Phổ biến nhất trong các tình huống "dở khóc dở cười" là hàng không đẹp như trong hình, hoặc đặt mẫu một đằng, giao hàng một nẻo..., kết quả thường thấy là những cuộc cãi vã nảy lửa dường như không hồi kết giữa người mua hàng với các shiper (người giao hàng). Nghiêm trọng hơn có những trường hợp người mua từ chối nhận hàng còn bị chủ hàng “khủng bố” bằng những tin nhắn thiếu lịch sự, xúc phạm danh dự cá nhân người tiêu dùng…
Chị Trần Hồng Nhung, ở phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình cho biết: Qua trang mua bán online có tên “Dế đẹp giá hời”, ngày 24/8 chị có đặt mua một chiếc điện thoại thông minh giá 6,8 triệu đồng, so với giá thị trường giá thấp hơn mấy trăm nghìn. Khi người giao hàng yêu cầu chị ký biên nhận đã nhận hàng, chị ngỏ ý muốn kiểm tra hàng trước, tuy nhiên người vận chuyển nhất định không cho với lí do vi phạm quy định vận chuyển.
Sau hồi cãi vã, hàng cũng được bóc xé ra, kết quả đó là mẫu điện thoại hàng nhái giá rẻ. Do đã chuyển một nửa tiền nên chị Nhung đã yêu cầu người vận chuyển phải có trách nhiệm, tuy nhiên người vận chuyển không hợp tác và nói với chị có khiếu nại gì ra bưu điện, vì anh cũng chỉ là “nạn nhân” vận chuyển hàng, không biết gì. Chị Nhung làm đơn kiến nghị và sự rắc rối cho đến nay vẫn tiếp diễn mà khổ chủ chẳng biết kêu ai!
Giao diện có tên Ellina Jewelry ở trên mạng facebook.
Cuối tháng 8/2018, ông Nguyễn Văn Tiến,ở phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý có đặt mua con chó cảnh chihua giá 7,6 triệu đồng từ một tài khoản facebook có tên “thucungchihua”, theo địa chỉ thì ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Hai bên thỏa thuận chó sẽ được chuyển ra Bắc bằng đường tàu biển (trước đó anh Tiến đã giao dịch thành công một lần mua bán). Nhưng lần này thì khác, tiền đã chuyển một tháng, hai tháng… mà chưa thấy chó đâu, số điện thoại liên lạc bỗng dưng “tò te”, và cuối cùng số tiền 7,6 triệu trên bị “bay” theo con chihua đáng yêu trên mạng khiến anh Tiến không khỏi xót của mỗi lần nhắc đến chuyện này.
Trong khi thu thập thông tin cho bài viết này, tác giả đã được anh Ngô Phương Nam, làm việc tại một Công ty xuất khẩu dệt may trên địa bàn Thành phố Hà Nội chia sẻ về câu chuyện mua hàng trên mạng nhưng không được trả lại hàng, bị chủ hàng “ép mua” xảy ra với chính người thân của mình. Theo anh Nam, người gặp chuyện này là em gái Ngô Phương Thảo đang cư trú và làm nghề giáo viên tại thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên.
Anh Nam kể: Vào ngày 3/9, em gái tôi có đặt mua một sản phẩm bạc của công ty thời trang có tên Ellina Jewelry ở trên mạng facebook. Được chủ shop mời chào là bạc “xịn”, nên em tôi đồng ý mua một chiếc vòng để tặng bạn. Trong quá trình trao đổi, em tôi cũng đã rất cẩn thận nhắc với chủ hàng phải xem hàng xong mới thanh toán số tiền là 730 nghìn đồng bao gồm cả phí chuyển hàng. Chủ hàng đồng ý thỏa thuận và liên lạc bằng số máy 0945899019.
Ngày 7/9, Thảo nhận được món hàng và mở ra để kiểm tra nhưng nghi ngờ chiếc vòng không phải là làm bằng bạc vì nặng bất thường so với trọng lượng của bạc. Thảo đã mang ra cửa hàng vàng bạc gần nhà để được tư vấn, kiểm tra và phát hiện trang sức đó không phải 100% bằng bạc, do đó quyết định không đồng ý nhận hàng.
Ngay sau đó, Thảo đã bị trang fanpage Ellina Jewelry liên tục nhắn tin “khủng bố”, đe dọa và yêu cầu nhận hàng nếu “muốn sống yên ổn”. Khi Thảo vẫn giữ ý kiến là sẽ không nhận món hàng vì không đảm bảo chất lượng, chủ hàng nhắn tin gọi điện đe dọa sẽ hack tài khoản facebook trong vòng 36 giờ để tung ảnh đồi trụy lên trang facebook. Chủ shop còn khủng bố bằng cách dọa “bán” thông tin gồm địa chỉ nhà, số điện thoại cùng một số thông tin cá nhân khác cho kẻ xấu, dọa gửi giấy về trường học nơi Thảo đang làm giáo viên dạy học...
Theo tìm hiểu của phóng viên, trang mạng facebook mà chị Thảo mua hàng chỉ có dòng chữ thông tin là “Bán buôn trang sức tại Thành phố Hồ Chí Minh - @trangsucnuhanquoc.ellina” và một số điện thoại liên lạc. Ngoài ra không có thông tin cụ thể về địa chỉ và xuất xứ của mặt hàng.
“Quá hoảng sợ trước kiểu bán hàng khủng bố, tôi đã phải cầu cứu đến cơ quan chức năng cho em tôi. Cho đến nay, em tôi vẫn đang có cảm giác sống trong lo sợ, mất ăn mất ngủ vì sự tráo trở và thái độ coi thường pháp luật của shop trang sức Ellina Jewelry. Vì thế, tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, tránh việc vừa bị ép mua hàng dỏm vừa bị khủng bố bằng những tin nhắn thiếu lịch sự, có ý xâm phạm đến thông tin cá nhân dẫn đến ảnh hưởng tinh thần của khách hàng online” – anh Ngô Phương Nam tâm sự.
Fanpage Ellina Jewelry liên tục nhắn tin “khủng bố” khách hàng,
đe dọa và yêu cầu nhận hàng nếu “muốn sống yên ổn”.
Ngoài câu chuyện của chị Nhung, anh Tiến, em gái anh Nam, chúng tôi còn được chị K.H (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Tháng 8 vừa rồi, tôi có đặt mua một bộ váy trên trang Facebook Soraka.vn với giá 660.000 đồng. Tuy nhiên khi nhận hàng, tôi phải giật mình vì bộ váy khác xa với hình nhìn trên mạng. Bởi lúc đặt mua, phía bán hàng cam kết hình đúng như trên mạng và có thể đổi trả được".
Chị K.H bức xúc: Tôi có liên hệ theo số điện thoại trên để từ chối không mua hàng nữa nhưng phía Soraka chỉ hứa hẹn, sẽ đổi sang size khác hoặc mẫu khác chứ không nhận lại hàng và trả lại tiền. Như vậy, khi phải mua chiếc áo không đúng cam kết, tôi đã “mất oan” 660.000 đồng tính cả cước phí vận chuyển cho chiếc váy.
Trao đổi với chúng tôi về các sự việc trên dưới góc độ luật pháp, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: “Khi mua hàng trên mạng online, khách hàng có quyền từ chối mua hàng khi bên cơ sở bán hàng cung cấp hàng kém chất lượng, không đúng mẫu mã, kiểu dáng. Trong trường hợp này, phía chủ hàng vẫn bắt ép phải mua hàng thì người tiêu dùng có quyền trình báo lên các cơ quan chức năng, khởi kiện ra tòa vì phía chủ hàng đã thực hiện bán hàng không đúng với hợp đồng bằng miệng, qua tin nhắn mà còn ý định “khủng bố” đời tư cá nhân khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sức khỏe”.
Như trong trường hợp ở Thái Nguyên là sự việc bị chủ hàng nhắn tin nhưng không mang tính đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận tin nhắn phải thực hiện các yêu sách của người nhắn tin, hành vi này không phạm tội hình sự nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi đe dọa người khác được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông. Cụ thể:
“Người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị phạt tiền 10-20 triệu đồng”. "Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ viễn thông. Còn đối với trường hợp của chị K.H ở Hai Bà Trưng, Hà Nội mua phải hàng không đúng cam kết, mẫu mã thì chị K.H có quyền trình báo đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết.”, Luật sư Phú phân tích./.