Mong muốn được chia sẻ khi tham gia cách ly

Thứ tư, 25/03/2020 19:26
(ĐCSVN) - Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch, bệnh Covid-19, số người thuộc diện phải cách ly tập trung ở nước ta đã tăng mạnh. Nhiều người mong muốn được đóng góp một phần (hoặc toàn bộ) chi phí cách ly như một sự chia sẻ một phần tài chính trong tình hiện nay...
Việc cách ly tập trung đối với người nghi nhiễm Covid-19 đã và đang tạo nhiều áp lực tài chính đối với ngân sách Nhà nước. (Ảnh: baochinhphu.vn) 

Những ngày gần đây, dịch, bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trong cả nước đang có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt, từ ngày 21/3, nhằm ngăn chặn các nguy cơ lây lan trong cộng đồng, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải thực hiện cách ly theo quy định. Do đó, số lượng người thuộc diện cách ly đã gia tăng đột biến. Để bảo đảm cho việc cách ly, ngân sách Nhà nước và các địa phương đã phải sử dụng đến một nguồn kinh phí tài chính không hề nhỏ. Điều này vừa thể hiện truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt Nam; vừa khẳng định quyết tâm chống dịch của Đảng và Chính phủ.

Hiện nay, về chi phí, chế độ cách ly đang áp dụng theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC. Theo đó, người bị cách ly được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được cấp không thu tiền gồm: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt; được miễn phí di chuyển cách ly. Trên thực tế, các nhu cầu cơ bản như ăn, uống, sinh hoạt... của người cách ly đều được bảo đảm miễn phí. Tùy từng địa phương, mức hỗ trợ bình quân đối với người cách ly thường ở mức 100.000 đồng/người/ngày. Với số lượng người bị cách ly đang tiếp tục tăng lên như hiện nay thì gánh nặng ngân sách Nhà nước sẽ phải chi trả là khá lớn nếu phải chu cấp hoàn toàn.Ví dụ, với 20.000 người cách ly thì bình quân chi phí sẽ vào khoảng 2 tỉ đồng/ngày, nhân 14 ngày là 28 tỉ đồng, đó là chưa kể các điều kiện nguồn lực khác phải chi trả và chuẩn bị cho phòng chống dịch...

Trước tình hình trên, nhiều ý kiến cho rằng nên tính đến phương án để người cách ly đóng góp một phần chi phí cách ly. Chị Trần Thị Lan Anh ở quận Hoàng Mai, có con du học ở Ý, hiện đang cách ly tại tập trung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị hoàn toàn đồng ý việc thu chi phí ăn, ở tại khu cách ly. “Tôi và nhiều người có con du học rất mong muốn được chia sẻ với Nhà nước khi các cháu về nước và tham gia cách ly. Con em mình về nước trong khi dịch bệnh căng thẳng cũng là tạo thêm gánh nặng cho đất nước. Có thể theo quy định các cháu được hoàn toàn miễn phí chuyện ăn ở, đi lại, theo dõi sức khoẻ… Nhưng với trách nhiệm của người công dân, trách nhiệm người làm cha, làm mẹ, chúng tôi thực sự mong muốn được đóng góp ít nhiều. Trong khi điều kiện đất nước còn khó khăn, chỉ cần mỗi người một ít, chi trả phí ăn ở khi cách ly, hoặc ai có điều kiện hơn nữa thì trả theo nhu cầu ở dịch vụ. Tôi nghĩ đó là phương án hợp lý”, chị Lan Anh chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Mạnh Cường ở quận Hà Đông (Hà Nội) nhìn nhận, việc đóng phí ở khu cách ly là điều nên làm, bởi những người cho con đi du học đều là những người có điều kiện, họ chả có lý gì để xin miễn phí tiền ăn, ở cả; đối với những trường hợp lao động Việt Nam ở nước ngoài về nước thì việc đóng chi phí ăn ở tại khu cách ly tập trung cũng không phải là việc quá khó. “Chúng ta nên phân nhóm người phải thực hiện cách ly. Nhóm I (người Việt từ nước ngoài trở về nước) nên áp dụng mức thu phí vì đây là nhóm có số lượng đông nhất và họ có khả năng lớn về kinh tế. Các nhóm còn lại thì có thể xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí, tùy theo điều kiện cụ thể”, anh Cường đề xuất.

Được biết, mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đề xuất cụ thể việc thu phí (ăn, ở…) của những người cách ly. Ngay sau đó, đề xuất trên thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhiều người đồng ý với chủ trương của Chính phủ. Người dân cho rằng công tác phòng chống dịch còn cả chặng đường dài, tốn kém nhiều chi phí, nên những người ở khu cách ly tập trung cần chung sức đồng hành cùng Nhà nước.

Chị Filip Lê Nguyễn, Việt kiều ở Tây Ban Nha cho biết, theo tôi được biết, hiện nay cả nước đã có nhiều vạn người thực hiện cách ly tập trung. Nếu tiếp tục miễn phí toàn bộ chi phí, gánh nặng tài chính đối với ngân sách sẽ rất lớn. Trong khi việc cá nhân phải chi trả chi phí các dịch vụ phục vụ bản thân họ là điều đương nhiên. Vẫn biết việc miễn chi phí cách ly là theo quy định và thể hiện sự ưu việt của chế độ nhưng với người từ nước ngoài về như chúng tôi, dù khó khăn thì vẫn dư dả hơn rất nhiều người. Tôi và nhiều bạn bè cảm thấy “áy náy” khi được ăn ở, khám bệnh, chăm sóc... miễn phí. Trong hoàn cảnh dịch dã như hiện nay, chúng tôi mong muốn được đóng góp một phần (hoặc toàn bộ) chi phí trong thời gian 14 ngày thực hiện cách ly tập trung.

TS Bùi Đức Thụ. Ảnh: Luân Dũng 

Bên cạnh những ý kiến tán thành, dư luận cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc và có lộ trình thực hiện từng bước đối với việc thu phí với những người cách ly tập trung vì dịch Covid-19. Trao đổi với báo chí, với góc nhìn bao quát, TS Bùi Đức Thụ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chia sẻ, cần nghĩ tới giải pháp thu phí ăn, ở với người cách ly vì dịch Covid-19, song đây phải được xem là phương án cuối cùng. Cùng với việc huy động ngân sách, chúng ta nên vận động việc quyên góp tự nguyện từ các tổ chức cá nhân ở cả trong nước và ngoài nước để góp phần bảo đảm kinh phí cách ly tập trung với số lượng người khá lớn như hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những người khó khăn như nông dân, lao động phổ thông... không may nằm trong diện nghi nhiễm phải thực hiện cách ly tập trung thì nên được miễn phí. Bởi nếu thu phí ăn, ở trong thời gian cách ly với đối tượng này sẽ khó khả thi và không phù hợp với chủ trương, tính nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, luôn chăm lo cho người dân, đặc biệt người lâm vào dịch bệnh trong hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, người thực hiện cách ly tập trung hiện ít nhiều vẫn bị một bộ phận dân cư kỳ thị. Nếu cộng thêm việc cách ly phải nộp tiền, có thể sẽ gia tăng tình trạng “trốn cách ly” dẫn đến những khó khăn đối với công tác phòng, chống sự lây la của dịch, bệnh Covid-19. Đây là những vấn đề cần được cân nhắc khi thực hiện đóng góp chi phí cách ly.

Có thể thấy, việc nhiều cá nhân muốn được đóng góp một phần (hoặc toàn bộ) chi phí cách ly là mong muốn của những công dân có trách nhiệm. Thực tế những ngày qua, rất nhiều người đã có những hành động thiết thực như nhắn tin ủng hộ qua điện thoại, tham gia các hoạt động tặng nước rửa tay, xà phòng để ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19... Nếu việc thu phí cách ly (gắn với từng nhóm cụ thể) được thực hiện khoa học, hợp lý sẽ là biện pháp nhằm giảm tải gánh nặng kinh tế lên Chính phủ, Nhà nước. Đồng thời, là cơ sở để chúng ta có thêm nguồn lực phục vụ cho những hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm hiệu quả, thiết thực./.

Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực