Lũy tre chắn sóng được trồng ven đê sông Hồng, đoạn qua địa phận
xã Xuân Tân - Xuân Trường, Nam Định.
Tuy nhiên, như đã thấy, đi liền với những chuyển động này là rất nhiều ruộng vườn, hồ ao ở nông thôn bị san lấp; không gian, môi trường sống, cảnh quan của nhiều làng quê bị tác động, thay đổi. Thay bằng nhà ngói ba gian, vườn cây, ao cá giờ đây nhà ống mọc lên san sát, chẳng khác gì phố phường. Dễ thấy nhất là những lũy tre xanh đang dần bị bật gốc, vắng bóng ở nhiều làng quê...
Cây tre còn hay mất đi ở các làng quê liệu có là vấn đề phải bận tâm? Điều này có lẽ phụ thuộc vào nhìn nhận của từng cá nhân, cộng đồng. Với những người yêu mến lịch sử, văn hóa làng quê Việt Nam, việc những lũy tre đang ngày càng vắng bóng là một nỗi niềm!
Bởi lẽ, cây tre, như đã biết, là hình ảnh vốn rất thân quen, gắn bó và vô cùng hữu dụng trong nhiều mặt đời sống của người dân Việt Nam, nhất là ở các làng quê. Hơn thế, cây tre còn được xem là biểu tượng, khí phách của dân tộc. Người Việt Nam không mấy người không biết đến truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc; không từng nghe những câu thơ:“Tre xanh, xanh tự bao giờ/Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/Thân gầy guộc lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi/Ở đâu tre cũng xanh tươi/Cho dù đất sỏi, đá vôi bạc màu” (Nguyễn Duy). Thân quen, gắn bó là vậy mà giờ đây cây tre lại đang dần bị “xóa sổ”.
Cùng với việc cây tre bị đốn hạ, nhiều giá trị văn hóa, bản sắc của làng quê Việt Nam, như đã thấy, cũng đã và đang bị mai một. Không khó để nhận thấy, nhiều làng quê như đang khoác trên mình “bộ đồng phục”. Làng nào, thôn nào cũng chung một kiểu đường bê-tông, chung một mẫu nhà văn hóa, chung một mẫu cổng làng...
Và, không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không khi mà những lũy tre xanh, biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng làng quê bị bật gốc cũng là lúc sự gắn kết cộng đồng ở nhiều làng quê trở nên rệu rã. Phần đông thanh niên lớn lên đều tìm đường về thành thị, bỏ lại phía sau làng quê của mình - nơi giờ đây thường chỉ còn lại người già và trẻ em. Ít thôn xóm còn duy trì được các CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nhiều nơi xây được nhà văn hóa nhưng ngoài cái vỏ nhà, bên trong chẳng có gì, quanh năm cửa đóng im ỉm. Mới chập tối đường làng đã vắng hoe, nhà nào nhà nấy kín cổng cao tường, thu mình quanh chiếc ti-vi. Hội làng ở nhiều nơi đã và đang bị nhuốm màu thương mại...Trong khi đó, những mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng làng quê lại xuất hiện ngày một nhiều. Đôi khi anh em, xóm giềng từ nhau chỉ vì những mâu thuẫn, lợi ích vật chất nhỏ bé...
Trở lại với cây tre. Nếu biết, để kiên cố hóa được một km đê cần tới hàng chục tỷ đồng sẽ thấy việc trồng một dải tre xanh ven đê để chắn sóng cần thiết và tiết kiệm đến mức nào? Nếu biết cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối diện với những nguy cơ rất lớn từ rác thải nhựa - thứ rác hàng trăm năm sau mới bị phân hủy - sẽ thấy cây tre không chỉ là biểu tượng, hồn cốt của làng quê Việt Nam, hữu dụng trong bảo vệ đê biển, đê sông, bảo vệ xóm làng trước bão gió, bảo vệ môi trường...mà còn là nguồn cung cấp vật liệu, giúp con người sản xuất ra những đồ dùng, vật dụng có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường... Ấy vậy mà, buồn thay, nhiều địa phương lại đang lạnh lùng đốn hạ những lũy tre xanh!
Nỗ lực tìm kiếm, xây dựng, vun đắp những giá trị mới cho các làng quê là việc quan trọng, cần thiết. Nhưng bảo vệ, gìn giữ những giá trị, vốn quý cha ông trao truyền lại cũng quan trọng chẳng kém gì! Vậy nên, đừng lạnh lùng đốn hạ tre xanh!