Hà Nam: Báo động tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ

Thứ năm, 26/04/2018 16:34
(ĐCSVN) - Đó là thực trạng đang diễn ra trên một số tuyến đường giao thông của tỉnh Hà Nam như ĐT 491, QL 21, ĐT 493…


 Bất chấp nguy hiểm, một đám cưới tổ chức ngay trên mặt đường QL 21A, tại xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Đường ĐT 491 nối từ Phủ Lý xuống trung tâm Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân), điểm cuối nối vào đê hữu sông Hồng (hay còn gọi là đê Đại Hà) dài khoảng 20km, nhưng dọc đường diễn ra tràn lan cảnh vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT). Cụ thể, các đoạn có hiện tượng vi phạm hành lang ATGT nghiêm trọng nhất phải kể đến như: Làng Đầm, xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm; ngã 3 cầu Câu Tử, đoạn dốc Mỹ (Chợ Sông), đoạn chạy qua xã Cát Lại (thuộc địa phận huyện Bình Lục). Cuối cùng là thị trấn Vĩnh Trụ và đoạn ở cống Tróc, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân.

“…Cách đây ít tuần, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra khiến hai người tử vong, mà nguyên nhân được cảnh sát giao thông xác định do xe tải chở vật liệu nặng lấn đường, người chạy xe máy không có chỗ tránh, tông vào hàng bách hóa bán nông cụ rồi văng trở lại bánh sau xe tải” – Anh Đỗ Văn Hanh ở xã Cát Lại, huyện Bình Lục thuật lại một vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra gần ngã ba Chợ Sông, xã Cát Lại, huyện Bình Lục.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, dọc hai bên đường, các địa điểm trên diễn ra phổ biến cảnh hàng quán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, có đoạn hàng quán chìa hẳn ra lòng đường uy hiếp sự an toàn của người và phương tiện qua lại, đặc biệt là xe máy. Cá biệt, đoạn đường 491 chạy qua cống Tróc người dân còn “vô tư” biến lòng đường thành chợ cóc họp thường nhật vào hai buổi sáng - chiều trong ngày. Tình trạng này không chỉ gây mất ATGT, mà bản thân những người bán hàng còn đang “trêu ngươi” tử thần khi mà tuyến đường trên có mật độ xe ben, xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng qua lại khá dày đặc suốt ngày đêm.

Ông Nguyễn Hữu Giang, nhà ở xã Nhân Khang (Lý Nhân) hiện đang công tác tại Hà Nội cho biết: Thường xuyên về quê bằng ô tô, có nhiều lần tôi phải phanh dừng hẳn xe, tránh xe tải do đường đã hẹp hàng quán hai bên lại lấn ra cản trở giao thông. Trên cung đường này, tôi thấy có một số đoạn đường đi chung với đê có nhiều góc cua hẹp, quanh co, nên bình thường đường ở trạng thái thông thoáng vốn đã rất nguy hiểm, tình trạng lấn chiếm hành lang còn đẩy tình trạng nguy hiểm tăng lên gấp bội…

Một cửa hàng biến hàng trăm mét hành lang đường thành nơi bán hàng. Chụp trên QL 38B, địa phận xã Công Lý, huyện Lý Nhân.

Quốc lộ 38B đoạn nối từ thị trấn Vĩnh Trụ ra đê Hữu Bị (địa phận Nam Định) dài khoảng 24km, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT đường bộ cũng diễn ra phổ biến. Cụ thể như đoạn chạy qua xã Công Lý (Lý Nhân) có những gia đình biến luôn hàng trăm mét hành lang ATGT thành vị trí “vàng” để bày bán hàng gia dụng, nông cụ, tạp hóa.

Cùng địa bàn huyện, đoạn qua xã Hòa Hậu, nơi có nghề làm cá kho và dệt sợi nổi tiếng, các hàng quán cũng đua nhau chờm hết ra mặt tiền. Tìm hiểu chúng tôi được biết tình trạng trên diễn ra đã nhiều năm qua, tuy nhiên vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử lý. Và tai nạn luôn tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với người và phương tiện qua lại trên cung đường này.

Đặc biệt, tại một số tuyến đường khác như quốc lộ 21A, 21B, quốc lộ 38, ĐT 493,... (Hà Nam), người dân còn "vô tư" phơi nông sản trên mặt đường trong mùa vụ, hay dựng rạp đám cưới.. Trong khi phần lớn các tuyến giao thông như đường tỉnh lộ, quốc lộ chạy qua các địa bàn dân cư không tập trung, vắng người, thưa xe nên các phương tiện qua thường chủ quan, lưu thông tốc độ cao, và khi không may tai nạn xảy ra thường gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Biến mặt đường 493 thành nơi tổ chức đám cưới. Chụp tại địa phận xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm
Chợ cóc họp ngay trên lòng đường ĐT 491 (chụp tại Cống Tróc, xã Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam)

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, tuy nhiên cũng phải thấy rằng vai trò quản lý giao thông địa bàn của các cấp chính quyền địa phương còn buông lỏng, công tác tuyên truyền về pháp luật giao thông chưa hiệu quả.

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hà Nam, năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 139 vụ tai nạn giao thông, làm chết 82 người và bị thương 84 người, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 8 vụ. Hai tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 08 người.

Có thể nhận thấy, thời gian qua, mặc dù công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế, luôn đạt mục tiêu “3 giảm" về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT còn nhiều, tình hình tai nạn giao thông trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông còn nhiều và tính chất khá nghiêm trọng, nguyên nhân chính là do ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, một số vụ tai nạn đáng tiếc xuất phát từ hiện trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông khiến cho phần đường lưu thông của phương tiện không đảm bảo..

Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của tỉnh Hà Nam sớm có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, đặc biệt cần chấn chỉnh tình trạng vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT cho người dân, nguy cơ cũng như hậu quả to lớn do tai nạn giao thông gây ra.

Và hơn ai hết, mỗi người dân cần tự giác nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, quy định về hành lang an toàn giao thông, nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và các phương tiện lưu thông trên đường./.

Bài, ảnh: Tuấn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực