Theo đánh giá của dư luận, Thông tư mới của Bộ GTVT về hoạt động đăng kiểm đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc, góp phần mang lại lợi ích cho hàng triệu người, giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội.
|
Nhân viên trung tâm đăng kiểm thực hiện các bước kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Minh Hiếu) |
Thông tư 02 sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục trên tổng số 18 điều và 19 phụ lục của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT nhằm giảm thủ tục, chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đăng kiểm. Điểm mới nổi bật trong Thông tư 02 là miễn đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới sản xuất, lắp ráp, xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng và giãn chu kỳ kiểm định với một số loại xe cơ giới. Theo tính toán, sẽ có khoảng trên 3 triệu xe ô tô được giãn chu kỳ đăng kiểm theo Thông tư 02.
Trong đó, điều kiện của phương tiện để được miễn đăng kiểm lần đầu là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ. Những phương tiện này sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Anh Nguyễn Mạnh Cường ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, việc điều chỉnh này là hoàn toàn hợp lý. Vì phương tiện chưa qua sử dụng dù là xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước thì cũng đều bảo đảm tốt về các thông số kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn khí thải, bảo vệ môi trường. Miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô chưa qua sử dụng không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp tiết kiệm khoản chi phí không nhỏ đối với các chủ phương tiện”.
Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nhìn nhận, cách tiếp cận của Thông tư 02 đã theo sát thông lệ quốc tế, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định của các nước và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chỉ riêng chính sách miễn kiểm định lần đầu đối với ôtô mới, mỗi năm, có thể giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cùng với thời gian, công sức của nhiều người. Thực tế, trước đây, việc miễn đăng kiểm lần đầu với các phương tiện chưa qua sử dụng đã được đưa ra bàn bạc, phân tích, tranh luận khá nhiều. Thông tư 02 ra đời với các nội dung mới sẽ là căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng bảo đảm hoạt động của các chủ thể liên quan trong hoạt động kiểm định.
Cũng liên quan đến quy định miễn đăng kiểm lần đầu với phương tiện chưa qua sử dụng, theo ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngoài việc không phải đưa phương tiện đến kiểm tra, chủ xe hoặc người được ủy quyền cần mang các giấy tờ theo quy định và cung cấp bản cà số khung, số máy để trung tâm đăng kiểm dán vào hồ sơ phương tiện. Sau khi lập hồ sơ phương tiện, chủ xe sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng tem kiểm định để tự dán theo hướng dẫn của nhân viên trung tâm đăng kiểm. “Với việc không cần đưa xe đến để kiểm tra, chủ phương tiện sẽ không mất giá dịch vụ kiểm định, hiện nay dao động từ 250.000 - 570.000 đồng/xe, tùy từng loại xe. Theo thống kê, có khoảng 574.000 ô tô mua mới được miễn đăng kiểm lần đầu năm 2023, ước tính tiết kiệm chi phí gần 130 tỷ đồng", Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin thêm.
|
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. (Ảnh: Nam Trần) |
Bên cạnh đó, dư luận cũng đánh giá cao các nội dung quy định của Thông tư 02 về điều chỉnh chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới.
Cụ thể, với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải: Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; Thời gian sản xuất đến 7 năm: Chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm): Chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 20 năm: Chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng. Với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ: Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; Thời gian sản xuất đến 5 năm: Chu kỳ kiểm định tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 5 năm: Chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
Chị Trần Thu Hà, ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chia sẻ: “Quy định của Thông tư 02 về giãn chu kỳ kiểm định với một số loại xe cơ giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; nhất là với các loại xe ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải vì các loại xe này thường là xe gia đình, được chủ sử dụng kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ”.
Có thể thấy, với những điều chỉnh cụ thể, Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT đã khắc phục được những tồn tại, bất cập của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT. Những quy định mới trong Thông tư 02 sẽ là cơ sở giúp tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đăng kiểm hiện nay; đồng thời, góp phần mang lại lợi ích cho hàng triệu người, giúp giảm thiểu thủ tục, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đăng kiểm theo quy định của pháp luật./.