Xe dù nhái, xe bus luồn lách trong đường Mỹ Đình.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng- Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông thừa nhận, tình trạng xe khách vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xe ‘dù”, bến cóc diễn ra chủ yếu tại khu vực xung quanh các bến xe khách.
Để xử lí tình trạng trên, từ đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát giao thông đã xây dựng và triển khai 05 lượt chuyên đề, kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp xe khách vi phạm, góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc kiểm tra xử lí được tăng cường tại khu vực xung quanh các bến xe trọng điểm, các tuyến đường trục chính, đường vành đai, quốc lộ trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, Phòng Cảnh sát Giao thông đã triển khai Kế hoạch số 27/KH- PC67- TM về tập trung kiểm tra xử lí xe ô tô vận chuyển hành khách hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng, xe taxi “dù” vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát Giao thông đã thành lập một tổ công tác đặc biệt tập trung kiểm tra xe khách vị phạm trên toàn địa bàn thành phố.
“Quan điểm của Phòng Cảnh sát Giao thông là kiên quyết kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là với xe “dù” - Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát Giao thông đã xử lí 6.619 trường hợp xe khách vi phạm, tạm giữ 28 phương tiện, 6.437 bộ giấy tờ. Riêng tổ công tác chuyên đề đã xử lí 564 trường hợp xe khách và xe tải vi phạm, tạm giữ 26 phương tiện, 589 bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 178 trường hợp.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng- Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an TP Hà Nội).
Theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian vừa qua, việc xử lí xe “dù” gặp một số khó khăn do một số hạn chế của Nghị định 86/2014/NĐ- CP về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Các xe dù thường núp bóng xe hợp đồng để hoạt động như xe khách. Vì vậy, cần chỉnh sửa một số nội dung của Nghị định 86 như: Quy định rõ đối với các hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách.... Thực tế hiện nay, nếu không có đầy đủ các thông tin được ghi quy định theo các biểu mẫu ban hành kèm theo thì không hợp lệ, không có giá trị pháp lí để làm căn cứ xử phạt.
Khoản 3, Điều 8 Nghị định 86/2014 và Thông tư 63/2014/TT- BGTVT đã quy định, đối với các xe có thiết kế từ 10 hành khách trở lên trước khi thực hiện hợp đồng vận tải khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành phải thông báo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử với Sở Giao thông Vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi như: Hành trình, số lượng hành khách, điểm đón trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thực tế, lực lượng cảnh sát giao thông không kiểm tra, xác minh được các thông tin nêu trên, do các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe và Sở Giao thông Vận tải nơi cấp giấy phép chưa thực hiện nghiêm túc và có hình thức thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về các nội dung trên, dẫn đến khó khăn, bất cập trong kiểm tra xử lí xe dù “núp bóng” xe hợp đồng chở khách./.