Chống tham nhũng, tiêu cực bằng những "cánh tay nối dài”

Thứ hai, 23/05/2022 16:27
(ĐCSVN) - Một chủ trương được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây là việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ý kiến của một số chuyên gia và người dân, đây là việc làm cần thiết, có vai trò như những “cánh tay nối dài” của Trung ương nhằm tăng cường đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp địa phương.

Tại Hội nghị lần thứ 5 khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh); coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu lực, hiệu quả cao hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh là một trong những thiết chế rất đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã từng tồn tại nhưng sau đó phải đưa ra khỏi luật vì hoạt động không hiệu quả. Quốc hội từng đưa Ban này vào Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2007, sau 5 năm hoạt động không hiệu quả, Quốc hội bỏ Ban này ra khỏi Luật Phòng chống tham nhũng năm 2012, với cơ cấu tổ chức, thành phần, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, đặc biệt là cơ chế hoạt động và năng lực thực hiện nhiệm vụ không bảo đảm, đôi khi còn là rào cản cho các cơ quan hoạt động tiến hành tố tụng…

Luật sư Lê Ngọc Hoàng. Ảnh: TC

Luật sư Lê Ngọc Hoàng cho rằng, việc thành lập trở lại Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với cơ cấu thành phần khác đi, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng khác đi, với cách thức, phương thức hoạt động khác đi, và đặc biệt nhấn mạnh chế độ trách nhiệm công vụ của từng thành viên trong Ban, trách nhiệm người đứng đầu, mối quan hệ phối hợp của Ban này với các cơ quan chức năng ở địa phương, với cấp ủy Đảng, và các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng như thế nào, là câu chuyện cần phải nghiên cứu rất kỹ về lý luận, thực tiễn, đặc biệt về mối quan hệ và năng lực thực hiện nhiệm vụ. Do đó để Ban này hoạt động tốt, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như phòng ngừa, phát hiện; đồng thời phải có bộ máy tham mưu đủ mạnh, đủ năng lực, chuyên môn, bản lĩnh, đủ đạo đức để giúp Ban này thực hiện tốt nhiệm vụ. “Làm được như vậy, tôi tin rằng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” – Luật sư Lê Ngọc Hoàng nói.

Ông Đinh Công Báo, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết: Tôi thấy chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết trong lúc này, bởi vấn đề tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra ở cấp Trung ương mà còn xảy ra và nhức nhối từ cấp xã đến huyện, tỉnh. “Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh có thể được coi như "cánh tay nối dài” của Trung ương nhằm giải quyết một cách kịp thời, từ gốc rễ những vấn đề còn bức xúc trong dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở các cấp địa phương.

Tôi cũng được biết, với mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh, dự kiến do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói, các cán bộ vào Ban chỉ đạo cấp tỉnh này trước hết phải gương mẫu, trong sáng, không được tham nhũng vì “tay đã nhúng chàm rồi thì không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, tôi thấy đây không đơn thuần là những chủ trương mà còn là quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” là tham nhũng, tiêu cực.

Ông Đinh Công Báo, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc, Hòa Bình. Ảnh: TC

Thực tế những năm qua, mặc dù ở các địa phương đều có cơ quan nội chính, cơ quan kiểm tra và các cơ quan tố tụng khác, song công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở địa phương chưa thực sự hiệu quả, quyết liệt. Nhiều vụ án lớn chỉ khi có sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì mới được làm sáng tỏ. Do đó tôi nghĩ về cơ chế tổ chức hoạt động, phân quyền cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh, việc quy trách nhiệm cần rõ ràng để phát huy vai trò, hiệu quả của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cũng là để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Trương Quang Mão,  quân nhân hưu trí ở xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) cho biết: Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp để giải quyết những vấn đề đặt ra của thực tiễn hiện nay trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong các bộ máy công quyền.

Thực tế từ một số sự vụ tham nhũng, tiêu cực xảy ra thời gian qua ở một số địa phương có thể thấy, không ít những vụ việc lại là chính những người từng đứng đầu đảng bộ, chính quyền như nguyên bí thư, nguyên chủ tịch UBND lại mắc sai phạm bị xử lý Đảng, chính quyền, kể cả hình sự. Do vậy, chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là một bước đi thể hiện quyết tâm cao hơn, triệt để hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Trước đây chúng ta quan tâm nhiều đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở cấp trên, còn ở các cấp cơ sở từ thôn, xã, huyện... dù có xử lý nhưng ít được đề cập hơn. Vì vậy, với sự thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh chính là sự tăng cường quan tâm trực tiếp công tác này ở cơ sở.

Ông Trương Quang Mão cho biết thêm, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ là “cánh tay nối dài” của Trung ương, giúp Trung ương nắm bắt, xử lý các sự vụ kịp thời hơn, đồng thời uốn nắn những sai sót của cấp địa phương, đồng thời sẽ tranh thủ huy động được sức mạnh giám sát của nhân dân trong lĩnh vực này…

Bà Nguyễn Thị Thương, nguyên cán bộ ngành tư pháp ở thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) nêu quan điểm: Để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động quyết liệt như Trung ương tôi nghĩ cần có những biện pháp, chế tài đề phòng tình trạng nể nang, do dự khi cán bộ Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ. Bởi với những  thành viên Ban chỉ đạo là nhân sự kiêm nhiệm, nằm trong cấp ủy địa phương, thì việc có dám “mạnh tay” đấu tranh phát hiện những sai sót, tham nhũng, tiêu cực của quan chức địa phương hay không cũng là câu hỏi bỏ ngỏ cần có thời gian thực tiễn mới có câu trả lời.

Bàn về vấn đề nhân sự, bà Thương cho rằng, để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thực sự hiệu quả thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Thành viên Ban chỉ đạo phải là những người thực sự liêm chính, trong sạch, quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sau khi được thành lập phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương, đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương phải thường xuyên giám sát, kiểm tra. Ngoài thành viên là cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm ở địa phương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần chọn một số đại diện của nhân dân – là những người mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta cũng cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, lựa chọn, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu địa phương phải có tâm, có tầm, thực sự vì dân, vì nước, bởi đây là tiền đề quyết định chất lượng, hiệu quả của cơ quan phòng chống tham nhũng ở mỗi địa phương” – bà Thương nhấn mạnh.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thực hiện chương trình công tác năm 2022 và kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề án có sự kế thừa kết quả sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.

Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực