Đừng nhân danh “bảo tồn di sản”!

Thứ ba, 08/03/2022 20:53
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Mới đây, một người bạn của tôi, vốn là một hoạ sĩ, đã vô cùng bức xúc khi trên địa bàn tỉnh nhà, người ta đã tuỳ tiện thay đổi cả kiến trúc, cảnh quan của một di tích vốn có từ thế kỉ XIV với lý do: để trùng tu, tôn tạo một di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia. Thực tế đó gióng thêm hồi chuông cảnh báo về việc nhân danh bảo tồn di sản văn hoá dẫn đến nguy cơ làm biến dạng, sai lệch những giá trị văn hoá vốn có từ chính những di sản này.
Đôi rồng được đắp vô lối trên thành giếng cổ tại Thanh Hóa (nguồn: facebook) 
 Giếng cổ nêu trên đang bị san lấp (nguồn: facebook)

Một cách chung nhất, di sản văn hoá được hiểu là các hiện vật vật thể và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau. Di sản văn hóa bao gồm tài sản văn hoá (như các tòa nhà, cảnh quan, di tích, sách, tác phẩm nghệ thuật, và các hiện vật), văn hóa phi vật thể (như văn hóa dân gian, truyền thống, ngôn ngữ và kiến thức) và di sản tự nhiên (bao gồm cảnh quan có tính văn hóa quan trọng và đa dạng sinh học).

Theo Luật Di sản văn hoá 2009, “Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác…

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịchsử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian”.

“Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịchsử - văn hóa, danh lam thắng cành, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”.

Như vậy, bảo tồn di sản văn hoá phải đồng nghĩa với việc bảo tồn cả không gian văn hoá, các di tích lịch sử văn hoá, di vật, cổ vật…những yếu tố hàm chứa các giá trị định tính sâu sắc, là thông điệp của lịch sử và giúp cho lịch sử có mạch tiếp nối, kế thừa.

Tuy nhiên, thực tế của nhiều năm trở lại đây, có không ít những di sản văn hoá, kể cả các di sản văn hoá là di tích lịch sử cấp quốc gia đã bị tác động một cách tuỳ tiện, gây hệ luỵ nghiêm trọng cho việc bảo tồn theo đúng nghĩa của nó.

Dư luận và các nhà khoa học đã từng bức xúc về việc ngôi chùa Trăm Gian, một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đã bị phá dỡ Nhà tổ và Gác khánh để xây lại mới trong những ngày cuối tháng 8 năm 2012. Hay câu chuyện các pho tượng La hán tại Thượng điện chùa Đậu sau trùng tu có tình trạng móng chân móng tay đỏ chót và nước sơn bóng loáng. Rồi việc xóa bỏ đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) cũ để xây mới bằng bêtông cho “khang trang” hơn; loại bỏ các thành phần điêu khắc cũ làm mới hoàn toàn ở đình Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để có những cấu kiện bền vững hơn, đồng thời thể hiện khả năng hiện nay của làng nghề, rồi việc thay một cái cổng cũ bằng cổng mới to hơn ở chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, TP HàNội)… Những sự kiện “làm mới di tích”, bất chấp có còn đúng với chứng tích lịch sử hay không vẫn cứ xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ càng nghiêm trọng, đòi hỏi phải có một sự vào cuộc của các bên liên quan.

Tại Điều 13, Luật Di sản văn hoá 2017 quy định: “Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử  –văn hóa, danh lam thắng cảnh;

2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa…”

Như vậy có thể thấy, việc làm sai lệch di tích lịch sử văn hoá, thay đổi các yếu tố vật thể liên quan nằm trong danh mục phải bảo tồn sẽ bị coi là vi phạm vào các điều cấm ở trên.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”. Để bảo tồn, và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, vịệc trùng tu, tôn tạo trước hết phải dựa trên quy định pháp luật, tôn trọng giá trị nguyên trạng và trên cơ sở các ý kiến chuyên môn. Tránh tình trạng tuỳ tiện do thiếu hiểu biết hoặc do động cơ cá nhân, sẽ dẫn đến sự huỷ hoại chính những di sản mà cha ông ta đã gìn giữ, lưu truyền cho hậu thế. Đây cũng là trách nhiệm mà các cơ quan chức năng cần chú ý trong giám sát, quản lý nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị từ di sản văn hoá ở mỗi địa phương./.

TS. Nguyễn Thị Hường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực