Một hình thức chiếm dụng đất công!

Thứ sáu, 19/08/2016 16:34
(ĐCSVN) - Di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi trung tâm TP. Hà Nội là chủ trương lớn nhằm giảm sức ép về dân số và giao thông cho nội đô. Thế nhưng, nhiều bộ, ngành mặc dù đã di dời, chuyển đến trụ sở mới khang trang, rộng rãi nhưng vẫn “ôm” đất trụ sở cũ. Phóng viên đã ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Lâm Văn Bảng (Hà Nội), chiến sĩ cách mạng, cựu tù Phú Quốc

Báo chí đã nhiều lần phản ánh về việc một số bộ, ngành được đầu tư đất, kinh phí xây trụ sở mới, đã chuyển đến trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ. Hầu hết các trụ sở cũ này lại nằm trên vị trí “đất vàng”. Thậm chí, có bộ còn giữ lại "đất vàng" trong trung tâm thành phố rồi xây dựng trung tâm thương mại để cho thuê…  Đây rõ ràng là hình thức chiếm dụng đất công trong khi xã hội đang rất cần quỹ đất cho các công trình phúc lợi, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nếu sử dụng sai một mét vuông đất là đã lấy của dân, trong khi nhiều nơi đời sống của người dân còn rất khó khăn. Việc vừa dùng trụ sở mới, vừa "ôm" nơi cũ trong khi không ít cơ quan khác vẫn chưa có nơi xây trụ sở còn cho thấy, đang tồn tại bất công ngay trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

Vì thế, theo ông Lâm Văn Bảng, việc một số bộ, ngành đã chuyển đến nơi mới nhưng vẫn cố “giữ” đất cũ là không phù hợp với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác.

Ông Lâm Văn Bảng mong muốn, Tổng Bí thư sớm  vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng kiên quyết xử lí để buộc những bộ, ngành đang cố tình "dây dưa" phải trả lại đất cũ cho thành phố thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Ông Đoàn Đức Thuận, Hà Nam

Theo ông Đoàn Đức Thuận (Hà Nam), với các hộ dân chiếm dụng đất công, chính quyền có thể cưỡng chế. Vậy tại sao các bộ, ngành chây ì, Nhà nước lại không cưỡng chế? Phải chăng đang có sự nể nang, ưu ái trong chuyện này?

Qua thông tin trên báo chí, hầu hết các bộ, ngành chưa trả trụ sở cũ đều đưa ra lý do phải đảm nhiệm thêm nhiệm vụ, nhân lực gia tăng. Theo ông Đoàn Đức Thuận, lí do này hoàn toàn không chính đáng bởi trụ sở mới có diện tích rộng gấp nhiều lần trụ sở cũ. Các bộ, ngành, cơ quan quy hoạch đã tính toán được kế hoạch dài hạn để thiết kế, xây dựng trụ sở mới phù hợp với công năng sử dụng trong giai đoạn dài. Chính phủ cũng đã và đang thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Do đó, việc vừa dùng trụ sở mới, vừa muốn giữ trụ sở cũ với lý do thêm nhiệm vụ, nhân sự tăng là ngụy biện.

Anh Nguyễn Văn Hà (Bắc Giang) chia sẻ: Với tình trạng không chịu trả trụ sở cũ, có thể nói, Nhà nước đang mất "đất vàng" trong khi vẫn phải cấp đất mới, kinh phí mới để xây trụ sở mới. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi ngân sách mà Quốc hội đang lo ngại. Ngân sách là tiền thuế của dân, vậy nên người dân bức xúc trước việc một số bộ “ôm” cả trụ sở mới và trụ sở cũ.  Vì vậy, Thủ tướng cần vào cuộc xử lí ngay tồn tại này, thực hiện đúng tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính.

Anh Nguyễn Văn Hà (Bắc Giang)

Kiến trúc sư Trần Văn Hân (Hà Nội) cho rằng: Luật Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội cho thấy yêu cầu cần thiết phải giảm mật độ dân cư, giao thông trong nội đô. Luật cũng quy định việc bàn giao phần đất trụ sở bộ, ngành sau di dời cho TP. Hà Nội xây dựng các công trình công cộng, cây xanh… phù hợp với quy hoạch. Vì thế, việc một số bộ, ngành có trụ sở mới, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng khu đất cũ, trụ sở cũ sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tải cho nội đô và thực tế đến nay, mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

Từ lý do trên, kiến trúc sư Trần Văn Hân cho rằng, cần lập tức rà soát việc quản lý tài sản công, nhất là quản lý trụ sở làm việc theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bộ nào xây dựng xong trụ sở mới mà chưa trả lại trụ sở cũ, cơ quan nào còn cho thuê trụ sở phải làm cho rõ để chấn chỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ.

Theo kiến trúc sư Trần Văn Hân, chỉ đạo trên của Thủ tướng nếu được thực hiện ngay sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển theo đúng quy hoạch, đồng thời chống thất thoát trong sử dụng đất công và tăng cường niềm tin của nhân dân về sự điều hành của Chính phủ./.

Bài, ảnh: An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực