Giảm phí sử dụng đường bộ để hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ sáu, 02/12/2022 17:04
(ĐCSVN) - Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất giảm 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe vận tải hàng hóa, 30% với xe kinh doanh vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2023 nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành vận chuyển, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Theo đó, mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe của lực lượng công an, quốc phòng) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng.

Cụ thể, mức phí xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh là 130.000 đồng/tháng, xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ, xe chở người từ 40 chỗ trở lên lần lượt là 390.000 đồng/tháng và 590.000 đồng/tháng.

Xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19 tấn đến dưới 27 tấn có mức phí 720.000 đồng/tháng.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ trong năm 2023. Ảnh minh họa. Nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/) 

Xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40 tấn trở lên có mức phí cao nhất là 1.430.000 đồng/tháng.

Phí sử dụng đường bộ tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Chủ sở hữu có thể nộp phí thông qua chu kỳ đăng kiểm, theo năm dương lịch, theo tháng đối với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên. Nếu đề xuất được thông qua, ngân sách năm 2023 dự kiến giảm thu khoảng 399 tỷ đồng.

Hàng năm, phí sử dụng đường bộ thu được khoảng 9.000 tỷ đồng, nộp ngân sách và dùng toàn bộ cho việc bảo trì đường bộ. Ngoài số tiền thu được nói trên, ngân sách cũng cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng cho duy tu, bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý.

Xung quanh câu chuyện này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận nhiều ý kiến.

Theo anh Nguyễn Quốc Hưng, hiện đang là chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa với 10 đầu xe tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cũng như nhiều đơn vị khác, doanh nghiệp đang phải chịu nhiều loại phí trực tiếp và gián tiếp. Cứ ra đường là phải trả tiền, phí cao và nhiều tuyến cao tốc đang tiếp tục được đầu tư mở rộng. Hiện nay, phí giao thông tăng lên cao, từ 20-30%, trong khi đường sắt rất ít được đầu tư mà chỉ tập trung đầu tư cho đường bộ, cho nên gánh nặng chi phí vận tải rất lớn. “Phí sử dụng đường bộ, không như phí BOT hay các loại thuế phí trong xăng dầu, chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong chi phí doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ mong tiếp tục điều chỉnh thuế phí nhiên liệu. Do đó, chỉ mong việc giảm 10-30% này áp dụng cho phí BOT”, anh Hưng chia sẻ.

Cho rằng đề xuất này chứng tỏ Bộ Tài chính cơ bản nắm rõ tình hình khó khăn của ngành vận tải nói riêng và nền kinh tế nói chung, tuy nhiên, chị Võ Hoàng Yến, sống tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng băn khoăn liệu sau 6 tháng nữa, nếu tình hình còn khó khăn thì Nhà nước có tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ cho người dân hay không?

Trong khi đó, anh Đỗ Anh Sơn, sống tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm được đồng nào hay đồng đó, tuy nhiên nó sẽ thực sự là liều thuốc tăng lực đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn bởi họ đã chịu thiệt hại quá nặng nề do dịch bệnh, lại đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình kinh doanh khác. “Về lâu dài, nên áp dụng cho tất cả loại hình phương tiện… Thời gian được giảm phí có thể dài hơn. Hai quý trôi qua nhanh lắm. Với những doanh nghiệp có số lượng phương tiện ít thì mức giảm phí sử dụng đường bộ cũng chưa tác động mạnh mẽ”, anh Sơn bộc bạch.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 857.500 doanh nghiệp, trong đó hơn 116.800 doanh nghiệp thành lập mới, 43.116 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, hơn 54.900 doanh nghiệp ngừng kinh doanh. Đáng chú ý, hơn 16.700 doanh nghiệp giải thể, tức là cộng đồng doanh nghiệp đã và vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đại dịch COVID-19 vẫn còn âm ỉ, sau 3 năm ngành vận tải gần như kiệt quệ. Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tác động tới giá xăng dầu... gây khó khăn cho ngành vận tải.

Việc giảm phí có thể khiến ngân sách giảm thu hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng nguồn thu này nhưng cần nhìn nhận một cách toàn diện rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều sự hỗ trợ thiết thực, nỗ lực giúp các ngành nghề phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp cũng rất mong chờ những quyết định kịp thời cho việc đầu tư phát triển đường thủy, để chuyên chở các loại hàng siêu trường siêu trọng; sớm đầu tư cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam để tăng cường năng lực, hiệu quả chuyên chở hàng hóa và hành khách./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực