Xe khách trá hình tập kết trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Công Hùng
Cách đây ít ngày, chúng tôi lên chuyến xe khách Limousine BKS: 29B – 125.2.. của nhà xe N.Q chuyên chạy tuyến Hà Nội – Móng Cái (Quảng Ninh) khi trời còn tờ mờ sáng. Lái xe và nhân viên xe khá niềm nở với khách, nhìn chiếc xe 9 chỗ (được hoán cải từ xe 16 chỗ) khá mới, trong khoang đèn led trang trí màu sắc lung linh, ghế bọc da sang trọng, chúng tôi thầm nghĩ mình đã chọn được nhà xe “chất lượng cao” đúng nghĩa phục vụ cho chuyến đi của mình.
Sau khi lòng vòng đón khách (đã gọi điện đặt chỗ) qua các con đường: Trần Duy Hưng, Láng, Đê La Thành, Thái Thịnh, Giải Phóng, đến khoảng 5 giờ sáng thì xe đầy khách. Hành khách trên xe tỏ ra hào hứng khi hành trình Hà Nội - Móng Cái chính thức xuất phát theo trục Thanh Trì - đường 5B (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) - QL 18.
Vậy rồi có đi mới biết, suốt hành trình ngày hôm đó, bất kì ai ngồi trên chuyến xe này cũng đều phải trải qua một phen “kinh hồn bạt vía”. Dấu hiệu “bão táp” thực sự bắt đầu khi xe vào cao tốc, chiếc xe lập tức phi thẳng xé gió, do là đường cao tốc nên hành khách không ai để ý. Nhưng khi nhập vào đường QL 18 (nút giao Minh Khai) hướng Hạ Long đi Móng Cái, mặc dù đi qua nhiều đoạn có biển báo hạn chế tốc độ, khu trường học, khu vực đông người nhưng chiếc xe vẫn lạng lách với tốc độ cao.
Khi qua thành phố Cẩm Phả và huyện Đầm Hà, mặc dù có nhiều đoạn quanh co, tuy nhiên chiếc xe vẫn ôm cua với tốc độ xé gió, khiến người ngồi xe cảm nhận được thi thoảng một bên bánh sau của xe nhấc hẳn lên không còn tiếp xúc với mặt đường, cảm giác tính mạng thật mong manh.
Suốt hành trình, quan sát chúng tôi thấy, rất nhiều lần tài xế đánh lái đột ngột trách phương tiện ngược chiều, khiến không ít hành khách phải giật thót mình, sắc thái hiện rõ vẻ lo lắng. Còn tài xế (một thanh niên khoảng 26 tuổi) thỉnh thoảng ngoảnh đầu lại cười khẩy với khách đi xe một cách khó hiểu, như thể đây là "chuyện thường ngày ở huyện".
“Về chất lượng phục vụ và tiện nghi của xe chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng riêng việc tài xế lái xe chạy quá nhanh đã khiến bản thân tôi mấy lần nín thở, thót tim” – Bà Chu Thị Bền, quê ở Phú Thọ lần đầu đi loại hình Limousine từ Hà Nội ra Quảng Ninh cho biết trong bất an.
Việc lo lắng trên không phải không có cơ sở, chúng ta hẳn còn nhớ vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào ngày 31/10/2018 trên trục QL 18 do xe chở khách Limousine gây ra. Cụ thể vào thời gian trên, khi đi qua khu vực cầu Vân Đồn 2, xã Đông Xá (Vân Đồn - Quảng Ninh), chiếc xe Limousine BKS: 14B - 028.36 do anh Nông Văn Minh (SN 1985, trú tại thôn Đông Thịnh, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) điều khiển theo hướng Vân Đồn - Cửa Ông, đã đâm vào chiếc xe máy BKS: 14B - 7470 do ông Nguyễn Phú Hiệp (SN 1963, trú tại phường Cửa Ông, TP. Cẩm Phả), chở theo con gái Nguyễn Thị Thùy (SN 1993) theo hướng ngược lại. Cú va chạm khiến 2 người đi xe máy tử vong tại chỗ, phương tiện hư hỏng nặng.
Với một số người thì việc xe chạy tốc độ cao sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển. Tuy nhiên trừ đường cao tốc ra, hạ tầng giao thông của nước ta nói chung còn khá bất cập, chất lượng đường giao thông chưa đồng đều, thì câu chuyện chạy quá nhanh liệu có đảm bảo độ an toàn, và khi xảy ra va chạm hậu quả sẽ như thế nào? Đây là câu hỏi rất đáng suy nghĩ dành cho các cơ quan quản lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tham gia kinh doanh vận tải theo mô hình xe Limousine Hà Nội đi Quảng Ninh hiện nay ngoài nhà xe N.Q có một số nhà xe khác như D.T, Q.V... Các xe này chạy từ Hà Nội đi đủ các tuyến trên địa bàn Quảng Ninh như Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông, Vân Đồn, Móng Cái và ngược lại, với tần suất 1 tiếng/chuyến kéo dài từ 3 giờ sáng cho tới 20 giờ tối. Giá vé dao động từ 180 – 250 nghìn đồng/người tùy theo quãng đường di chuyển.
Đến nay, hình thức xe chở khách Limousine xuất hiện khá phổ biến tại nhiều đô thị lớn nước ta như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành. Mặc dù hình thức đăng ký là xe chở khách theo hợp đồng, nhưng thực chất những chiếc xe này chở khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nên nó còn được hiểu là một dạng xe “dù” đúng nghĩa.
Xe Limousine của nhà xe N.Q, lấn làn gây tai nạn trên QL 1A thuộc địa bàn xã Quang Lang, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh: Kim Chiến
Trong một chuyến công tác tại tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi cũng có dịp ngồi xe Limousine thêm một lần nữa. Chiếc xe lao vun vút trên đường đông đúc đầy phương tiện, vượt mọi xe trên đường kể cả những chiếc container kềnh càng. Với những vị khách yếu tim, trải qua những màn “đua” trên xa lộ như thế hẳn không khỏi "dựng tóc gáy". Sự trùng hợp ngẫu nhiên trên hành trình này, khi xe về tới địa phận xã Quang Lang, huyện Chi Lăng đã có một chiếc Limousine của nhà xe khác hướng Hà Nội lên, do chạy nhanh mất lái, lấn trái đường và tông vào phương tiện ngược chiều, 2 nạn nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm, các phương tiện hư hỏng nặng. Chỉ những khi chứng kiến cảnh đó, người tài xế trung niên trên chiếc Limousine chúng tôi đang ngồi mới chịu nhẹ chân ga, cho xe chạy tốc độ “hiền lành” hơn.
Khi hỏi chuyện, chúng tôi được một số tài xế Limousine chia sẻ, đặc thù xe chạy khách đặt ghế từ trước, không bắt khách dọc đường, do đó để giảm thiểu thời gian di chuyển giữa hai địa điểm, tâm lí chung của các lái xe khi lên đường là tựa như một “cuộc đua” để sớm về đích nhằm tăng lượt, chuyến. Thậm chí, một số anh em lái xe còn bị nhà chủ giao khoán số chuyến trong ngày, vì vậy người lái bị áp lực nặng từ cả thời gian cho đến tần suất, đi chậm ở những đoạn có trạm CSGT, đoạn đường bắn tốc độ với họ là việc bất đắc dĩ.
Trên nguyên lý có cầu - có cung, hình thức vận tải Limousine hiện nay càng ngày phổ biến, không chỉ những tuyến đường dài, mà có cả những tuyến đường ngắn như Hà Nội – Hà Nam, Hà Nội – Thái Bình, Ninh Bình,…Việc tăng đột biến phương tiện này cùng dịch vụ đón trả khách tại nhà không chỉ gây ra lộn xộn giao thông, mà còn tăng áp lực cho hạ tầng giao thông, nhất là các đô thị lớn như thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Còn trên đường, những chiếc Limousine đang trở thành một trong những nguồn tăng nguy cơ gây tai nạn.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trên các tuyến phố ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, loại xe được hoán cải từ 16 chỗ xuống 9 chỗ hay còn gọi là xe Limousine lách luật núp bóng xe hợp đồng, luồn lách khắp nội đô. Các xe Limousine vô tư đón khách đi các tỉnh lân cận và ngược lại bất kể giờ giấc, gây náo loạn thị trường kinh doanh vận tải và gây ùn tắc giao thông. Các xe này đều không chạy theo luồng tuyến, không đón trả khách tại bến.
Chiếc xe Limousine của nhà xe N.H chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh chạy trên đường Phạm Hùng (gần lối rẽ vào bến xe Mỹ Đình) đón khách chiều ngày 18/1. Ảnh: Kim Chiến
“Xe khách trá hình núp bóng xe hợp đồng đang biến tướng ngày một tinh vi, công khai hoạt động giữa ban ngày và chạy như tuyến cố định trên nhiều tuyến Hà Nội đi các tỉnh: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn... Tuy có thuận tiện cho hành khách, nhưng loại hình này vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tác động xấu đến thị trường vận tải tuyến cố định do “cướp” một lượng hành khách không nhỏ của xe chạy tuyến cố định. Bên cạnh đó, xe Limousine đang né thuế bằng cách khai thấp hơn doanh thu”, ông Thanh phân tích.
Không chỉ vậy, loại hình xe khách trá hình Limousine còn có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh với hình thức vận tải hành khách cố định tại các bến, gây thất thu tiền thuế cho nhà nước. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng thì nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến bùng phát xe khách “trá hình” đã được chỉ rõ từ cách đây hơn 3 năm. Ông Thắng phân tích, bộ khung quản lý hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô quan trọng nhất là Nghị định 86/2014/NĐ - CP và Thông tư 63/2014/TT - BGTVT đều tồn tại một lỗ hổng rất lớn. Đó là, từ 1/7/2015, chỉ yêu cầu xe hợp đồng từ 10 chỗ trở lên phải báo cáo các thông tin như: Hành trình, danh sách khách, điểm đón trả... về Sở GTVT địa phương trước khi thực hiện hợp đồng. Còn xe dưới 10 chỗ thì không phải báo cáo. Từ kẽ hở này, loại hình xe hợp đồng dưới 10 chỗ mà chúng ta vẫn quen gọi là xe Limousine, VIP, DCAR mới có điều kiện phát sinh ngày càng nhiều.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện có hàng nghìn chiếc xe Limousine, VIP, DCAR xuất hiện trên khắp cả nước, vô tư đưa đón khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Mỗi khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, lái xe chỉ cần xuất trình ra một bản hợp đồng khống là... xong. Đây cũng chính là lỗ hổng cơ bản làm cho lực lượng chức năng, cơ quan quản lý không có căn cứ xử lý loại hình xe chở khách này.
Từ một số vấn đề, bất cập đã trình bày, đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý, đồng thời nghiên cứu chế tài khắc phục những "lỗ hổng" mang tên Limousine, tăng cường quản lý đưa loại hình vận chuyển khách Limosine, VIP, DCAR đi vào quy củ, không để kéo dài tình trạng những chiếc xe dạng này tự tung tự tác trên đường như hiện nay./.