AI tạo sinh: Bài toán phát triển và quản lý?

Thứ ba, 27/02/2024 08:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thế giới đang chứng kiến những tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh), với các hệ thống như ChatGPT và Bard AI. Việt Nam đang dần bắt kịp xu hướng phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều giải pháp hơn nữa nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ AI tạo sinh một cách hiệu quả và bền vững, tạo đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
(Ảnh minh họa: Nguồn thanhnien.vn) 

Sự phát triển AI hiện nay không dừng lại ở mô hình truyền thống, mà đã tiến tới thế hệ tiếp theo - đó là AI tạo sinh. Đây là một loại hệ thống AI có khả năng tạo ra nội dung mới dựa trên các gợi ý (prompt). Các mô hình AI tạo sinh áp dụng các kỹ thuật học máy mạng nơ-ron nhân tạo, sau đó tạo ra dữ liệu mới. Các hệ thống AI tạo sinh đáng chú ý như ChatGPT; Bing Chat; Google Bard AI; Stable Diffusion AI, Midjourney, DALL-E... 

AI tạo sinh có mức độ tác động rất sâu rộng đối với kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh của các quốc gia trên thế giới. Việc ứng dụng AI nói chung, AI tạo sinh nói riêng vào các hoạt động kinh tế, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, nâng cao năng suất, gia tăng giá trị rất lớn. Dự kiến quy mô thị trường AI thế giới sẽ đạt 407 tỷ USD vào năm 2027; tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ước tính của AI trong giai đoạn 2023 - 2030 sẽ là 37,3%. 

AI tạo sinh được cho là có tiềm năng thay đổi cân bằng quyền lực hay định hình lại nền tảng của trật tự toàn cầu; thúc đẩy quá trình cạnh tranh giữa các nước lớn; dự báo chính xác hơn về kết quả của các cuộc bầu cử và những sự kiện liên quan; hỗ trợ hoạt động nhân đạo,... Đẩy mạnh đầu tư vào AI tạo sinh là cơ hội để tạo ra những bước đột phá trong công nghệ quân sự, gia tăng vị thế quốc gia. 

Ứng dụng AI tạo sinh trong các lĩnh vực y tế, ngân hàng, tài chính, maketing, giải trí - game, thương mại điện tử - bán lẻ, bảo hiểm, du lịch, giao thông - logistics, giáo dục đang là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp. Trong số 2.100 doanh nghiệp trên toàn cầu được khảo sát, có tới 57% cho biết đầu tư mạnh vào AI và AI tạo sinh.

Tuy nhiên, sự phát triển AI tạo sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được sử dụng một cách có đạo đức và quản lý thiếu chặt chẽ. Một số ngành nghề được cho là sẽ bị thay thế bởi AI tạo sinh. Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy, có tới 77% số người được hỏi lo ngại AI sẽ gây mất việc làm trong năm 2024. 

AI tạo sinh có thể gây ảnh hưởng xấu đến quyền riêng tư và bảo mật; tạo ra thành kiến xã hội; đạo đức xã hội bị suy giảm. Nhiều ứng dụng AI hiện nay được sử dụng cho mục đích quân sự và thực hiện các cuộc tấn công mạng, thậm chí có thể đầu độc dữ liệu được lấy từ Internet để huấn luyện các hệ thống AI khác. 

Tại Việt Nam, phát triển công nghệ AI được ưu tiên trong chính sách phát triển. “Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030” được ban hành năm 2021. Việt Nam là một trong số 60 nước đã đưa ra chiến lược quốc gia về AI. Chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu của Việt Nam hiện đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ. 

Theo Báo cáo mới nhất về Quy mô thị trường AI do Hãng nghiên cứu thị trường Statista công bố, tỉ lệ tăng trưởng kép trong giai đoạn 2023 - 2030 (GAGR 2023 - 2030) của thị trường AI Việt Nam là 19,51%, cao hơn 2,21 điểm phần trăm so với thị trường AI toàn cầu (17,30%). Năm 2030, tổng giá trị của thị trường AI Việt Nam sẽ đạt gần 2 tỉ USD so với 541 triệu USD trong năm 2023. 

Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang dần bắt kịp xu hướng, nhiều nền tảng ứng dụng AI tạo sinh được giới thiệu, như hệ thống GenAI của Tập đoàn FPT; ViGPT, VinBase 2.0 của Công ty cổ phần VinBigData (Vingoup); “PhởGPT” của công ty VinAI. Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam có 4 “kỳ lân” công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis). Việt Nam có nhiều chuyên gia nổi tiếng về AI như Nguyễn Hồng Đăng; TS. Lương Minh Thắng; Nguyễn Xuân Phong,…

Đào tạo nhân lực AI được chú trọng, mã đăng ký ngành AI và khoa học dữ liệu được mở từ năm 2022. Một số trường đại học đã đào tạo chuyên ngành AI, như Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh… 

Tuy nhiên, phát triển AI nói chung, AI tạo sinh nói riêng ở Việt Nam còn có những hạn chế, như: kho cơ sở dữ liệu dùng chung mới chỉ đang được xây dựng, có nơi triển khai còn gặp nhiều khó khăn; nguồn dữ liệu còn phân tán chưa có sự kết nối, chia sẻ hiệu quả; phát triển các nền tảng AI còn phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài; nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về AI còn thiếu nhiều; không gian pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ AI chưa đầy đủ.  

Để phát triển và quản lý AI tạo sinh trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo lập niềm tin về phát triển và ứng dụng AI tạo sinh cho mọi cấp, mọi ngành, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, thông qua tổ chức Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, các cuộc hội thảo, các cuộc tập huấn.

Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thử nghiệm, triển khai ứng dụng AI tạo sinh vào sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu việc quản lý AI, chú trọng các quy định, tiêu chuẩn, quy trình về công nghệ, bảo mật thông tin, chia sẻ dữ liệu và bảo vệ dữ liệu. 

Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm AI; các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư, quyền con người.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan triển khai nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển và ứng dụng AI tạo sinh có trách nhiệm với cộng đồng. Khi xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý AI tạo sinh, cần nắm vững kiến thức về AI, hiểu rõ về các thuật toán và phương pháp AI tạo sinh; tuân thủ các quy tắc đạo đức trong thiết kế và ứng dụng AI tạo sinh. 

Trên cơ sở chiến lược dữ liệu quốc gia, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng chiến lược dữ liệu cho mình, tích cực khai thác nguồn dữ liệu từ các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để phát triển, ứng dụng AI tạo sinh.

Phát triển nguồn nhân lực đáp nhu cầu phát triển AI tạo sinh. Đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường sự liên kết giữa nhà trường, Nhà nước và nhà tuyển dụng trong đào tạo nhân lực AI. Thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng AI tạo sinh. 

Nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm phát triển và quản lý AI tạo sinh của các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc; Đức, Canada; Nhật Bản Hàn Quốc; Autralia, Singapore,… 

Như vậy, sự phát triển của AI tạo sinh là điểm nổi bật chủ đạo trong các xu hướng công nghệ năm 2024, là một trong các cơ hội quan trọng nhất mà Việt Nam cần nắm giữ. Để phát triển và quản lý hiệu quả AI tạo sinh, cần kết hợp hài hòa giữa yếu tố thể chế, con người và công nghệ. Trong đó, phải đặt con người vào trung tâm, là nhân tố quyết định thành công và cũng là người hưởng thụ thành quả của sự phát triển AI./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực