Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Dự thảo này do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Một trong những nội dung được Bộ Tư pháp đề xuất là bãi bỏ quy định về việc nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Thay vào đó, cơ quan làm thủ tục đăng ký kết hôn sẽ thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của các bên yêu cầu đăng ký kết hôn từ cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Nguyễn Văn Thủy, ở phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum cho biết: Tôi rất hoan nghênh và ủng hộ đề xuất này của Bộ Tư pháp. Bởi hơn ai hết, tôi là người gốc ngoài Bắc, đi làm ăn xa quê đã hàng chục qua nên rất vất vả khi mỗi lần phải về quê xin giấy tờ, nhất là liên quan đến xác nhận tình trạng hôn nhân để hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng đất đai hay tài sản. Đến nay, chúng ta đã có hệ thống lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên mọi thủ tục chỉ cần một vài thao tác click chuột trên hệ thống mạng là có thể giải quyết được vấn đề, nó rất tiện lợi, hiện đại và đáng tin cậy.
“Cách đây một thời gian, khi tôi thấy đề án 06 về phổ cập CCCD gắn chíp triển khai đồng bộ trên cả nước về cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý dân cư đã cơ bản hoàn thành, tôi luôn thắc mắc tại sao cơ quan chức năng vẫn chưa nghiên cứu loại bỏ một số giấy tờ hay thủ tục hành chính không cần thiết, thì vừa qua có thông tin ngành Tư pháp đề xuất loại bỏ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, bản thân tôi thấy rất vui và đồng tình ủng hộ.” – ông Thủy nói.
|
Bà Nguyễn Thị Dung |
Bà Nguyễn Thị Dung, ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chia sẻ: Qua tìm hiểu tôi thấy, việc bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn chỉ là thay đổi phương thức chứng minh điều kiện kết hôn. Thay vì để người dân phải nộp giấy này, cơ quan, đơn vị sẽ tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu điện tử, nên việc này lẽ ra chúng ta phải thực hiện từ lâu rồi, như việc chúng ta bỏ sổ hộ khẩu khi giao dịch hành chính, hay giấy tờ tạm vắng tạm chú khi di chuyển chỗ ở đến các địa phương.
Trước đây mỗi lần phải đi thủ tục các giấy tờ liên quan xác nhận tình trạng hôn nhân tôi thấy rất mất thời gian, do tôi ở “một chốn bốn nơi”, quê nội, quê ngoại, quê vợ, mỗi quê một tỉnh, trong khi vợ chồng tôi và con cái lại đang tạm trú, làm việc và học tập tại Hà Nội. Do vậy đề xuất của Bộ Tư pháp vừa qua tôi thấy là rất cần thiết, kịp thời, khi căn cứ và tình hình thực tiễn để loại bỏ đi một thủ tục giấy tờ rườm rà cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, hiện là quân nhân chuyên nghiệp, quê ở Mê Linh (Hà Nội), đang công tác tại một sân bay quân sự thuộc địa bàn tỉnh Yên Bái ý kiến: Khi dữ liệu của công dân đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia thì việc xác nhận tình trạng hôn nhân với công dân trong nước chỉ làm tăng thêm thủ tục hành chính và phiền hà. Đối với những người cư trú một nơi cố định không sao nhưng với những người cư trú nhiều nơi nhất là công an và bộ đội như chúng tôi thì việc xin được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khó khăn vô cùng. Thông qua đề xuất và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, tôi rất mong Bộ Tư pháp cần xem xét có quy định cụ thể về xác nhận nhân thân đối với bộ đội, công an đang công tác vì di chuyển rất nhiều nơi công tác khác nhau mà đơn vị công tác không phải nơi cư trú nên rất khó xin được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân...
|
Ông Nguyễn Văn Khư |
Ông Nguyễn Văn Khư, ở thị trấn Ba Sao, Kim Bảng (Hà Nam) nhìn nhận: Trước đây mỗi lần phải đi làm thủ tục về xác nhận tình trạng hôn nhân, tôi nhớ rất rõ mình phải trải qua hàng loạt thủ tục. Tôi rất đồng tình với việc không cần giấy xác nhận độc thân khi đăng ký kết hôn mà chỉ cần tra trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Bởi như tôi biết, khi triển khai đề án 06 về dữ liệu quốc gia quản lý dân cư, chủ yếu do ngành công an triển khai nên khá bài bản; quá trình triển khai, ngành công an đã có sự xác minh thông tin của công dân rất minh bạch rõ ràng, hơn nữa công việc do các cán bộ có năng lực chuyên môn và trình độ cao đảm nhận nên thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia rất đáng tin cậy. Do đó còn để tồn tại các thủ tục giấy tờ kiểu như xác nhận một thông tin 2 lần, nói vui ra là không khác gì phủ nhận độ xác thực của thông tin trên kho dữ liệu số.
Ngoài ra, tôi đề xuất các cơ quan bộ ngành nên xem xét, rà soát bỏ thêm một số loại giấy tờ không cần thiết nữa, chứ không chỉ bỏ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, để vừa góp phần đẩy mạnh số hóa hoạt động hành chính, tư pháp, cải cách hành chính theo hướng hiện đại, tiện lợi cho người dân nhất là trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công.../.