Không sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe

Thứ tư, 23/10/2019 03:29
(ĐCSVN) - Người tham gia giao thông vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, nhắn tin là một hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên nhiều tuyến đường. Thực tế cho thấy, việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe là hành vi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông...

Nguy cơ tai nạn tiềm ẩn sau việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe ôtô.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Họ sử dụng điện thoại để nghe, gọi, chụp ảnh, nhắn tin, lên mạng, facebook… mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, với nhiều người, sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, vừa sử dụng điện thoại đồng vừa điều khiển xe cũng mang lại những rủi ro tiềm ẩn. Đối với xe máy, lái bằng một tay không thể chắc chắn và an toàn bằng hai tay. Hơn nữa, tay trái cầm điện thoại sẽ khiến người điều khiển xe máy không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Khi gặp phải những tình huống bất ngờ, đây cũng là nguyên nhân khiến người điều khiển sử dụng phanh trước mạnh và đột ngột, từ đó dễ dẫn đến tai nạn. Đối với xe ô tô, việc một tay sử dụng điện thoại sẽ khiến bạn mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng kịp thời trước những tình huống bất ngờ. Đã có không ít người vì mải dùng điện thoại di động mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… làm ảnh hưởng cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí gây ra tai nạn.

Nhìn nhận từ góc độ văn hóa giao thông, việc sử dụng điện thoại trong lúc lái xe còn là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra từ việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện. Anh Nguyễn Văn Đức ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng đã từng là nạn nhân của một vụ tai nạn do lái xe mải dùng điện thoại. Khi thấy chướng ngại vật phía trước, lái xe giật mới mình đánh lái sang bên đường. Cũng may là va chạm chỉ khiến chiếc xe hư hỏng, còn  người cũng chỉ bị thương nhẹ. Sau lần đó, hễ thấy ai dùng điện thoại khi lái xe là tôi góp ý luôn”.

Vừa đi xe máy vừa sử dụng điện thoại di động sẽ mất tập trung, dễ dẫn đến tai nạn.

Theo các cơ quan chức năng, việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát vận tốc khi gặp tình huống bất ngờ sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời nên rất dễ gây ra tai nạn.

Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: "Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động". Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe sẽ bị hạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (điểm 1,Khoản 3, Điều 5); người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm 0, Khoản 3, Điều 6); người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động; người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù) sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng (điểm h,Khoản 1, Điều 8). Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại đi động vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể.

Do đó, để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động mang lại đòi hỏi ý thức của những người tham gia giao thông. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người nhận rõ tính nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe. Mọi người cần hiểu rõ, trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng điện thoại, người điều khiển phương tiện nên dừng hẳn xe để sử dụng một cách thoải mái, an toàn cho cả bạn và những người xung quanh. Tuyệt đối không nhắn tin hay lướt web khi tham gia giao thông. Bởi việc làm này khiến toàn bộ sự tập trung của người điều khiển phương tiện sẽ hướng về thiết bị di động mà không còn chú ý đến việc lái xe. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông.../.

Bài, ảnh: Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực