Văn phòng TAND thành phố Hải Phòng, nơi xảy ra vụ việc
đang thu hút sự quan tâm của dư luận. (Ảnh: QC)
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 28/3 đến ngày 01/4/2018, TAND thành phố Hải Phòng đã tổ chức cho cán bộ nghỉ phép đi du lịch tại Hàn Quốc. Đoàn có tổng cộng 45 người do bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng làm trưởng đoàn. Trong đó, có hơn 30 người là lãnh đạo, cán bộ, công chức tòa; số còn lại là là người thân và cán bộ hưu trí.
Về kinh phí phục vụ đoàn du lịch, theo phản ánh, đơn vị này đã trích hơn 100 triệu kinh phí tiết kiệm của công đoàn để hỗ trợ một phần cho lãnh đạo, cán bộ đi du lịch. Đối với với người thân đi cùng hoặc cán bộ hưu trí tham gia chuyến đi thì phải tự túc toàn bộ. Liên quan đến sự việc này, vấn đề dư luận đặt ra hiện nay là việc tổ chức cho hàng chục lãnh đạo, cán bộ, công chức tòa cùng lúc đi du lịch nước ngoài trong ngày làm việc của TAND thành phố Hải Phòng như vậy có phù hợp với thông lệ hoạt động của các cơ quan "công quyền" hay không?
Nhằm làm rõ sự việc để rộng đường dư luận, phóng viên (PV) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo TAND thành phố Hải Phòng. Theo lịch hẹn, 8h sáng ngày 06/4/2018, PV có mặt tại TAND thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, chị Lê Thị Thùy, nhân viên Bộ phận Hành chính - Tư pháp cho biết là “Lãnh đạo bận” và đề nghị lùi lịch làm việc tới 14h cùng ngày. Tiếp đó, đến 14h, khi PV quay lại thì cũng chính nhân viên này thông báo là lãnh đạo TAND thành phố Hải Phòng không thể tiếp đoàn do bận đi họp chưa về? Điều kỳ lạ là nhân viên này còn “giới thiệu” PV sang liên hệ làm việc và lấy thông tin từ Báo Hải Phòng do “Chúng tôi đã làm việc, cung cấp toàn bộ thông tin và văn bản cho Báo Hải Phòng”?
Trao đổi trực tiếp qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng cho biết sẽ có lãnh đạo cơ quan làm việc với đoàn. Nhưng sau đó chỉ có một nhân viên văn phòng tiếp nhận giấy giới thiệu và nội dung làm việc để… báo cáo lãnh đạo. Điều đáng nói là giấy giới thiệu đã được PV cung cấp từ trước đó cho bộ phận hành chính của tòa. Khi PV đề nghị được tiếp cận những tài liệu liên quan thì người này cho biết là mình chỉ có “trách nhiệm ghi nhận nội dung để báo cáo chứ không thể cung cấp văn bản”.
Được biết, liên quan đến việc TAND thành phố Hải Phòng tổ chức cho hàng chục cán bộ chủ chốt, nhân viên đi du lịch nước ngoài trong ngày làm việc, Văn phòng của đơn vị này đã có thông tin bước đầu đến báo chí. Theo đó, TAND thành phố Hải Phòng đã báo cáo xin phép cấp có thẩm quyền cho phép 29 cán bộ công chức của cơ quan này cùng hai cán bộ TAND cấp quận, huyện đi tham quan nước ngoài. Tất cả cán bộ đi tham quan đều đã đồng loạt có đơn xin nghỉ phép, báo cáo cấp trên theo đúng quy định. Còn theo bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND thành phố Hải Phòng: Những người có tên trong danh sách đã có đơn xin nghỉ phép. Trước khi đi nước ngoài, TAND thành phố Hải Phòng đã báo cáo xin ý kiến Vụ Tổ chức cán bộ, Tòa án Nhân dân Tối cao.
Tuy nhiên, một điều khó hiểu là nếu những thông tin nói trên là chính xác thì những văn bản xin ý kiến, đề xuất đi du lịch, và văn bản phê duyệt đồng ý của cấp trên phải có từ trước ngày 28/3, thời điểm TAND thành phố Hải Phòng tổ chức đi du lịch. Nhưng cho đến nay, đã nhiều ngày trôi qua, cơ quan này vẫn chưa thể cung cấp được những văn bản đó.
Dư luận cũng đặt câu hỏi: Trong khi TAND thành phố Hải Phòng có khoảng 80 cán bộ và nhân viên, thì có đến gần 30 lãnh đạo, có cả Chánh án, Phó Chánh án TAND thành phố Hải Phòng cùng nhiều cán bộ đi du lịch trong ngày làm việc, thử hỏi chất lượng, hiệu quả của công việc sẽ ra sao?, trong khi Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ liêm chính kiến tạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương để rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Minh Cường (Văn phòng luật sư Nguyễn Cường & cộng sự - Hà Nội) nhìn nhận: Hoạt động tòa án là một lĩnh vực đặc thù, với những yêu cầu nghiêm ngặt về nhân sự. TAND thành phố Hải Phòng cho nghỉ tới hơn 1/3 lực lượng để đi du lịch trong 2 ngày hành chính, là việc làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc của cơ quan này đối với người dân và doanh nghiệp. Còn bạn đọc Nguyễn Thị Thơm, một người dân ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng thì chia sẻ: Cho nghỉ đến hơn 30 lãnh đạo, cán bộ tòa để đi du lịch trong ngày hành chính, thì không biết họ có còn quan tâm đến việc giải quyết các công việc hằng ngày của cơ quan nữa không?!
Đại diện Văn phòng TAND thành phố Hải Phòng (bên phải)
tiếp nhận nội dung làm việc trong khi PV đã đặt lịch làm việc từ trước đó. (Ảnh: TL)
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Phú Thắng, (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Tuy đã hẹn lịch làm việc theo quy định của Luật Báo chí, nhưng khi PV có mặt thì cán bộ TAND thành phố Hải Phòng lại từ chối. Việc làm này có dấu hiệu “Cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp theo đúng pháp luật". Nội dung này đã được quy định rõ tại điểm 12, Điều 9 của Luật Báo chí năm 2016 " ...cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật". Trước đó, ngày 12/11/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 159/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Qua vụ việc trên, dư luận đang đặt câu hỏi: Việc đi du lịch trong ngày làm việc trên có được cấp có thẩm quyền đồng ý hay không? Và vì sao TAND thành phố Hải Phòng lại từ chối làm việc với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để cung cấp thông tin một cách minh bạch về vụ việc?
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị TAND thành phố Hải Phòng sớm có thông tin về nội dung trên để phản ánh tới bạn đọc.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các nội dung tiếp theo./.