Dự án Khu du lịch Tam Chúc (Kim Bảng- Hà Nam): Lùm xùm chuyện xác định đền bù đất

Thứ tư, 04/07/2018 11:22
(ĐCSVN) - Hàng loạt hộ dân tại xã Khả Phong (huyện Kim Bảng, Hà Nam) có nguy cơ không được xác định là đối tượng nhận tiền đền bù đất khi chính quyền huyện Kim Bảng thu hồi đất phục vụ dự án Khu du lịch Tam Chúc. Đây là hệ lụy liên quan đến các biên bản giao đất và xác nhận chuyển nhượng đất của chính quyền xã Khả Phong.
Một trang trại nằm trong diện thu hồi đất đợt 7 phục vụ dự án khu du lịch Tam Chúc.
Ảnh: AL

Đất được giao nhưng không được đền bù?

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 1997 đến năm 2002, UBND xã Khả Phong đã tự chuyển hàng chục héc ta đất công ích sang quỹ đất nông nghiệp giao cho các hộ dân. Bên cạnh đó còn có hàng trăm hộ dân trả lại đất nông nghiệp (được nhà nước giao đất) cho UBND xã Khả Phong. Khi tiếp nhận đất này, chính quyền xã không báo cáo UBND huyện mà tự giao diện tích đất này cho các hộ khác.

Điều đáng nói là trong các văn bản giao đất, UBND xã Khả Phong khẳng định: Thời gian giao đất 20 năm. Trong thời gian sử dụng đất, có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, khi thực hiện phải có chứng thực của UBND xã. Khi hết thời hạn sử dụng đất, đất của chủ hộ vẫn giữ nguyên không chia thêm, không lấy ra. Văn bản giao đất cũng quy ước: Bên nào làm sai bên ấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng trong các năm từ 1997 đến năm 2002, rất nhiều hộ dân tại xã Khả Phong đã cho tặng, chuyển nhượng đất nông nghiệp cho nhau. Có trường hợp  chuyển nhượng nhiều lần. Đa phần các trường hợp chuyển nhượng được UBND xã xác nhận bằng văn bản.

Sau khi nhận giao đất từ UBND xã hoặc nhận chuyển nhượng đất, những hộ dân này đã canh tác, làm trang trại đa canh và sản xuất ổn định từ năm 1997, 2001, 2002 tới nay theo các đề án chuyển dịch đất trũng sang mô hình sản xuất đa canh của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi thực hiện mô hình này có sự chấp thuận của chính quyền xã Khả Phong.

Tuy nhiên, khi thu hồi đất đợt 7 phục vụ dự án Khu du lịch Tam Chúc, Ban giải phóng mặt bằng căn cứ theo các hồ sơ địa chính năm 1994; hồ sơ địa chính năm 2001, hồ sơ dồn đổi thửa năm 2013, các đề án chuyển dịch năm 2001, 2002, 2005, 2006… để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ có đất tiêu chuẩn và 990 hộ có đất trong các trang trại. Theo đó, rất nhiều hộ đã nhận chuyển nhượng đất từ hàng chục năm nay hoặc được chính quyền xã giao đất làm trang trại đa canh nhưng chưa được xác định là chủ đất để được chi trả tiền đền bù, trong khi nhiều người được nhà nước giao đất nhưng đã chuyển nhượng, trả lại chính quyền xã  vẫn nhận được thông báo đền bù.

“Chúng tôi được chính quyền xã Khả Phong giao đất làm trang trại, việc chuyển nhượng có xác nhận của chính quyền xã. Hàng chục năm nay không có tranh chấp, nếu không được xác định là chủ đất thì trách nhiệm của chính quyền xã Khả ở đâu khi ký văn bản đó. Tôi đề nghị làm rõ dấu hiệu giao đất, xác nhận trái thẩm quyền của lãnh đạo xã Khả Phong, khiến người dân gánh hệ lụy hôm nay”, ông Lê Phát Triển, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Khả Phong đặt vấn đề.

Xã giao đất trái thẩm quyền?

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đình Cơ - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Kim Bảng cho biết: Để phục vụ dự án Khu du lịch Tam Chúc, UBND huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) đang tiến hành thu hồi đất giải phóng mặt bằng đợt 7 tại xã Ba Sao và xã Khả Phong. Tổng diện tích thu hồi đất đợt 7 là 164,9ha, trong đó xã Khả Phong khoảng 113,4ha, ảnh hưởng tới  1079 hộ, trong đó có 101 hộ trang trại sản xuất đa canh, 7 hộ đất ở, 26 hộ đất nông nghiệp trồng lúa…. Hộ có đất nông nghiệp trong đa canh là 872 hộ hộ.

                   Diện tích đất được cho "có vấn đề" trong khâu đền bù tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

                                                                                 Video: AL-QĐ

Ông Cơ cho biết, qua nắm bắt hồ sơ quản lí của địa phương và hồ sơ của các hộ cung cấp thì việc mua bán chuyển nhượng của các hộ tập trung từ năm 1997 đến năm 2001, 2002. Những hồ sơ chuyển nhượng này chưa đảm bảo theo quy định của Luật Đất đai, do vậy việc phân loại đất phải theo hồ sơ địa chính để xác định quyền sử dụng đất giữa hộ được nhà nước giao đất và hộ trang trại đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, dẫn đến khiếu nại của người đã nhận chuyển nhượng đất hay hộ trang trại, vì thế UBND huyện đã tạm dừng chi trả tiền đền bù đất và hướng dẫn các hộ có tranh chấp tự thỏa thuận với nhau. Nếu tự thỏa thuận được, huyện sẽ căn cứ vào kết quả thỏa thuận (có xác nhận của UBND xã) đó để chi trả tiền đền bù. Nếu các hộ không tự thỏa thuận được thì có thể làm đơn ra tòa án để giải quyết tranh chấp. UBND huyện sẽ căn cứ vào phán quyết có hiệu lực pháp luật của tòa án để chi trả tiền bồi thường. Tuy nhiên, huyện sẽ không thể chờ mãi được, đến chừng mực nào đó, huyện sẽ “treo” các trường hợp vướng mắc để giải phóng mặt bằng, vì họ đều đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ tài sản, cây trồng, vật nuôi trên đất rồi.

Về trách nhiệm của chính quyền xã Khả Phong với các văn bản giao đất, xác nhận chuyển nhượng đất từ những năm 1997, 2001, 2002, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Kim Bảng cho rằng, xác nhận của UBND xã Khả Phong hồi đó chỉ là xác nhận bước đầu của chính quyền cơ sở, biên bản giao đất để thực hiện mô hình chuyển dịch đất trũng sang mô hình sản xuất đa canh không phải là quyết định giao đất, không phải quyết định công nhận quyền sử dụng đất.

UBND xã không có thẩm quyền quyết định giao đất và công nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 thì chuyển nhượng liên quan đến đất đai và tài sản trên đất thuộc thẩm quyền của UBND huyện; sau này, các xác nhận ban đầu về chuyển nhượng đất được quy định do phòng công chứng thực hiện./.

Nhóm PV Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực