Cần tạo môi trường giáo dục lành mạnh để phát triển nhân cách, trí tuệ của người học.
Trong thời gian qua, dư luận xã hội rất phẫn nộ và không khỏi băn khoăn về các vụ việc đáng tiếc xảy ra như: Giáo viên trung tâm ngoại ngữ với ngôn ngữ chợ búa, xưng hô mày - tao; bảo mẫu bạo hành trẻ em ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; và trước đó là những sự việc xảy ra ở học đường như: Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng,… Tất cả các sự việc đó đều là những yếu tố phản giáo dục, là những “hạt sạn” làm vẩn đục môi trường giáo dục, cần phải loại bỏ.
Những cách giáo dục mang tính bạo hành đã ảnh hưởng không nhỏ tới người học. Những đứa trẻ ở trường mầm non phải ăn bữa ăn chan đầy nước mắt bởi những trận đòn quái ác của bảo mẫu. Những học viên ngồi học ngoại ngữ ở trung tâm ngoại ngữ bị sỉ nhục về sự ngu dốt mà cô giáo không có bằng cấp sư phạm đứng lớp với “luật chơi” thu tiền học viên cùng những lời lẽ vô văn hóa, phản giáo dục. Rồi có em học sinh phải nhắm mắt, chùn môi để uống thứ nước bẩn từ giẻ lau đầy bụi phấn…
Trường học vốn là nơi ươm mầm tri thức và rèn luyện con người, nơi con người được sống trong tình yêu thương của thầy cô, bè bạn. Môi trường để con người phát triển nhân cách, năng lực thì nay đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những kiểu giáo dục không nhân văn của một, hai cá nhân giáo viên.
Sự thờ ơ của các nhà quản lý giáo dục đã buông lỏng và tạo cơ hội cho những yếu tố phản giáo dục có mầm mống và lớn mạnh ngay trong nhà trường.
Vậy, nguyên nhân nào là cốt lõi dẫn đến những sự việc đáng tiếc vừa qua?
Có thể nói, ở những thời điểm, chúng ta đã tạo ra những cơ chế hết sức thông thoáng cho những mô hình, hình thức giáo dục được hình thành và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người học. Tuy nhiên, khi mà các trung tâm, các trường tư thục mở ra tràn lan có sự cấp phép của các cấp chính quyền thì công tác quản lý về cơ chế hoạt động, chất lượng hoạt động ở nhiều nơi lại hết sức lỏng lẻo. Chính điều đó đã tạo cơ hội cho những yếu tố phi giáo dục được hình thành và hoạt động. Nhiều trường tư thục được phép tự thu, tự chi nên việc thu chi tài chính cũng còn nhiều khuất tất, ảnh hưởng không nhỏ đến người học.
Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương cũng có những điều cần bàn. Một thực tế cho thấy, trước khi giáo viên được tuyển dụng, họ là những sinh viên đã trải qua các kỳ thực tập. Họ cơ bản đều được đánh giá ở những mức xuất sắc, giỏi; trải qua các bài thi khi tuyển dụng nhưng khi bước vào nghề, nhiều giáo viên lại tỏ ra lúng túng, thiếu kỹ năng, nghiệp vụ, thiếu kiến thức cơ bản để dạy học sinh. Chính điều đó khiến nhiều giáo viên đã “tự phát” nghĩ ra những cách giáo dục thiếu nhân văn, những cách hành xử phi giáo dục. Điều này cũng dẫn đến sự “tự do” trong phát ngôn, tự do trong hành động, tự do trong ứng xử của trường học. Có nhà trường không coi người học là trung tâm, không tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý của học sinh, không nắm bắt được hoàn cảnh của học sinh nên không có những biện pháp giáo dục hiệu quả. Có trung tâm đã sử dụng đồng tiền như một công cụ để đe nẹt học viên, xử lý học viên khi vi phạm chứ không dùng các biện pháp giáo dục. Vì thế, những hình thức phi giáo dục có cơ hội trỗi dậy ngay trong môi trường học đường.
Loại bỏ những yếu tố phản giáo dục ra khỏi học đường là việc cần làm hiện nay để trả lại, giữ nguyên hình ảnh như vốn có của mỗi nhà trường. Muốn vậy, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra, rà soát hoạt động của các trường, cả công lập và tư thục, các trung tâm đào tạo để kịp thời phát hiện những sai phạm trong quá trình tổ chức giáo dục. Khi phát hiện sai phạm, nếu cần thiết, có thể dừng hoạt động, giải thể các trung tâm không đủ điều kiện chứ không nên sử dụng hình thức phạt hành chính. Cần làm tốt công tác tuyển dụng, đào tạo giáo viên để loại bỏ ra khỏi ngành những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực, kỹ năng theo yêu cầu. Tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để góp phần tạo dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, hiệu quả.
Thiết nghĩ, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thời đại nào, dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế được vị trí của người thầy ở mỗi nhà trường. Vì vậy, cần coi trọng nhân cách, phẩm chất và trí tuệ của người thầy tốt và loại bỏ những người thầy không đủ tư cách trong mỗi nhà trường, cấp học./.