Đánh giá, xếp loại giáo viên cuối năm: Cần dân chủ, thực chất

Thứ ba, 23/05/2023 17:19
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Việc đánh giá, xếp loại viên chức giáo viên hằng năm là công việc quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường. Để công việc này thực sự hiệu quả cần dành sự quan tâm, động viên đến người trực tiếp giảng dạy, khơi dậy lòng yêu nghề, đổi mới, sáng tạo không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.

Hằng năm, vào dịp cuối tháng 5 là thời điểm các nhà trường từ bậc mầm non đến THPT tổng kết năm học. Cùng với việc đánh giá, xếp loại hai mặt giáo dục của học sinh thì một công việc quan trọng đó là đánh giá, xếp loại viên chức và bình xét thi đua, khen thưởng đối với toàn thể đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các nhà trường. Trên cơ sở các quy định về đánh giá, xếp loại được ghi rõ tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP, ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; các tiêu chí quy định Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định 91/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/20217 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng cùng các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành thị về công tác thi đua, khen thưởng, các nhà trường tiến hành đánh giá, xếp loại và tổ chức bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nhằm phân loại và ghi nhận kết quả công tác của đội ngũ nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong ngành Giáo dục sau một năm học.

leftcenterrightdel
 Phòng GD&ĐT Hạ Hoà (Phú Thọ) trao thưởng giáo viên giỏi mầm non cấp huyện. 

Thực chất kết quả của việc đánh giá, phân loại viên chức và công tác thi đua, khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục là đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác của giáo viên sau một năm học, lấy đó làm căn cứ để thủ trưởng các đơn vị giáo dục xếp loại viên chức, có kế hoạch sắp xếp vị trí việc làm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bổ nhiệm đội ngũ của đơn vị. Bên cạnh đó, thi đua khen thưởng sẽ góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến trong mỗi nhà trường và toàn ngành Giáo dục, tạo động lực để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nỗ lực, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm học tiếp theo.

Tiến sỹ tâm lý Trần Đình Chiến (Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ) chia sẻ: "Việc đánh giá, xếp loại và công tác thi đua khen thưởng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng khá rõ nét đến tâm lý của nhà giáo. Đồng thời, đây là yếu tố để góp phần tạo nên động lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên ở mỗi nhà trường phổ thông". 

Tuy nhiên, từ thực tiễn ở nhiều trường phổ thông, sau mỗi lần đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua, khen thưởng lại để lại trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên những tâm tư, trăn trở về việc đánh giá, bình xét,  từ đó đã tạo ra những hiệu ứng chưa tích cực về cách nhìn nhận ý nghĩa của thi đua, khen thưởng trong mỗi nhà trường. Cụ thể là, vẫn còn việc đánh giá, xếp loại chưa thực sự căn cứ vào kết quả việc thực hiện nhiệm vụ, những ưu điểm, tồn tại, hạn chế của từng giáo viên, từ đó nảy sinh hiện tượng “cào bằng” trong đánh giá viên chức. Tâm lý “ai cũng tốt tất” sẽ dẫn đến việc xếp loại hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhiều nhà trường luôn ở tỷ lệ cao. Bởi vậy, dẫn đến sự nỗ lực, cố gắng của nhiều giáo viên sẽ chưa được ghi nhận, chưa có tính thúc đẩy,  làm việc theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”, miễn là làm xong nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Thi đua, khen thưởng cần hướng nhiều đến nhà giáo trực tiếp giảng dạy. 

Bình xét thi đua, khen thưởng hướng đến những giáo viên có thành tích tiêu biểu trong năm học, trong các phong trào thi đua để tạo sự lan toả trong tập thể. Tuy nhiên, hiện nay còn có hiện tượng việc khen thưởng tập trung tỷ lệ nhiều vào đội ngũ lãnh đạo quản lý, tổ trưởng, trưởng các đoàn thể trong nhà trường mà dành cho các giáo viên trực tiếp giảng dạy với tỷ lệ không cao. Những danh hiệu như chiến sỹ thi đua cơ sở, mỗi nhà trường được xét không quá 15% trong tổng số lao động tiên tiến, vì thế, số lượng khá hạn chế. Nếu chia tỷ lệ này theo kiểu “cơ cấu” cho Ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Công đoàn…, thì số lượng dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, không đảm nhiệm chức vụ là rất ít ỏi. Từ đó, chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý không mặn mà, không cố gắng để phấn đấu đạt được những danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao ở một bộ phận giáo viên.

Trao đổi về nội dung này, thầy giáo Bùi Chương An, Hiệu trưởng Trường THPT Yển Khê (Phú Thọ) cho biết: "Đánh giá, xếp loại viên chức giáo viên hằng năm là công việc quan trọng đối với mỗi nhà trường. Để đạt hiệu quả, ngoài việc phát huy dân chủ, trong quá trình vận dụng các quy định đánh giá, phân loại, cần xây dựng các tiêu chí có tính định lượng gắn với nhiệm vụ được phân công của mỗi cá nhân giáo viên để đánh giá, tránh vận dụng theo định tính. Trong công tác thi đua, khen thưởng, tổ chức phát động phong trào thi đua phải coi thi đua là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ nhà giáo. Thi đua tạo cơ hội để cho mọi người đều có thể khẳng định được khả năng của mình một cách bình đẳng. Thi đua tránh hình thức và tổ chức theo kiểu chia lượt. Bản thân mỗi giáo viên cũng cần cố gắng, nỗ lực liên tục để đáp ứng được các tiêu chí thi đua, khen thưởng". 

Để việc đánh giá, xếp loại, công tác thi đua, khen thưởng hằng năm tại mỗi nhà trường đạt được thực chất, mỗi nhà trường cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và ý nghĩa của nhiệm vụ này trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Từ đó, hằng năm, thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về đánh giá, phân loại viên chức và công tác thi đua, khen thưởng. Trong khi đánh giá, xếp loại giáo viên cần phát huy tính dân chủ trong thực hiện các bước của quy trình đánh giá, mỗi cán bộ, nhà giáo cần nêu cao việc tự đánh giá, đánh giá, góp ý đồng nghiệp. Đồng thời, tránh hiện tượng “cào bằng” khi xếp loại giáo viên, cần căn cứ vào kết quả đạt được, sự cố gắng, tiến bộ và những đóng góp ở từng lĩnh vực nhiệm vụ của mỗi giáo viên trong cả năm học để nhận xét, đánh giá và phân loại.

Thầy giáo Nông Tuấn Trung, giáo viên Trường THPT Thông Nông, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: "Sự thẳng thắn, công tâm, dân chủ và khách quan khi đánh giá, phân loại giáo viên chắc chắn sẽ tạo được sự phân hoá đội ngũ sau mỗi năm học. Đối với các điều kiện, tiêu chí xét thi đua, ngoài điều kiện về sáng kiến thì cần cụ thể hơn các tiêu chí mang tính đồng bộ để các nhà trường cùng thực hiện một cách đồng đều. Cần dành tỷ lệ danh hiệu thi đua cao và các hình thức khen thưởng cho người trực tiếp đứng lớp. Có như thế mới góp phần nâng cao được chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường". 

leftcenterrightdel
 Thi đua, khen thưởng tạo động lực cho nhà giáo đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. 

Khi bình xét thi đua, khen thưởng, các nhà trường cần căn cứ vào các quy định, các tiêu chí cụ thể. Trên cơ sở phát động các phong trào thi đua từ đầu năm học, bản đăng kí thi đua cùng những thành tích đạt được của đội ngũ, các nhà trường cần chú trọng đến phương châm thi đua, khen thưởng hướng đến những giáo viên trực tiếp giảng dạy, những người trực tiếp lao động. Trong năm học, với phong trào thi đua xuyên suốt trong ngành Giáo dục là thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, mỗi nhà trường cần theo dõi, phát hiện và biểu dương những điển hình tiên tiến về mô hình, cách làm sáng tạo, về thành tích nổi bật của cá nhân mỗi nhà giáo để kịp thời tôn vinh, khen thưởng, tạo sự lan toả tích cực trong tập thể. Thi đua, khen thưởng cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ được giao của mỗi giáo viên, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ để làm thước đo bình xét thi đua, từ đó, tạo sự tương tác giữa thi đua với công việc, tạo sự thúc đẩy hiệu quả công việc mà mỗi giáo viên đang đảm nhiệm. Tổ chức đa dạng các phong trào thi đua trong mỗi nhà trường theo các chủ điểm trong năm học để từng giáo viên có cơ hội phát huy những điểm mạnh, sở trưởng của bản thân tham gia vào hoạt động thi đua.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai: "Mỗi nhà trường cần có quy trình đánh giá, xếp loại giáo viên một cách công khai, dân chủ gắn với tiêu chí đánh giá cụ thể ngay từ đầu năm học. Trong thi đua, khen thưởng nên nới rộng thêm tỷ lệ giáo viên đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở để tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên được ghi nhận khi hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao". 

Việc đổi mới công tác đánh giá, xếp loại viên chức hằng năm và công tác thi đua, khen thưởng trong mỗi nhà trường, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng việc quản lý, đánh giá, phân loại viên chức hiện nay. Đồng thời, việc triển khai thường xuyên và hiệu quả các phong trào thi đua trong các nhà trường, hướng đến đội ngũ nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, ghi nhận, tôn vinh và tạo sự lan toả tích cực sẽ khơi dậy trong mỗi nhà giáo lòng yêu nghề, đổi mới, sáng tạo không ngừng trong dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực