Một kỳ họp với nhiều quyết sách quan trọng

Thứ sáu, 17/06/2022 09:47
(ĐCSVN) - Sau gần 20 ngày làm việc liên tục, khoa học và hiệu quả, chiều 16/6, Quốc hội khóa XV đã họp bế mạc Kỳ họp thứ 3. Đây là kỳ họp được dư luận đánh giá cao vì đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng với đất nước.

Cử tri Nguyễn Thị Hồng Hải, phường Đồng Tiến, Thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) nhận xét: Theo dõi toàn bộ diễn biến, tại Kỳ họp thứ 3 nên cảm nhận được một không khí làm việc khẩn trương, tích cực. Với cách tổ chức làm việc khoa học, Quốc hội đã đưa ra bàn thảo và quyết sách được nhiều vấn đề quan trọng, ý nghĩa với tình hình thực tế của đất nước nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội sau khi đã kiểm soát cơ bản dịch bệnh.

Đáng chú ý, tôi thấy trong kỳ họp đã dành khá nhiều thời gian thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh hậu quả dịch bệnh COVID-19 để lại khá nặng nề, rồi những khó khăn mới đặt ra do căng thẳng chính trị thế giới; các quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao và đà phục hồi không mấy sáng sủa… Việc này cho thấy Quốc hội đã nhìn thẳng vấn đề trọng tâm để cùng bàn thảo những giải pháp tháo gỡ, kết hợp đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2021/QH15 của Quốc hội.

 Cử tri Nguyễn Thị Hồng Hải. (Ảnh: Trần Chiến)

Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc nhận diện các sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản... là những vấn đề khá nóng gần đây cũng được Quốc hội đưa ra bàn thảo sôi nổi, công khai, khiến không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều cử tri trong cả nước đặc biệt quan tâm.

Đồng thời tại kỳ họp cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm, dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức, nhất là những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản,...để quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Kết luận của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch COVID-19 năm 2022, về các khung kế hoạch 05 năm 2021-2025 để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Những nội dung làm việc trên tại kỳ họp được cử tri chúng tôi ghi nhận, đánh giá rất cao.

Quan tâm về công tác lập pháp, cử tri Dương Văn Thụ ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Theo dõi kỳ họp tôi thấy Quốc hội đã thông qua 05 luật, 03 nghị quyết, góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ; phát triển thị trường bảo hiểm; xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tạo động lực mới trong công tác thi đua khen thưởng; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân; hay cho ý kiến về 06 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dầu khí (sửa đổi),…Việc thông qua các luật, cho ý kiến các dự án luật bằng nghị quyết đã có sự thống nhất, tập trung cao độ, tôi thấy ở đây đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan; sự phát huy dân chủ đã thể hiện rõ khi Quốc hội tranh thủ tối đa trí tuệ, ý kiến đóng góp xác đáng của của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học... cử tri chúng tôi cho rằng, đây chính là những tiền đề, những bài học, những kinh nghiệm quý báu để chúng ta tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác.

Cử tri Dương Văn Thụ. (Ảnh: Trần Chiến) 

Quan tâm ở góc độ khác của kỳ họp, cử tri Lê Thị Hạnh, ở phường Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) cho biết: Một trong các nội dung quan trọng được đưa ra tại kỳ họp lần này là bàn về hoạt động giám sát tối cao. Theo đó, Quốc hội đã nghe và thảo luận các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3; xem xét các báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao các báo cáo đã bám sát thực tiễn đời sống, cơ bản phản ánh trung thực tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tổ chức hữu quan tập trung giải quyết để tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tương xứng với những kết quả đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kịp thời giải quyết những kiến nghị của nhân dân và cử tri đối với các vấn đề “nóng” về kinh tế - xã hội đang nổi lên.

Tại các phiên chất vấn đối với 03 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh với sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Trưởng ngành về các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải… Đồng thời Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; công bố các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023… Chúng tôi rất tâm đắc các vấn đề trên vì nó không chỉ “trúng và đúng” mà còn đang rất thời sự!

Nhìn nhận tổng thể về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri Nguyễn Hồng Ánh ở phường Gia Cẩm, Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đánh giá đây là kỳ họp đã đạt được nhiều thành công tốt đẹp: Từ kinh tế - xã hội, lập pháp, hoạt động giám sát, công tác nhân sự được Kỳ họp xem xét, quyết định đều là các vấn đề quan trọng và ý nghĩa với đất nước. Đáng chú ý, lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có đến 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư; đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương. Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản Nhà nước… Tôi thấy đây là chủ trương nhất quán của Đảng, của Nhà nước và thể hiện quyết tâm cao trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong mọi lĩnh vực mà chúng ta đã và đang triển khai, và việc này ngày càng được sự đồng tình, ủng hộ và tin tưởng của toàn thể nhân dân../.

Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực