Chúng ta hiện nay đang dành quá nhiều thời gian để “sống” cùng với “thế giới ảo”. Ảnh minh họa: 2 sao.com
Trong thời đại smartphone nhan nhản như hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh giới trẻ cặm cụi vào chiếc smartphone, từ đi học, đi làm, đi mua sắm, lúc ăn, lúc ngủ, thậm chí là trong lúc chờ đèn đỏ, chờ xe bus hay đi bộ qua đường.
Theo thống kê “Báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam đầu năm 2017” do Công ty Appota công bố: Việt Nam nằm trong tốp 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối Internet. Số người sử dụng điện thoại để truy cập Internet ở Việt Nam, đặc biệt là ở độ tuổi từ 18 đến 34 chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với tỷ lệ người sử dụng máy vi tính và các thiết bị khác. Thống kê cũng cho thấy, người sử dụng Internet bằng điện thoại tại Việt Nam chủ yếu dành nhiều thời gian để vào mạng xã hội (59%), xem video (54%), nghe nhạc (43%), chơi game (28%). Trong khi đó, những hoạt động khác như kiểm tra email, mua sắm, tìm kiếm thông tin sản phẩm… chiếm tỷ lệ khá thấp.
Đã bao giờ các bạn tự hỏi sau những giờ làm việc ở cơ quan trở về nhà, bạn đã dành thời gian để trò chuyện cùng cha mẹ, chăm con hay vào bếp nấu một bữa ăn ngon miệng cho gia đình? Hay những khi về nhà, bạn lại thường đóng cửa phòng để vui cùng với “thế giới riêng” của bạn trên Smartphone? Để trả lời câu hỏi này, bạn mới thấy mình thật vô tâm với những người thân trong gia đình đúng không? Thay vì dành sự quan tâm cho những người ruột thịt, bạn lại cặm cụi vào chiếc smartphone để “tán gẫu” với những người mà bạn chẳng hề quen biết hay tìm sự giải trí ở một số trò chơi được cài đặt trên những phần mềm ứng dụng. Rõ ràng, smartphone và mạng xã hội đã đẩy khoảng cách giữa bạn và người thân ngày càng xa hơn. Trong khi đó bạn lại dành quá nhiều thời gian để “sống” cùng với “thế giới ảo”. Nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay, sau bữa ăn rồi đến lúc đi ngủ khi nào có thời gian rảnh, mỗi người lại tìm cho mình một không gian riêng để “dán mắt” vào điện thoại thông minh để lướt web, lên feabook, zalo.
Chính thói quen lạm dụng smartphone của cha mẹ đã ảnh hưởng đến con trẻ. Nhiều gia đình, cha mẹ cho con tiếp cận với Smart phone từ rất sớm. Ngoài giờ học, chúng có thể chơi game, xem những bộ phim hành động hay những video “siêu nhân” hàng giờ mà không biết chán.
Chị Phạm Thị Trang ở phường Cửa Nam, thành phố Nam Định chia sẻ: “Vợ chồng tôi có một cậu con trai lên 4 tuổi nhưng cháu rất lười ăn. Ngoài giờ học trên lớp khi về nhà, mỗi bữa ăn, bố mẹ phải dùng điện thoại thông minh vào YouTube mở những đoạn video siêu nhân người nhện cho con xem thì con mới chịu ăn”. Việc cho con trẻ tiếp cận với smart phone quá nhiều rõ ràng là không tốt cho sức khỏe của bé khi mà não bộ của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện và rất nhiều những hệ lụy khác nữa…
Chắc chắn một điều, chúng ta không thể quay lưng lại với xu hướng phát triển của công nghệ như việc dùng smartphone và mạng Internet vì sự tiện ích của chúng. Nhưng việc sử dụng điện thoại thông minh như thế nào để mình trở thành người sử dụng thông minh thì đó là một điều cần bàn luận.
Chúng ta không nên lạm dụng smartphone một cách thái quá mà hãy nên sử dụng chúng khi cần thiết cho công việc hay trao đổi thông tin với một ai đó. Các bạn hãy dành sự quan tâm đến những người thân trong gia đình nhiều nhất khi có thể...