Cần chế tài nghiêm khắc với các cuộc thi sắc đẹp không phép

Thứ năm, 13/04/2023 14:08
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cùng với việc các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức ngày càng nhiều thì những vi phạm của các cuộc thi này cũng có chiều hướng gia tăng, nhất là vi phạm về việc tổ chức không phép, tổ chức thi “chui”. Chính những biểu hiện không đẹp này đã hạn chế giá trị văn hóa, ý nghĩa xã hội của nhiều cuộc thi sắc đẹp hiện nay.

“Lạm phát” thi sắc đẹp…

Đó là đánh giá của nhiều người đối với việc “bùng nổ” của hàng loạt các cuộc thi sắc đẹp với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau ở nước ta trong thời gian vừa qua. Có thể thấy, từ sau khi Nghị định 144/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực đã tạo “hướng mở” cho các cuộc thi sắc đẹp. Một trong những điểm mới của Nghị định này đó là lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp sẽ không cần sự cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, các sở quản lý văn hóa mà chỉ cần được UBND cấp tỉnh chấp nhận. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi người đẹp, hoa hậu như trước. Tuy nhiên, các cuộc thi sắc đẹp không chỉ “bùng nổ” về số lượng mà còn gia tăng hàng loạt các vi phạm, nhất là việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp không phép, vi phạm các quy định của pháp luật.

Các thí sinh trong chung kết cuộc thi "Đại sứ hoàn mỹ", tối 8/4/2023. Ảnh chụp màn hình.

Mới đây nhất, là những vi phạm tại chương trình truyền hình thực tế Miss International Queen Vietnam 2023 (ban tổ chức dịch tiếng Việt là Cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ), do Hoa hậu chuyển giới Hương Giang đứng ra tổ chức. Được biết, sau đêm chung kết tối 8/4, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành rà soát, xử lý đơn vị tổ chức Cuộc thi Miss International Queen 2023. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, đây là Cuộc thi chưa được chấp thuận tổ chức. Hiện, Sở đang phối hợp các cơ quan làm rõ nội dung liên quan và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trước đó, hồi tháng 3/2023, Cuộc thi Miss Petite Vietnam 2023 (Hoa hậu Nhân ái Việt Nam) cũng đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng buổi công bố Cuộc thi sau khi chương trình bắt đầu được vài phút. Lý do là việc tổ chức Cuộc thi này chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Cũng liên quan đến việc tổ chức thi sắc đẹp “chui”, năm 2022, Công ty Minh Khang, đơn vị tổ chức Cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Peace Vietnam 2022” đã bị xử phạt hành chính 55 triệu đồng do thực hiện hành vi vi phạm hành chính "tổ chức thi người đẹp không có văn bản chấp thuận”. Trong năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xem xét, xử lý sai phạm của đơn vị tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022 vì đây “là sự kiện không chính thống, chưa được cấp phép”.

Điểm qua những ví dụ trên để thấy, vi phạm trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, nhất là việc tổ chức các cuộc thi “chui”, không được sự đồng ý của cơ quan quản lý văn hóa đang trở thành tình trạng đáng báo động hiện nay. Tình trạng này không chỉ ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các cuộc thi sắc đẹp nói chung, mà còn đưa đến cái nhìn thiếu thiện cảm của một bộ phận người dân đối với những cuộc thi sắc đẹp vốn đang ngày càng trở lên phổ biến trong đời sống xã hội. Chị Vũ Thu Trà ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chưa khi nào các cuộc thi hoa hậu, thi sắc đẹp lại được tổ chức nhiều như hiện nay; ra ngõ là gặp hoa hậu, vào nhà hàng là gặp hoa hậu… Song, cũng ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp vi phạm quy định về tổ chức, nhiều người đẹp vướng vào các vụ việc lùm xùm, gây xôn xao dư luận… Đó chính là những mảng tối, những điểm chưa đẹp của các cuộc thi sắc đẹp”.

Cần chế tài nghiêm khắc, thái độ nghiêm túc

Ở góc nhìn khác, việc gia tăng vi phạm trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp còn phản ánh thái độ xem nhẹ quy định pháp luật của các đơn vị tổ chức. Các vi phạm này vừa gây dư luận xấu trong xã hội, vừa đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn trong cấp phép và hậu kiểm các chương trình, cuộc thi sắc đẹp. Liên quan đến vấn đề này, cách đây không lâu, Ban Dân nguyện đã chuyển đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về việc cần tổng kết công tác tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian vừa qua đã mang lại lợi ích gì cho xã hội, để hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực, đặc biệt là định hướng lối sống cho giới trẻ.

Đơn vị tổ chức Cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - Miss Peace Vietnam 2022” đã bị xử phạt hành chính 55 triệu đồng. (Ảnh: Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam).

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng vi phạm nêu trên, lập lại trật tự trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Luật sư Lê Văn Thành, Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình nhìn nhận, quy định về mức xử phạt hiện nay đối với các hành vi sai phạm là chưa thỏa đáng. Theo quy định tại Nghị định 38/2021 thì mức phạt cho các hành vi vi phạm về việc thực hiện các cuộc thi sắp đẹp trái phép là quá nhẹ. Điều này đã và đang tạo nên tiền lệ xấu, một số đơn vị không ngại tổ chức không phép, chấp nhận sai phạm để thu lợi bất chính và nộp phạt sau. Cụ thể, các khoản 5, 6,7, Điều 12, Nghị định 38/2021/NĐ-CP nêu rõ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi vi phạm quy định về thi người đẹp, người mẫu sẽ bị xử phạt từ 25.000.000 đồng 50.000.000 đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được khi tổ chức cuộc thi mà chưa được chấp thuận. Đây là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt của tổ chức gấp 02 lần mức phạt cá nhân theo quy định tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Do đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh chế tài theo hướng nâng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Cơ quan chức năng, trực tiếp là UBND cấp tỉnh, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương và ở những địa phương có nhiều cuộc thi; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức hoạt động chuyên môn; thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tăng cường công tác thẩm định hồ sơ (trong đó rà soát kỹ Đề án bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương) trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Kiên quyết dừng các cuộc thi người đẹp, người mẫu có vi phạm và chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của các cuộc thi này.

Mỗi cuộc thi sắc đẹp khi được tổ chức dù ở quy mô, cấp độ nào cũng luôn muốn được công chúng đón nhận. Vì vậy, công chúng, dư luận giữ vai trò rất quan trọng trong ngăn chặn, đẩy lùi những vi phạm khi tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Dư luận cần có thái độ nghiêm túc, lên án mạnh mẽ và kiên quyết tẩy chay những cuộc thi vi phạm; mỗi cá nhân trước khi tham gia cần tìm hiểu kỹ các cuộc thi sắc đẹp để tránh tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm khi tổ chức các cuộc thi này.

Hướng đến cái đẹp là nhu cầu tự thân của con người. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, tổ chức các cuộc thi và tôn vinh cái đẹp là nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 12 tháng, Việt Nam đã có hơn 20 cuộc thi hoa hậu diễn ra. Cái đẹp nói chung, vẻ đẹp của người phụ nữ nói riêng lúc nào, ở đâu cũng rất cần được tôn vinh, trân trọng. Song, trước khi đi tìm kiếm, tôn vinh vẻ đẹp, thiết nghĩ những đơn vị tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cần tôn trọng quy định của pháp luật. Đó là cách để các cuộc thi thực sự có giá trị xã hội và mang lại ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực