Cử tri đặc biệt quan tâm đến phục hồi và phát triển kinh tế

Thứ năm, 26/10/2023 14:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa chính thức khai mạc trọng thể tại Hà Nội; trong các nội dung kỳ họp này, cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề kinh tế của đất nước.

Cử tri Đỗ Đình Sáng, cư trú ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: Theo dõi phiên khai mạc trọng thể ngày 23/10, tôi thấy Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đưa ra bàn thảo, xin ý kiến nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Tuy nhiên trong giai đoạn kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, đặt ra nhiều thách thức, khó khăn như hiện nay, các nội dung liên quan kinh tế - xã hội của đất nước được người dân chúng tôi đặc biệt quan tâm.

“Năm 2022 - 2023 chúng ta đã trải qua giai đoạn kinh tế cực kỳ khó khăn như giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, bất động sản đóng băng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ do hậu quả tất yếu của dịch bệnh để lại, do sự bất ổn tình hình chính trị thế giới, thiên tai...do vậy việc bàn thảo và đưa ra các giải pháp căn cơ tháo gỡ nút thắt, vực dậy nền kinh tế cho đất nước sẽ là vấn đề đặc biệt quan trọng” - cử tri Sáng nói.

Qua kỳ họp này, anh Sáng cũng như nhiều cử tri khác mong muốn các đại biểu Quốc hội nghiên cứu phân tích đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan đồng thời đề xuất những biện pháp nhằm đẩy nhanh việc khôi phục nền kinh tế.

Cử tri Phạm Hữu Quân. 

Cử tri Phạm Hữu Quân, ở xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: Theo dõi Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại Quốc hội, cử tri và Nhân dân chúng tôi đánh giá cao việc trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam; giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110 nghìn tỷ đồng), đã hoàn thành hơn 650km đường cao tốc; tích lũy đủ tài chính (hơn 500 nghìn tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Gửi gắm những tâm tư nguyện vọng, cử tri Quân cũng như nhiều cử tri khác hiện rất băn khoăn, lo lắng về tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn; việc triển khai thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do vậy cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, tập trung cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; kịp thời chỉ đạo khắc phục thiệt hại do thiên tai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; có giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.

Cử tri Trần Ngọc Huấn, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất và thương mại lĩnh vực cơ khí ở phường Trần Hưng Đạo, TP. Phủ Lý (Hà Nam) cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động từ tình hình thế giới khiến đơn hàng của công ty sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu cao... Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng như tác động không tốt tới việc làm, thu nhập của người lao động.

"Là doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi đã chịu sự tác động rõ ràng của tình trạng suy thoái kinh tế, hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn khi nhu cầu thị trường bị suy giảm trầm trọng. Lợi nhuận giảm sâu nhưng doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh đủ khoản chi tiêu từ lãi suất ngân hàng, tiền thuế các loại, tiền thuê nhà xưởng, tiền điện nước, lương nhân viên... Trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, cử tri chúng tôi mong muốn các đại biểu cần đưa ra các giải pháp, tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt là vấn đề tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay. Bởi theo như tôi biết, trong vòng hơn 2 năm qua đã có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản; doanh nghiệp còn  tồn tại thì lay lắt qua ngày,...nên đã đến lúc chúng ta phải bàn sâu các giải pháp “tiếp oxi” cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa” - cử tri Huấn chia sẻ.

Cử tri Mai Sỹ Vinh, ở tổ 5 phường Ngọc Hà, TP. Hà Giang thì thẳng thắn: Một vấn đề đang bức thiết đặt ra hiện nay là trong kỳ họp này, các đại biểu cần bàn thảo xem vấn đề gì đang xảy ra với thị trường bất động sản, dù lĩnh vực này liên tục được đón nhận các cú huých đòn bẩy từ chính sách. Các dự án bất động sản đóng băng đã có dấu hiệu tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

“Như tôi được biết, từ cuối năm 2022 tới nay, Chính phủ liên tục có chỉ đạo nóng nhằm tháo gỡ, vực dậy thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực giúp thị trường địa ốc sớm dậy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại” - cử tri Vinh nói.

Vẫn theo cử tri Vinh: Liên tục có những văn bản, Thông tư, Nghị định để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản nhưng đến nay thị trường vẫn chưa thấy có chuyển biến rõ nét. Các doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, song vấn đề lớn nhất không phải tài chính mà từ pháp lý. Chúng ta cũng thấy quy trình thủ tục pháp lý vẫn vậy, nhưng tại sao trước kia các doanh nghiệp làm được, còn bây giờ thông thoáng hơn lại bị tắc? Do đó, trong kỳ họp lần này, Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét đến các giải pháp để tháo gỡ khó khăn triệt để cho thị trường bất động sản. Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì nền kinh tế có thêm động lực quan trọng để khởi sắc.

 Cử tri Nguyễn Hùng Cường.

Quan tâm đến kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, cử tri Nguyễn Hùng Cường, ở phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái nhấn mạnh: Theo tôi, một trong các vấn đề chúng ta cần đưa ra đánh giá xem xét đó là tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, bởi nội dung này đang phản ánh rõ nét “sức khỏe” của đất nước.

Cử tri Cường viện dẫn: Mới đây Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính đã công bố Bản tin nợ công số 15 về tình hình nợ công của Việt Nam từ năm 2018 đến tháng 6/2022. Theo đó, tính đến hết năm 2021, nợ nước ngoài của quốc gia giảm chỉ còn 38,4% GDP so với năm 2018 là 46% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 6,2%. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2021 khoảng 21,8%, có chiều hướng tăng dần đều theo các năm. Về cơ cấu nợ nước ngoài của quốc gia, dư nợ nửa đầu năm 2022 là 3,285 triệu tỷ đồng, đã vượt quá tổng dư nợ của cả năm 2021 (3,226 triệu tỷ đồng). Trong đó, nợ nước ngoài của doanh nghiệp chiếm gần 70% tổng vay nợ (2,287 triệu tỷ đồng). Tỷ lệ rút vốn trong kỳ có chiều hướng giảm qua các năm và giảm mạnh tính đến nửa năm 2022. Đồng thời, tỷ lệ trả nợ trong kỳ lại có chiều hướng tăng trưởng đều qua các năm cho thấy Việt Nam đang làm rất tốt trong việc xử lý các khoản nợ và ít phụ thuộc hơn vào nợ nước ngoài.

“Đánh giá tổng thể các số liệu tôi thấy, tín hiệu tích cực là nợ công của của chúng ta đang giảm mạnh, tuy nhiên vấn đề này cũng cần được xem xét bàn thảo thêm tại nghị trường, bởi sức khỏe nền kinh tế của đất nước bị chi phối rất mạnh từ góc độ này” - cử tri Nguyễn Hùng Cường nêu quan điểm../.                                                              

Bài, ảnh: Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực