Người chấp hành án ngoài cộng đồng sẽ phải đeo thiết bị giám sát điện tử?

Chủ nhật, 04/08/2024 14:00
(ĐCSVN) - Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) lần này, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng. Theo đó, thông qua thiết bị điện tử đó, các cơ quan chức năng, chủ thể quản lý có thể theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Từ đó, phòng ngừa được việc những người này bỏ trốn, hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, các đơn vị chức năng trên toàn quốc đang quản lý 69.523 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Trong đó, 63.691 người chấp hành án hình sự tại địa phương cấp xã; 4.595 người bị kết án tù ngoài nơi giam giữ và 1.237 người được tha tù trước thời hạn.

Bên cạnh đó, số người chấp hành án bỏ trốn lớn, người chấp hành án phạm tội mới tăng thêm dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội. Dự báo thời gian tới, lượng người chấp hành án hình sự tại cộng đồng sẽ tăng.  Do đó, Bộ Công an cho rằng cần đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, cần thiết ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục thay cho phương pháp thủ công truyền thống.

Nâng cao hiệu quả thi hành án hình sự ngoài cộng đồng

Đại tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp Cục Pháp chế và cải cách hành chính (Bộ Công an) 

Chia sẻ một số nội dung liên quan đến quy định về giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng, Đại tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Pháp luật hình sự và cải cách tư pháp Cục Pháp chế và cải cách hành chính (Bộ Công an) cho biết, đây là một trong ba chính sách mới, nổi bật của Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thịnh, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành 1/1/2020, đã tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng trong công tác thi hành án hình sự. Từ đó đến nay, công tác thi hành án hình sự đã đi vào nề nếp và đạt được hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tiến bộ về khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số thay đổi rất nhanh chóng trên thế giới, và ngay cả trong nước ta. Chính vì vậy, chúng ta ứng dụng các tiến bộ đó vào trong công tác quản lý thi hành án hình sự để làm sao nâng cao hiệu quả cao nhất của công tác này trong thời gian tới.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc đề xuất, bổ sung quy định về giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng vào Luật thi hành án hình sự (bổ sung), Đại tá Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Hiện nay, tại Việt Nam, thi hành án có hai loại. Một là, phạt tù trong các cơ sở giam giữ. Thứ hai, các hình phạt ngoài tù, chúng ta sẽ thi hành án ngoài cộng đồng. Trong thời gian vừa qua, về thi hành án phạt tù, cơ bản chúng ta thực hiện rất nghiêm minh, rất chặt chẽ trong các cơ sở giam giữ. Tuy nhiên, đối với việc thi hành các hình phạt ngoài cộng đồng như thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế,… hiệu quả thực tiễn thời gian qua cho thấy chưa cao.

Việc chúng ta quản lý các đối tượng ngoài cộng đồng chủ yếu bằng hành chính, thủ công thông qua việc quản lý, giám sát của chủ thể như chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, giám sát các đối tượng này. Như thế, hiệu quả thời gian qua cho thấy chưa đạt được như mong muốn.

Có những trường hợp đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng như thi hành án treo, cải tạo không giam giữ đã bỏ trốn đi khỏi địa phương không thông báo cho người quản lý. Thậm chí, thực hiện hành vi phạm tội mới ở những nơi khác mà những người quản lý có trách nhiệm trong hình phạt này không giám sát, quản lý được.

Trên cơ sở những bất cập đó, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trên thế giới, và ở nước ta hiện nay, thì chúng tôi có đề xuất một giải pháp đó là “giám sát điện tử” đối với những người chấp hành án tại cộng đồng.

Những người này, bên cạnh các nghĩa vụ đã có trong Luật Thi hành án hình sự, chúng ta bổ sung thêm một quy định là người ta phải chấp hành một biện pháp giám sát bằng thiết bị điện tử. Thông qua thiết bị điện tử đó, các cơ quan chức năng, chủ thể quản lý sẽ có thể theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng này. Từ đó, phòng ngừa được việc những người này bỏ trốn, hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Đại tá Nguyễn Văn Thịnh cho biết, hiện nay, hình thức quản lý này cũng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan. Biện pháp này cũng đơn giản, trong thời gian chấp hành án, người chấp hành án chỉ cần đeo các thiết bị vào tay, chân. Từ thiết bị điện tử đó truyền về trung tâm quản lý dữ liệu của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và người ta giám sát được di, biến động của người đeo thiết bị điện tử đó. Và nếu người đeo thiết bị điện tử đó mà tháo thiết bị ra, hoặc cố ý phá hủy, làm mất tính năng, tác dụng của thiết bị điện tử đó, thiết bị đó cũng báo về trung tâm quản lý của cơ quan thi hành án hình sự. Từ đó, chúng ta có giải pháp để xử lý hành vi đó.

"Từ kinh nghiệm của những nước đi trước, hiện nay, chúng ta đang lập chính sách đánh giá tác động để đề nghị sửa đổi Luật. Chúng tôi cũng đang hướng đến ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số để thực hiện giám sát điện tử đối với những người chấp hành án tại cộng đồng. Tuy nhiên, thiết bị đeo tay, hay đeo chân, thiết bị cụ thể thế nào thì đang trong quá trình nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế. Dự kiến chúng ta sẽ có thể nghiên cứu, giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đấy, để chúng ta có thể đeo vào một bộ phận nào đó của cơ thể. Chủ yếu thế giới người ta đeo vào tay, chân, cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người chấp hành đó”, Đại tá Nguyễn Văn Thịnh cho biết.

Bước tiến quan trọng, cải cách mạnh mẽ hoạt động tư pháp theo hướng chuyển đổi số

Đồng quan điểm với Đại tá Nguyễn Văn Thịnh, Luật sư Nguyễn Văn Đồng,Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, việc bổ sung quy định về giám sát điện tử đối với người chấp hành án tại cộng đồng vào Luật Thi hành án hình sự bổ sung là rất cần thiết, phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 sau 5 năm ban hành cũng đã có những tác động tích cực trong lĩnh vực thi hành án hình sự, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi bổ sung, việc thi hành án phạt tù đã được thực hiện rất chặt chẽ, nhưng việc thi hành án ngoài cộng đồng như: thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế,… còn tồn tại nhiều hạn chế do việc quản lý các đối tượng thi hành án ngoài cộng đồng chủ yếu bằng hành chính, thủ công thông qua việc quản lý, giám sát của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, giám sát những người thi hành án hình sự ngoài cộng đồng. Do đó, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn; thậm chí có những người thi hành án treo, thi hành án cải tạo không giam giữ vi phạm nghĩa vụ, bỏ trốn, tiếp tục phạm tội mới, có hành vi nguy hiểm ngoài cộng đồng mà không áp dụng các biện pháp quản lý bằng thiết bị điện tử sẽ khó quản lý và phát hiện sớm.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội (Ảnh: KL)

Ví dụ tại khoản 3, Điều 87 Luật Thi hành án năm 2019 quy định nghĩa vụ của người thi hành án treo “Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc”. Và tại Điều 86 của Luật Thi hành án treo thì quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo nhưng thực tế còn tồn tại nhiều bất cập.

Vì vậy, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng đề xuất giải pháp “giám sát điện tử” đối với những người chấp hành án tại cộng đồng là rất cần thiết, phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số ở nước ta hiện nay. Thiết bị điện tử gắn cho đối tượng thi hành án ngoài cộng đồng sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý, theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc gắn thiết bị điện tử để quản lý các đối tượng thi hành án ngoài cộng đồng, các thiết bị được sử dụng có thể đeo tay hoặc đeo chân; khi gắn các thiết bị điện tử này lên người, thì sẽ truyền về trung tâm quản lý dữ liệu của cơ quan quản lý thi hành án hình sự và người ta giám sát được di biến động của người đeo thiết bị điện tử này.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, nếu thực hiện việc gắn thiết bị điện tử cho những người đang thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế,… sẽ là một bước tiến quan trọng, cải cách mạnh mẽ hoạt động tư pháp theo hướng chuyển đổi số,. Tuy nhiên để áp dụng các biện pháp này cần có hành lang pháp lý, vì vậy cần thiết đưa các quy định này vào dự thảo sử đổi Luật Thi hành án hình sự./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực