Được biết, ngày 16/01/2017, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 189/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng dịch vụ (thương mại, khách sạn căn hộ) nhà ở và nhà trẻ - Dreamland Plaza (DreamLand Bonanza) tại số 23 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho nhà đầu tư thứ 1 Công ty Cổ phần xây lắp giao thông công chính và nhà đầu tư thứ 2 là Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland (đại diện liên danh).
Tiếp đó, ngày 04/8/2017, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định số 5241/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Cổ phần xây lắp giao thông công chính chuyển đổi mục đích sử dụng 4.331 m2 đất tại số 23 Duy Tân để liên danh cùng Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp văn phòng dịch vụ nhà ở và nhà trẻ.
Anh Nguyễn Huy Hoàng (Kim Bảng, Hà Nam) một người đang đi tìm mua căn hộ đã thắc mắc: “Sau khi tìm hiểu sơ qua về dự án tôi thấy có quá nhiều vấn đề mâu thuẫn, mập mờ trong cách đưa ra thông tin của Chủ đầu tư. Đơn cử như trong quyết định được phê duyệt có đến 02 đơn vị liên danh Chủ đầu tư (CĐT), nhưng chỉ có Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland đứng ra làm việc và ký Hợp đồng với khách hàng, không biết việc này có đúng quy định của pháp luật không và nếu trường hợp phát sinh tranh chấp thì ai sẽ là người đứng ra làm việc với khách hàng?”.
Tiếp tục phản ánh với PV, anh Hoàng cho biết: “Tôi đã xem phối cảnh dự án trên địa chỉ trang web của công ty là rất đẹp, nhìn vào ai cũng tấm tắc và muốn mua ngay cho mình một căn hộ tại đây. Nhưng thực tế thời gian qua đã có rất nhiều dự án khiến người mua thất vọng bởi tiến độ, chất lượng căn hộ… Đó cũng là bài học cho người mua căn hộ như tôi. Do vậy, sau một buổi chiều, tôi quyết định đến tận nơi dự án đang thi công. Qua tìm hiểu thông tin về dự án DreamLand Bonanza, khi liên hệ với chủ đầu tư liên danh đại diện là Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland có trụ sở tại số 351 đường Hoàng Quốc Việt thì tôi lại được biết thông tin là công ty đã chuyển khỏi địa điểm này từ nhiều năm nay. Tôi cảm thấy có nhiều vấn đề và cảm giác ở dự án này đang có gì đó thiếu minh bạch, rõ ràng”.
Theo tìm hiểu của PV, dự án này do liên danh Công ty Cổ phần xây lắp giao thông công chính cùng Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland làm chủ đầu tư. Nhưng trong mọi hoạt động giao dịch với khách hàng và quảng cáo trên nhiều phương tiện thông tin, Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland lại gần như luôn đứng với vai trò chủ đầu tư duy nhất.
Dư luận đặt nghi vấn, đây phải chăng là kẽ hở lớn về pháp lý tạo ra tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với khách hàng nếu phát sinh tranh chấp? Và khi đó, Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland có đủ “tư cách” để giải quyết mọi vấn đề?
Thông tin quảng cáo về dự án Dreamland Bonanza. Ảnh: MH
Để xác minh nội dung bạn đọc phản ánh, PV đã làm việc với ông Lê Tuấn - Phòng Tổ chức Hành chính Công ty cổ phần BIC Việt Nam, đơn vị quản lý Dự án, phân phối và tiếp thị của Dự án DreamLand Bonanza. Trước câu hỏi của PV đưa ra về thông tin chủ đầu tư mới được cấp giấy phép xây dựng 19 tầng làm trụ sở cơ quan còn chưa có giấy phép xây dựng tòa nhà cao 32 tầng, ông Tuấn cho biết: Đúng là Dự án vẫn còn có những thiếu sót nhất định về thủ tục pháp lý nhưng chắc chắn là đã có giấy phép xây dựng. “Anh em yên tâm, dự án lớn như này không có giấy phép thì làm sao triển khai được? chỉ 1 tháng nữa là bên mình sẽ bảo đảm đầy đủ về thủ tục pháp lý của dự án này”, ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Lê Tuấn, việc Dự án DreamLand Bonanza triển khai thi công chậm hơn so với kế hoạch trước đây là do phải điều chỉnh từ 2 tầng hầm thành 3 tầng hầm theo yêu cầu của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận giấy phép xây dựng cũng như các tài liệu liên quan đến việc thi công Dự án DreamLand Bonanza thì ông Tuấn lại viện lý do “phải xin ý kiến sếp” và “hướng dẫn” PV gặp Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy.
Liên quan đến việc thi công, chào bán căn hộ tại Dự án DreamLand Bonanza, PV đã đặt lịch với UBND quận Cầu Giấy, song đến nay sau nhiều ngày trôi qua nhưng UBND quận Cầu Giấy vẫn chưa có hồi âm.
Chị Ngô Thị Thu Thảo ở quận Cầu Giấy cho biết: Tôi thấy đây là dự án lớn, được quảng cáo khá rầm rộ. Nếu như dự án vẫn còn thiếu những thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện hay vì lý do nào đó, Dự án DreamLand Bonanza không thực hiện đúng kế hoạch thời gian như bên môi giới nói thì khách hàng biết kêu ai khi mà tiền đặt cọc đã đóng, tiền góp vốn theo đợt đã nộp? Và nếu không mua nữa thì có được trả lại tiền đặt cọc, tiền góp vốn không?
Tiếp cận từ góc độ pháp lý, Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn An Bình, Văn phòng Luật sư Ánh sáng và công lý (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ quan điểm: Việc mua bán nhà hình thành trong tương lai đã được pháp luật quy định rất rõ ràng. Cụ thể, theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định trường hợp ký hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai mà thu tiền trả trước của người mua, thuê, thuê mua nhà ở thì phải tuân thủ các điều kiện và hình thức mua, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản như: Chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng, nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua như: Giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án…
Khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định: Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Do vậy, nếu trường hợp Dự án DreamLand Bonanza chưa thi công đến cốt 00 (chưa xong móng - PV) thì việc các sàn bất động sản, nhà môi giới chào bán, thu tiền đặt cọc và bán căn hộ là có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Vấn đề là chủ đầu tư có biết và đồng ý với các hành vi đó hay không?
Bảng phân phối dự án Dreamland Bonanza do nhân viên môi giới cung cấp cho PV
thể hiện có khá nhiều căn hộ đã được bán cho khách hàng? Ảnh: MH
Có thể thấy, xung quanh Dự án DreamLand Bonanza tại số 23 Duy Tân hiện đang có rất nhiều điểm cần được làm rõ. Dư luận đặt câu hỏi: Thông tin chủ đầu tư liên danh và đại diện mập mờ như vậy có đủ cơ sở pháp lý để khách hàng tin tưởng khi mua căn hộ tại dự án trên? Nếu những thủ tục pháp lý đầy đủ thì vì sao chủ đầu tư lại không cung cấp văn bản, hồ sơ theo yêu cầu của UBND phường Dịch Vọng Hậu? Trường hợp các thủ tục pháp lý chưa bảo đảm thì việc chủ đầu tư đang triển khai thi công phần móng nhưng các sàn giao dịch đã tiến hành chào bán, thu tiền đặt cọc của khách hàng sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý như thế nào?
Nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho người dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, các cơ quan chức năng và UBND quận Cầu Giấy sớm kiểm tra, xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên để thông tin đến công luận./.