ra sao? Mức phạt tối đa cùng biện pháp khắc phục cụ thể?

Trên đây là những câu hỏi bạn đọc gửi đến Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và đề nghị làm rõ: Hành vi này của người lao động có vi phạm quy định pháp luật không? Khi cơ quan chức năng đủ cơ sở kết luận sai phạm thì người lao động sẽ chịu mức xử phạt hành chính tối đa ra sao? Biện pháp buộc phải khắc phục như thế nào?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, giải đáp.

Người lao động ngay khi có việc làm cần báo cơ quan chức năng chấm dứt
việc chi trả Bảo hiểm thất nghiệp, nếu vi phạm sẽ bị xem xét xử lý hành chính. 
(Ảnh minh họa. Nguồn: nhandan.vn) 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về nội dung nêu trên, Luật sư Hoàng Dương, đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Theo quy định tại Luật Việc làm số 38/2013/QH13, ngày 16 tháng 11 năm 2013, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc một trong số các trường hợp như: hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng … (Khoản 3, Điều 53, Mục 3, Chương VI, Luật Việc làm số 38/2013/QH13). Theo đó:

Điều 53. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

 3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

 a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;

 b) Tìm được việc làm;

 c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

 d) Hưởng lương hưu hằng tháng;

 đ) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;

 e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;

 g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

 h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;

 k) Chết;

 l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 m) Bị tòa án tuyên bố mất tích;

 n) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.

Như vậy, luật đã quy định rất rõ ràng về việc, nếu người lao động thuộc một trong số đối tượng được quy định tại điều, khoản nêu trên sẽ bị cơ quan chức năng chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người lao động sẽ bị xem xét xử lý phạt hành chính với mức phạt tối đa lên tới 10 triệu đồng. Mức phạt này được quy định tại Điều 39, Chương III, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, ngày 01 tháng 3 năm 2020 quy định xử phạt hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2020. Cụ thể như sau:

 Điều 39. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

 a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

 b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

 c) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.

 3. Biện pháp khắc phục hậu quả

 Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.

 “Như vậy, người lao động đang nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng lại tìm được việc làm mới và được trả lương theo tháng nhưng không không khai báo cơ quan chức năng để cắt khoản trợ cấp sẽ bị xử phạt tương xứng với những quy định nêu trên. Do đó, người lao động cần nắm kỹ để tránh những vi phạm đáng tiếc. Những phân tích, giải đáp nêu trên chỉ mang tính tham khảo, trường hợp cần hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, người lao động có thể liên hệ cơ quan chuyên môn quản lý lĩnh vực này như Lao động -Thương binh và Xã hội, Tư pháp hoặc chính quyền cơ sở để bảo đảm quyền lợi theo quy định của pháp luật” – luật sư Hoàng Dương phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực