Cần giải pháp, chế tài xử lý tình trạng lái xe không đạt tốc độ trên đường cao tốc

Thứ ba, 27/08/2024 10:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hiện nay, trên cao tốc, nhiều tài xế chạy tốc độ thấp hơn tốc độ giới hạn quy định nhưng lại “ôm” làn ngoài cùng bên trái (làn quy định tốc độ tối đa cao nhất) gây bức xúc và mất an toàn cho các phương tiện phía sau. Để khắc phục tình trạng trên cần có những biện pháp cũng như những chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Việc nhiều tài xế chạy tốc độ thấp hơn tốc độ giới hạn quy định nhưng lại “ôm” làn ngoài cùng bên trái  không chỉ sai về chấp hành Luật Giao thông đường bộ (phương tiện có tốc độ cao hơn đi bên trái, tốc độ nhỏ hơn đi bên phải) mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. 

Xây dựng quy định và chế tài phù hợp với thực tế  

Các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. (Ảnh: Minh Hoàng/Báo Lao động) 

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Ách tắc giao thông luôn là vấn đề nóng của không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ quy định pháp luật giao thông đường bộ, các quy tắc xử sự khi tham gia giao thông đường bộ; quy tắc sử dụng làn đường trên đường cao tốc đã được quy định từ trước, tuy nhiên nhiều tài xế vẫn “cố ý vi phạm”.

Song thực tế tham gia giao thông trên đường cao tốc cũng nhận thấy một bất cập lớn từ việc sử dụng làn đường “không xuất phát từ lỗi cố ý” của tài xế, mà do hệ thống hạ tầng giao thông còn hạn chế, dẫn tới ách tắc giao thông trên cao tốc. Cụ thể, tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn tuy mới đưa vào khai thác nhưng thường xuyên ách tắc không phải do tài xế không tuân thủ làn đường, “bám làn trái” mà do cao tốc này chỉ có 02 làn đường. Khi những xe to như xe tải nặng, xe container lưu thông chậm về bên phải nhiều xe khác phải tập trung đi làn trái chờ cơ hội thông thoáng để chuyển làn phải. Tuy nhiên, việc chuyển làn theo đúng quy định cũng gặp khó do liên tiếp có xe ở làn phải đi chậm. So sánh với tuyến cao tốc Pháp Vân có 03 làn đường để các tài xế có thể linh động chuyển làn thì tình trạng ách tắc ít xảy ra hơn và tài xế cũng rất tuân thủ.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, có hai vấn đề gây ra tình trạng ách tắc giao thông trên cao tốc. Một là từ thiết kế số làn, độ rộng của làn trên cao tốc; hai là từ ý thức tài xế khi tham giao giao thông trên cao tốc. Nếu áp dụng phạt tài xế bám làn trái thì cũng phải cân nhắc tới lưu lượng, mật độ phương tiện giao thông, tới tình trạng ách tắc giao thông phía trước, tình trạng chướng ngại vật làm phương tiện di chuyển chậm bên phải buộc tài xế phải nối đuôi nhau đi ở làn trái và cả làn phải. 

Cũng có thể lấy ví dụ như quy định tốc độ tối thiểu 60km và tối đa 120km, hiện nay, đã có quy định xử phạt phương tiện vi phạm khi lưu thông dưới tốc độ tối thiếu; song nếu xử phạt cũng sẽ rất cứng nhắc bởi rất nhiều đoạn đường cao tốc mật độ phương tiện giao thông dày đặc, nối đuôi nhau ở tất cả các làn hầu như có lúc chỉ lưu thông 20-30-40-50km/giờ không đạt được tốc độ tối thiểu, tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân khách quan, không phải xuất phát từ ý thức của tài xế. Vì vậy nếu áp dụng phạt nguội thì hầu như phương tiện nào cũng sẽ bị phạt.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng, cần cân nhắc và thận trọng khi áp dụng với chế tài xử phạt đối với tài xế "ôm" làn trái, chú ý tới mật độ phương tiện; tình trạng giao thông phía trước, phía sau và xung quanh, cơ sở vật chất số làn đường tài xế có thể lựa chọn để đi, “nếu làn phải phía trước, phía sau làn này vẫn trống nhưng lại chọn lưu thông chậm trên làn trái thì căn cứ xử phạt mới rõ ràng”. Chính vì vậy, các nhà quản lý khi đề xuất các quy định xử phạt cũng cần thị sát, thực địa nhiều tuyến đường cao tốc để xây dựng quy định và chế tài phù hợp với thực tế, tránh áp dụng quy định mang tính thiếu thực tế, cứng nhắc tạo rào cản và gây bức xúc cho người tham giao giao thông đường bộ.

Nâng cao hiệu quả sử dụng làn đường cao tốc

Tiến sĩ Đặng Minh Tân, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết:  Ở Việt Nam, các quy định, chế tài về việc sử dụng làn đối với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Không chỉ ở trên đường cao tốc mà trên nhiều tuyến đường ôtô thông thường, hầu hết tài xế đều muốn “chiếm” làn bên trái sát dải phân cách dù đi tốc độ rất chậm.

Dẫn chứng kết quả khảo sát, phân tích trên 3 tuyến cao tốc quan trọng, điển hình ở khu vực phía Bắc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Láng - Hòa Lạc và Hà Nội - Thái Nguyên) cho thấy, đa số các phương tiện chọn làn phía trái (làn số 1) với đường có 4 làn xe và làn số 1 và làn số 2 đối với đường có 6 làn xe.

Trong đó, các phương tiện xe tải chỉ có 42,62% chọn làn ngoài cùng bên phải (Số 2) ở đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, 37,15% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và 28,86% chọn làn ngoài cùng bên phải (số 3) ở đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Các phương tiện chạy với tốc độ thấp hơn 60km/h chiếm tỷ lệ cao. "Đặc biệt nhiều phương tiện chạy với tốc độ dưới 40km/h ở làn số 1 khiến cho các xe phải vượt về phía bên phải" - Tiến sĩ Đặng Minh Tân cho biết.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, xe con và xe khách có xu hướng chạy với tốc độ cao hơn ôtô tải, tuy nhiên có nhiều phương tiện xe con vẫn đi với tốc độ rất thấp ở làn số 1. Tình trạng này có thể phát sinh ra những hành động nguy hiểm gây tai nạn giao thông.

Kiến nghị một số giải pháp, Tiến sĩ Đặng Minh Tân đề nghị cần phát triển các quy định pháp luật, các giải pháp quản lý, kỹ thuật và chế tài về việc sử dụng làn đường trên hệ thống đường cao tốc Việt Nam để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng làn đường cao tốc, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo Tiến sĩ Đặng Minh Tân, với tuyến đường cao tốc có 6 làn xe có thể nghiên cứu triển khai phương án tổ chức giao thông với xe tải chỉ được đi ở làn số 2 và làn số 3. Đồng thời tăng cường sử dụng một số giải pháp sử dụng biển báo khuyến khích các phương tiện đi chậm đi về bên phải và nhường đường cho xe vượt.

Tiến sĩ Đặng Minh Tân, Trường Đại học Giao thông Vận tải 

Tiến sĩ Đặng Minh Tân cho rằng, cần phát triển giải pháp, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh để quản lý, điều hành tổng thể đường cao tốc nói chung và giám sát vấn đề về tốc độ và sử dụng làn đường nói riêng. Đặc biệt, cần coi trọng vấn đề tuyên truyền, tăng cường các giải pháp đào tạo người lái xe nhận thức về việc sử dụng làn đường khi tham gia giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có đề xuất xử phạt hành vi này.

Cụ thể, tại điểm b, c của khoản 2 Điều 7 của Dự thảo Nghị định này quy định, điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định và điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn xe khác đi cùng chiều mà không đi về làn đường bên phải chiều đi của mình, trừ trường hợp xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định thì sẽ bị xử phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng.

Đồng thời, điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy dẫn đến tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện bị trừ 3 điểm trên giấy phép lái xe. Đây là đề xuất mới dựa trên tình hình thực tế khi có nhiều ý kiến về tình trạng tài xế cố tình đi sát làn trái, tạo thành cản trở với xe khác./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực