Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm

Thứ ba, 11/07/2023 00:39
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo luật sư, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip hóa trang thành Đức Phật livestream bán nước hoa của nam TikToker NB. Người này sử dụng những lời lẽ khó nghe, thiếu chuẩn mực, thậm chí đòi tiền đặt lễ với thái độ cau có, gắt gỏng khiến nhiều người phản ứng.

Cụ thể, nam TikToker NB đã có những phát ngôn như: “Tại sao đi cầu lộc buôn lộc bán mà không dâng sính lễ? Có money (tiền bạc) ở đấy không?”, “Mang 100.000 nghìn, mày bán rẻ tao quá đấy”… Người này còn đặt một biệt danh cho người phụ nữ bán hàng cùng với mình là “Thích Thì Nhích”.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, anh Ngô Xuân Thu, Trưởng phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình, hình tượng Đức Phật là một biểu tượng thiêng liêng đối với những người có tín ngưỡng và niềm tin với đạo Phật.

Tại Việt Nam, nền Phật giáo gắn với mối quan hệ sâu sắc văn hóa dân tộc, gắn với niềm tin của khá đông người dân. Việc hóa trang thành Đức Phật để livestream bán hàng với những lời lẽ không hay đã phần nào xúc phạm niềm tin tôn giáo, không phù hợp với văn hóa xã hội, làm tổn thương những người có tín ngưỡng Phật giáo.

Hóa trang thành Đức Phật livestream bán hàng trên TikTok (Ảnh chụp màn hình)

“Dù bạn có là ai, có niềm tin vào tôn giáo nào hay không thì cũng cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Đó là tôn trọng chính mình, tôn trọng tôn giáo, lý tưởng, con đường mình đang đi", anh Thu nêu quan điểm.

Trong khi đó, thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Trưởng ban Thường trực Phật giáo quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc hóa trang thành Đức Phật nếu là phim hay là kịch mang tính giáo dục thì chấp nhận được, còn để bán hàng online là xúc phạm hình ảnh tôn nghiêm của Đức Phật.

Nếu người đăng clip ban đầu đã xóa clip, các tài khoản khác cũng không nên chia sẻ lại để tránh gây bức xúc với những người có niềm tin Phật pháp.

Về góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Chương I Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 (Luật số: 02/2016/QH14, ngày 18 tháng 11 năm 2016), xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Tại Khoản 1 Điều 101 Mục 4 Chương V Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 03 tháng 02 năm 2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nêu rõ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức nào có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, đồng thời, người vi phạm còn bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn. Trong trường hợp phát hiện hành vi xúc phạm tôn giáo thì cá nhân có thể trình báo cho Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND các cấp.

Cụ thể, theo Điều 62 Mục 1 Chương VIII Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, việc thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như sau: Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước.

Thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Ủy ban Nhân dân các cấp; Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo luật sư Tuấn, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Các tôn giáo dù lớn hay nhỏ đều được Nhà nước ta đối xử bình đẳng như nhau và được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Ngay từ những ngày đầu của Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo”.

Điều 24 Chương II Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo nhưng không được vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực