|
Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: Phạm Cường) |
Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời, Hội nghị cũng thực hiện nhiều nội dung quan trọng khác như kết luận về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; xem xét và quyết định thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm…
Trực tiếp theo dõi Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII qua các phương tiện truyền thông, ông Bùi Đình Quyển, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên (Hà Nội) bày tỏ sự tán thành cao đối với Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Theo ông Bùi Đình Quyển, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là rất nặng nề và có nhiều nội dung mới. Vì vậy, Đảng không thể sử dụng nguyên phương thức lãnh đạo của các giai đoạn cách mạng trước để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đó trong hiện nay; việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. “Đổi mới phương thức phải lấy hiệu quả trong thực tiễn làm thước đo; cùng với đó là phải phát huy vai trò nêu gương, tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Với những tổ chức, cơ quan, cá nhân thiếu trách nhiệm thì cần xử lý kiên quyết”, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên chia sẻ thêm.
|
Ông Bùi Đình Quyển, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, TP Hà Nội. (Ảnh: PMH) |
Một nội dung khác cũng thu hút sự quan tâm của dư luận đó là Hội nghị đã nghiên cứu, thảo luận và ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đánh giá của Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị lần này sẽ là cơ sở để chúng ta khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ "dân số vàng"; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; đẩy nhanh sự phát triển toàn diện của đất nước.
Đặc biệt, tại Hội nghị này Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu khai trừ ra khỏi Đảng đối với nguyên Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng; cho thôi tham gia Ban Chấp hành khóa XIII đối với Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang và Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt. Nhìn nhận về nội dung này, bà Nguyễn Thị Hoàn, đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Hội nghị Trung ương 6 đã thể hiện được tính nghiêm minh của Đảng, Nhà nước trong xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm". Cũng theo bà Hoàn, thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng lớn được đưa ra xử lý rất nhanh, đúng người, đúng tội, sai đến đâu xử lý đến đó. Hàng chục cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật. Cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Những con số này là minh chứng cho quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến với "giặc nội xâm" để giữ gìn sự trong sạch của Đảng và hệ thống chính trị. Kết quả trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn từ đông đảo nhân dân; củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước".
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng quan tâm đến quá trình Hội nghị thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Chị Trần Thu Trà ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Hội nghị đã đánh giá khá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, chỉ rõ cả ưu điểm và hạn chế; đồng thời dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025. Có thể thấy dù đã được khống chế nhưng hậu quả từ đại dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Vì vậy, sau Hội nghị lần này, tôi rất trông đợi Đảng, Nhà nước có thêm các chính sách trợ giúp doanh nghiệp, người dân như phân bổ các khoản vay trả góp và miễn thuế để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người dân ổn định đời sống”.
Kết quả Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đáp ứng mong mỏi của cán bộ, đảng viên, trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Những kết luận, nghị quyết của Hội nghị không chỉ khẳng định quyết tâm chính trị to lớn của Đảng ta trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đấu tranh chống tiêu cực, mà còn là cơ sở để chúng ta đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường các tiềm lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.