Khi nào di tích lịch sử - văn hóa đình Hoàng Mai được “giải cứu”?

Thứ sáu, 11/01/2019 10:45
(ĐCSVN) - Di tích lịch sử - văn hóa đình Hoàng Mai thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội bị xâm hại hàng chục nămqua. Nhiều lần đại diện Ban quản lý di tích và người dân địa phương gửi kiến nghị đến các cấp song sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Đại diện Tiểu Ban quản lý đình Hoàng Mai bày tỏ bức xúc về hành vi xâm hại di tích

Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục nhận được đơn phản ánh của Ban quản lý di tích đình Hoàng Mai và người dân tại phố Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) về việc ngôi đình này lâu nay bị nhiều hộ dân tự ý chiếm dụng hàng trăm m2; xả chất thải gây ô nhiễm, mất mỹ quan; ảnh hưởng đến các hoạt động tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người dân và du khách thập phương.

Cụ thể, nội dung đơn phản ánh: Khoảng đầu những năm 1970, do hoàn cảnh chiến tranh, có 04 hộ dân đã tự ý vào ở trong khu vực Nhà Giải vũ thuộc khuôn viên Đình Hoàng Mai. Ngoài ra, các hộ gia đình này còn chiếm dụng một phần sân đình với tổng diện tích lên tới khoảng trên 150 m2. Đến nay, 01 hộ đã di chuyển ra bên ngoài, còn lại 03 hộ dân vẫn sinh sống tại đây. Đặc biệt, theo phản ánh, các hộ dân này đã tự ý mở lối, đặt ống dẫn nước thải từ khu vệ sinh vào thẳng khuôn viên của đình. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan của đình, nhất là trong các dịp lễ hội truyền thống; từ đó tạo bức xúc trong dư luận.

“Việc làm của các hộ dân đã xâm hại nghiêm trọng đến không gian di tích. Những ngày nắng nóng, mùi xú uế từ đường ống dẫn chất thải bốc lên rất khó chịu. Mới đây thôi, khi mưa lớn, nước thải không thoát được ra ngoài đã gây ảnh hướng rất nhiều đến công việc chung của người dân trong khu vực Đình” - ông Vũ Đình Mạnh, một người dân sinh sống cạnh khu vực đình Hoàng Mai bức xúc chia sẻ.

Toàn bộ khu Nhà Giải vũ và một phần sân đình Hoàng Mai đang bị một số hộ dân ngang nhiên chiếm dụng

Bên cạnh đó, việc 03 hộ dân chiếm dụng nằm trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa đình nên không được phép sửa chữa, xây mới thì đến nay, các công trình này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, mất an toàn cho các hộ sinh sống tại đây, đe dọa ảnh hưởng đến cả khu di tích.

Được biết, đình Hoàng Mai có lịch sử đến nay gần 700 năm tuổi, là nơi thờ vị tướng Trần Khát Chân, một tướng thời Trần. Trong Đình còn nhiều hiện vật quý như: voi đá, ngựa, đại tự, cửa võng, hương án, long ngai, bài vị, tượng, cồng chiêng, bát bửu… Năm 1994, đình Hoàng Mai đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa.

Đã thành truyền thống, đình Hoàng Mai là nơi được người dân chọn làm điểm sinh hoạt tâm linh, vui chơi vào các ngày lễ, tết, tổ chức các trò chơi dân gian mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa truyền thống. Do đó, việc di tích đình Hoàng Mai bị xâm hại trong nhiều năm và nhất là việc các hộ dân ngang nhiên lắp đường ống xả chất thải vào khuôn viên đình đã khiến người dân và du khách thập phương búc xúc, bất bình.

Cụ Nguyễn Văn Dậu, Phó Ban quản lý di tích đình Hoàng Mai, đồng thời cũng là người có gần 40 năm trực tiếp trông nom đình Hoàng Mai chia sẻ: “Gắn bó với đình gần trọn cuộc đời, nhìn thấy cảnh khuôn viên đình bị xâm hại, tôi đau lòng lắm.... Nguyện vọng của bà con nhân dân địa phương và Ban quản lý di tích đình Hoàng Mai hiện nay là các hộ dân nói trên cần chấm dứt ngay những hành vi xâm hại, xả thải trái phép để trả lại không gian tôn nghiêm vốn có của di tích đình Hoàng Mai”.

 

Khu nhà vệ sinh và ống xả thải vào khuôn viên đình Hoàng Mai do các hộ dân tự ý xây dựng trái phép

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Quý, Trưởng Tiểu Ban quản lý đình Hoàng Mai, người có hơn 20 năm là đại biểu Hội đồng nhân dân phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cho biết: Di tích lịch sử - văn hóa đình Hoàng Mai đã bị xâm hại nghiêm trọng nhiều năm qua. Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương và du khách thập phương, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị tới UBND phường Hoàng Văn Thụ, UBND quận Hoàng Mai, UBND thành phố Hà Nội để có biện pháp và kế hoạch di dời 03 hộ dân đang chiếm dụng một phần khuôn viên đình Hoàng Mai. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng xâm hại di tích vẫn không được giải quyết; thậm chí còn có những diễn biến nghiêm trọng hơn. Bởi theo phản ánh, một số hộ gia đình đã dựng khung sắt và khu vệ sinh. Họ còn xây hố ga và rãnh thoát nước chảy qua sân đình gây nên tình trạng ô nhiễm, mất mỹ quan chung của khu di tích.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, thực tế thời gian trước đây, các hộ dân đang sinh sống tại khuôn viên Đình Hoàng Mai cũng có nguyện vọng được chuyển đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống và hoàn trả lại diện tích cho Tiểu Ban quản lý đình Hoàng Mai. Song, không rõ vì lý do gì, đến nay sau nhiều năm việc di dời những hộ gia đình nói trên vẫn chưa được các cấp có trách nhiệm giải quyết.

Mới đây nhất, tại văn bản số 279/BC-UBND của UBND phường Hoàng Văn Thụ về việc “Trả lời ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ bảy HĐND phường Hoàng Văn Thụ khóa V, nhiệm kỳ 2016 - 2021” có nêu rõ: “Ngày 16/8/2016, UBND phường đã có công văn số 175/UBND gửi UBND quận Hoàng Mai về việc Đề nghị UBND quận quan tâm di dời 03 hộ gia đình nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử đình Hoàng Mai. Ngày 27/3/2018, UBND phường có công văn số 92/UBND gửi UBND quận Hoàng Mai về việc rà soát các hộ gia đình trong khu vực di tích và dự trù kinh phí đo đạc cấp Giấy chứng nhận đất di tích trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ. Tuy nhiên, đến nay, UBND quận Hoàng Mai vẫn chưa có công văn trả lời, cũng như phương án di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đình Hoàng Mai”. 

Văn bản trả lời ý kiến cử tri của UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Ảnh: QĐ)

Liên quan đến phản ánh di tích lịch sử - văn hóa đình Hoàng Mai bị xâm hại nghiêm trọng, thông tin với báo chí, ông Ngô Sỹ Quý, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai thừa nhận: "3 hộ dân này sống, định cư lâu năm ở đây rồi, cũng chưa có sổ đỏ. Phía chính quyền đã nắm được sự việc, UBND phường đã báo cáo sự việc lên UBND quận Hoàng Mai và chờ xin ý kiến, phương án chỉ đạo, bố trí chỗ ở, đền bù cho những hộ này. Sắp tới sẽ mời các ngành chức năng về đo, cắm lại chỉ số mốc giới vành đai 1, vành đai 2 để xác định lại ranh giới, diện tích".

Như vậy có thể thấy, những phản ánh của Ban quản lý di tích và người dân địa phương về việc di tích lịch sử - văn hóa đình Hoàng Mai bị xâm hại nghiêm trọng là hoàn toàn có cơ sở.

Mới đây, phát biểu tại Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội", GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia đã nhấn mạnh: Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa phải là bảo tồn nguyên trạng. Trong đó, cần chú ý việc không làm biến mất, làm biến dạng giá trị di sản. Mọi hành vi xâm phạm, phá hủy, làm biến dạng di tích cần phải bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, trong khi chờ các thủ tục để di dời những hộ dân có vi phạm, vấn đề cấp thiết cần làm lúc này đó là phải nhanh chóng xử lý hành vi tự ý lắp ống xả thải vào khuôn viên đình Hoàng Mai, trả lại không gian tôn nghiêm và môi trường cảnh quan sạch sẽ cho khu di tích; đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của Ban quản lý di tích và người dân địa phương. Về lâu dài, các cấp chính quyền, trực tiếp là UBND quận Hoàng Mai cần sớm có phương án di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đình Hoàng Mai, giải quyết dứt điểm hành vi chiếm dụng trái phép Nhà Giải vũ và một phần sân đình.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này./.

Nhóm PV Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực