Với đặc điểm nền văn minh lúa nước, từ bao đời nay, những dòng sông đã luôn gắn bó chặt chẽ cùng đời sống người dân Việt Nam. Không chỉ có ý nghĩa cung cấp nguồn nước bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân; nhiều dòng sông còn mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, khái niệm “dòng sông chết” đã dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam; nhất là người dân sinh sống gần các dòng sông bị ô nhiễm nặng nề do việc xả thải của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp với nhiều quy mô khác nhau…
Ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến nước ở nhiều dòng sông tại các địa phương đổi sang màu đen kịt,
thường xuyên bốc mùi hôi khó chịu. (Ảnh: QC).
Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại sông Ngũ Huyện Khê, dòng sông Cầu Lường tại tỉnh Hưng Yên đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Với chiều dài trên 12 km, sông Cầu Lường chủ yếu chảy qua địa bàn huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với nhiệm vụ bảo đảm nguồn nước tưới cho 700ha đất nông nghiệp của các xã Nhân Hòa, Bạch Sam, Ngọc Lâm, Xuân Dục thuộc huyện Mỹ Hào và tiêu cho khoảng 1.800ha đất nông nghiệp, đô thị và công nghiệp. Khoảng gần chục năm trở lại đây, sông Cầu Lường tiếp nhận nguồn nước từ sông Bần Vũ Xá, nước thải từ khu dân cư, nước thải từ sản xuất nông nghiệp và nước thải công nghiệp của khoảng 20 doanh nghiệp nằm dọc hai bên sông. Theo nhân dân phản ánh, từ khi các nhà máy nằm dọc sông Cầu Lường đi vào hoạt động và xả nước thải ra sông, khiến nước sông cầu Lường bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, qua khảo sát và phân tích mẫu nước sông Cầu Lường từ năm 2012 đến đầu năm 2017, kết quả cho thấy, lượng nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp thải ra sông Cầu Lường khoảng 1.000m3/ngày đêm. Phân tích mẫu nước sông, nhiều chỉ tiêu phân tích vượt quy kỹ thuật quốc gia về nước mặt từ vài lần cho đến hàng chục lần; có thời điểm nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Nằm ở cuối nguồn sông Cầu Lường, xã Ngọc Lâm (Mỹ Hào) có khoảng 6.000 người; trong đó thôn Vô Ngại với 500 hộ dân với khoảng 1700 người chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp từ nguồn nước thải ô nhiễm. Từ năm 2011 đến nay, toàn bộ hệ thống sông này đã trở thành dòng nước chết do bị hóa chất hủy diệt. Theo ông Trần Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, việc các nhà máy xả thải trực tiếp gây ô nhiễm ở sông Cầu Lường đã diễn ra từ nhiều năm nay. Toàn xã hàng năm có tổng diện tích gieo cấy gần 300 ha, trong đó có gần 150 ha lúa phải lấy nước tưới từ dòng sông Cầu Lường nên đều bị ảnh hưởng, năng suất lúa giảm 30-40%. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng nhiều lần có ý kiến, song việc giải quyết chưa được như mong muốn, thậm chí tình trạng ô nhiễm thời gian gần đây còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn do các công ty, doanh nghiệp ở dọc hai bên bờ sông Cầu Lường tiến hành tăng công suất hoạt động.
Còn tại làng nghề Phong Khê thuộc phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, dọc hai bên dòng sông Ngũ Huyện Khê lờ đờ chảy với màu nước xám đục, bốc mùi nồng nặc. Nhất là đoạn chảy qua làng nghề giấy Phong Khê, các cụm công nghiệp Phong Khê 1, 2, Phú Lâm… còn xuất hiện khá nhiều miệng cống xả thải liên tục đổ thẳng xuống sông với những dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối. Tìm hiểu được biết, sông Ngũ Huyện Khê chảy qua 5 huyện: Đông Anh (Hà Nội); Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du và TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), từng được ví như mạch máu nuôi sống hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp của các địa phương này. Tuy nhiên, với chủ trương phát triển làng nghề gắn với sản xuất công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề giấy Phong Khê phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân. Đến nay, có đến trên 90% số hộ gia đình ở khu vực này tham gia tái chế, sản xuất giấy. Tuy đã có sự quan tâm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ xử lý nước thải nhưng đến nay vẫn còn khá nhiều cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra cống, chảy xuôi theo hệ thống mương, rãnh ra sông. Nguy hại hơn, dòng nước ô nhiễm từ đây còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sự an toàn của môi trường nước sông Cầu, nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân đang sinh sống ở ven sông. Ông Trần Văn Thanh ở phường Phong Khê, TP Bắc Ninh cho biết: “Trước đây, người dân dọc hai bên bờ sông thường sử dụng nước sông để tắm giặt, thậm chí làm nước uống, nhưng giờ đây chỉ cần tiếp xúc với nước sông có thể dẫn tới các bệnh ngoài da, không những thế dòng sông còn bốc mùi hôi thối khiến người dân không dám đến gần. Cá tôm thì nay cũng chả còn con nào sống nổi… Sông Ngũ Huyện Khê giờ trở thành dòng sông... chết rồi các nhà báo ạ!”.
Một đoạn sông Cầu Lường đoạn chảy qua huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. (Ảnh: QC)
Bên cạnh đó, như báo chí đã nhiều lần phản ánh, tình trạng ô nhiễm môi trường của một số dòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang ở mức đáng báo động. Điển hình nhất là tại hệ thống sông Đồng Nai. Cụ thể, theo thống kê chưa đầy đủ, lượng nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải sinh hoạt nông thôn và nước thải công nghiệp của 11 tỉnh lưu vực hệ thống sông Đồng Nai mỗi ngày lên đến hơn 3 triệu m3. Trong đó, đến cuối năm 2017, chỉ tính riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã xả ra khoảng 1,75 triệu m3, bao gồm gần 50.000m3 nước thải của 21 khu công nghiệp (KCN). Trong đó lượng nước thải được thu gom, qua xử lý trước khi thải ra môi trường chỉ đạt khoảng 21%. Ngoài lượng nước thải công nghiệp được thu gom, xử lý qua các hệ thống xử lý tập trung ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chỉ một lượng nhỏ nước thải sinh hoạt, khoảng 171.000m3 được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và trạm xử lý nước thải (hồ sinh học) Bình Hưng Hòa.
Tương tự, tại các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... phần lớn lượng nước thải công nghiệp được thu gom, xử lý trong khi nước thải sinh hoạt đô thị chỉ được thu gom, xử lý ở mức trên dưới 20%, còn lại xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Riêng ở Đồng Nai, lượng nước thải công nghiệp từ 31 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn mỗi ngày gần 102.000m3, được xử lý tại các hệ thống xử lý tập trung hơn 72.000m3 (71%), còn lại gần 30.000m3 do các doanh nghiệp tự xử lý.
Điều đáng nói là đến nay nhiều khu đô thị ở các tỉnh vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và một số KCN vẫn chưa kiểm soát triệt để lượng nước thải công nghiệp xả ra môi trường. Do vậy, tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra cục bộ ở những đoạn sông chảy qua các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống sông Đồng Nai – Một vấn đề đã và đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với đời sống của hàng chục triệu người sinh sống tại 11 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
Sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu Lường và hệ thống sông Đồng Nai chỉ là những ví dụ điển hình nhất cho việc các dòng sông bị “bức tử” với mức độ ô nhiễm nặng nề do các hoạt động của con người. Theo thống kê, hiện nay cả nước đang có hơn 2.360 con sông, suối dài hơn 10km và hàng nghìn hồ, ao. Đây là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng triệu người. Tuy nhiên, những nguồn nước này đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Thậm chí nhiều con sông, đoạn sông, ao, hồ đang “chết”. Mới đây nhất, đầu năm 2018 vừa qua, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin về tình trạng chất lượng nước tại các con sông đang diễn biến phức tạp, bị suy thoái nhiều nơi, nhất là tại các đoạn sông chảy qua đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Trong đó, đặc biệt 3 lưu vực sông có vấn đề nổi cộm nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường nước gồm Sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, sông Đồng Nai, nếu không có biện pháp xử lý ô nhiễm kịp thời thì trong tương lai, nguồn nước các con sông này không thể sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông còn là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm các nguồn nước ngầm; đồng thời là tác nhân đe dọa trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt sản xuất và nhất là ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của hàng triệu người dân. Cụ thể, kết quả thống kê, đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2017 vừa qua cho thấy, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Như vậy có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang trở nên phổ biến tại khá nhiều dòng sông ở nhiều địa phương trên cả nước. Vần đề đặt ra hiện nay đó là chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn đang ở đâu khi số lượng các dòng sông bị “bức tử” đang ngày một nhiều? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm nói trên?
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề nói trên trong những nội dung tiếp theo./.
(Còn nữa)