Hà Nội: Đình cổ An Thọ bị rác thải "thập diện mai phục"?

Thứ tư, 02/10/2019 09:21
(ĐCSVN) - Những ngày nắng nóng hoặc thời tiết thay đổi, mùi hôi thối bốc từ bãi tập kết rác thực sự khủng khiếp. Khi đó, những nhà dân sinh sống gần đó chỉ còn biết cửa khóa, then cài. Riêng ngôi đình cổ hàng trăm năm tuổi thì vẫn rộng cửa thiền đón người dân, đồng thời đón cả những luồng gió nồng nặc ô nhiễm từ bãi tập kết rác án ngữ xộc thẳng vào...

Dân còn khổ với rác đến bao giờ?

Đó là thực trạng bức xúc đang diễn ra tại đình cổ An Thọ, đường Thụy Khuê, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đình An Thọ là một trong những đình làng cổ đẹp, có từ lâu đời; trong đình có nhiều chi tiết kiến trúc cổ độc đáo hàng trăm năm tuổi, và là một di sản văn hóa mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt với người dân địa phương.

Tuy nhiên hiện tại, ngay cả những người dân trong làng cũng ít người dám dừng trước cổng đình An Thọ, bởi đây đã trở thành điểm tập kết rác của công ty môi trường Tây Đô từ nhiều năm nay. Ngày lại ngày, cứ 12 giờ trưa và 5 giờ chiều là rác bắt đầu tập kết về đây, 8 - 9 giờ tối thì xe chở rác đến thu gom. Ám ảnh nhất với người dân là vào những buổi đêm, tiếng máy gầm rú kinh động cả một vùng để nén rác; sau đó là thứ nước rỉ đen ngòm chảy ra phát tán mùi khó chịu...

Rác bủa vây án ngữ trước cửa đình cổ An Thọ. (Ảnh: Kim Chiến)

Bà Trần Thị Thơm, 56 tuổi, nhà ở gần đình An Thọ cho biết: Mùi ô nhiễm của rác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian thanh tịnh của chốn thiêng này từ hàng chục năm qua. Việc hàng ngày phải chịu đựng bầu không khí hôi hám, ô nhiễm đã khiến không ít người dân ra vào đình lễ bái phải bức xúc.

“Không chỉ làm u ám không khí ngôi đình cổ này, những gia đình sống gần địa điểm tập kết rác cửa đình An Thọ như chúng tôi còn vô cùng bức xúc, vì suốt ngày chung sống với rác, với ô nhiễm, đủ thứ mùi thập cẩm, hít phải một hơi là đau đầu, nhức óc. Khổ nhất là những nhà có trẻ nhỏ, do mùi ô nhiễm nên thường xuyên ốm đau về bệnh đường phổi” – ông Nguyễn Tất Đạt, cán bộ hưu trí 67 tuổi, người dân sinh sống tại khu vực trên cho biết.

Còn bà Phạm Thị Nguyệt, một người dân phường Bưởi phân trần: Từ khi đường dưới xóm làm lại, UBND phường Bưởi cho xe rác đổ về đây, ban đầu là 03 xe, sau là 13 xe, giờ phải 20 xe cứ trưa và chiều tối là đầy rác ứ đọng, bốc mùi, ô uế. Cổng đình An Thọ biến thành nơi tập kết rác hàng chục năm rồi. Nhiều cụ đến đây cứ nói đùa với nhau bây giờ không gọi là đình An Thọ nữa mà gọi là… “bãi tập kết rác” đúng nghĩa!

Theo chúng tôi được biết, cũng đã từ hàng chục năm qua, người dân tại địa bàn cảm thấy khó hiểu khi địa phường Bưởi lại chọn phương án lấy hành lang trước cửa đình An Thọ làm nơi tập kết rác. Tình trạng nơi tập kết rác quá gần nhà dân, án ngữ đình chùa, chốn linh thiêng thanh tịnh khiến họ luôn phải sống, sinh hoạt trong ấm ức, có người ra ngoài thì không sao, cứ trở về nhà thấy rác với rác, bức xúc mà chỉ biết …“kêu trời”!

Với người qua lại khu vực trên cũng cảm thấy bất thường khi cổng chùa – một địa điểm văn hóa tín ngưỡng bị vô số xe rác tập kết rác vẩn vấy bầu không khí, ô nhiễm đến rùng mình. Thậm chí, một số người dân ở các địa bàn lân cận cũng bỏ việc đến đình An Thọ lễ bãi từ lâu do ám ảnh trước những xe rác ô nhiễm phản cảm chốn đình chùa.

Người dân còn cho biết thêm, họ đã phản ánh vấn đề này nhiều lần lên chính quyền sở tại, hội nghị nào cũng đề cập, tiếp xúc cử tri nào cũng “kêu”, và đã đề xuất lên cả quận nhưng quyết định cuối cùng lại quay về phường. Và phường cứ bảo chung chung sẽ giải quyết nhưng cuối cùng chẳng có hành động thực thi nào, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.

Rác tập kết kín cổng đình An Thọ buổi tối. Ảnh: Huyền Trang

Trong lần phóng viên về làm việc với phường Bưởi, quận Tây Hồ khoảng cuối năm 2018, thời điểm đó, ông Phạm Xuân Đức - Bí thư Đảng ủy phường Bưởi cho rằng, địa bàn là một trong những phường của Hà Nội có diện tích đất đai chật chội. Do đó, việc bố trí nơi tập kết rác đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây có thay đổi địa điểm vài lần, nhưng cứ tập kết rác ở đâu là bị dân "xua đuổi" ở đó. Việc người dân bức xúc về ô nhiễm rác thải ở địa bàn diễn ra đã nhiều năm nay và vẫn đang là vấn đề khó tìm hướng giải quyết của địa phương.

Ông Đức còn cho biết thêm, điểm tập kết rác này tồn tại gần 20 năm rồi chứ không phải khoảng chục năm. Hiện nay, phụ trách chính việc thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn là Công ty Cổ phần Môi trường Tây Đô.

Trước bức xúc của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần báo cáo cấp trên và tổ chức họp bàn với các bên liên quan, nhưng đây vẫn là vấn đề khó khăn nên chưa thể giải quyết một sớm một chiều. …

Và thời điểm chúng tôi triển khai bài viết này, việc báo cáo, tìm hướng… đã 01 năm trôi qua, chúng tôi thắc mắc liệu phải chăng lãnh đạo phường sở tại đang công tác, làm “công bộc” cho nhân dân theo tư duy “nhiệm kỳ”? Chẳng vậy mà “ngó lơ” những vấn đề bức xúc, nhức nhối cấp thiết đang đặt ra trong đời sống của người dân?

Dù có lý, hay bất cứ ngụy biện nào đi nữa thì tình trạng chốn linh thiêng cổ kính như đình An Thọ lại bị ô uế, vấy bẩn bởi rác thải ô nhiễm môi trường là điều khó chấp nhận, chưa bàn tới trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền phường đang có biểu hiện thiếu sâu sát, xa rời khi bàng quan trước vấn đề an sinh trên địa bàn mình quản lí.

Trước thực trạng bức xúc đã trình bày, đề nghị cơ quan chức năng TP. Hà Nội sớm vào cuộc, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trả lại sự thanh tịnh vốn có chốn cửa thiền, cũng như đảm bảo vấn đề môi trường sống cho người dân, không để bức xúc kéo dài tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ trên địa bàn Thủ đô../.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực