Với việc điều chỉnh các loại thuế, giá bán lẻ xăng, dầu trên cả nước giảm mạnh từ sáng ngày 11/7 vừa qua. Theo đó, giá xăng E5 A92 giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, còn 27.788 đồng/lít; giá xăng A95 giảm 3.088 đồng/lít, còn 29.675 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức 26.593 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít, xuống mức 26.345 đồng/lít. Đón nhận thông tin giá xăng dầu giảm sâu, nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào việc điều tiết giá xăng, dầu của Chính phủ.
|
Giá xăng, dầu giảm mạnh đã mang lại niềm vui cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Bùi Minh). |
Chị Nguyễn Thị Thủy ở phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình cho biết, đầu năm đến nay, giá xăng, dầu tăng liên tiếp đã đẩy chi phí sinh hoạt của gia đình tăng theo, nhất là tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Vì dù giá xăng chỉ tăng 500 đồng - 1.000 đồng/lít nhưng thực tế, giá cả các mặt hàng tiêu dùng sinh hoạt thường ngày đều tăng mạnh với lý do được người bán đưa ra là “do xăng tăng giá”. “Dù không kinh doanh nhưng tôi rất vui mỗi khi giá xăng, dầu giảm. Lần này giá xăng, dầu giảm mạnh, tôi thực sự hy vọng sẽ chặn đà tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thường ngày; khi giá xăng tăng từ hơn 26 nghìn đồng/lít lên gần 33 nghìn đồng/lít, chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình tôi đã tăng thêm hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Tôi hy vọng, xăng dầu giảm, mức giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sinh hoạt hàng ngày sẽ giảm, giúp người dân nâng cao chất lượng sống”, chị Thủy chia sẻ.
Thực tế, xăng dầu là nhiên liệu quan trọng ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó hoạt động của các doanh nghiệp vận tải luôn chịu những tác động lớn. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu tăng khiến doanh nghiệp vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều doanh nghiệp đã phải tăng giá cước để bù lại chi phí phát sinh do giá xăng dầu tăng cao. Vì vậy, xăng dầu giảm giá, không chỉ người dân phấn khởi mà các doanh nghiệp cũng giảm được gánh nặng, nhất là đối với các doanh nghiệp vận tải.
Bến xe khách Hòa Bình hiện có trên 10 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ hoạt động ra vào bến. Khi dịch COVID-19 bùng phát cùng giá xăng dầu tăng cao đã khiến nhiều đầu xe phải dừng hoạt động. Đợt này, giá xăng, dầu giảm mạnh, các nhà xe đều chung tâm trạng phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Thành, chủ một nhà xe chuyên tuyến Hòa Bình - Thái Bình bộc bạch, giá xăng dầu tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành vận tải. Nay giá xăng, dầu giảm mạnh nhờ Chính phủ giảm thuế môi trường nên người kinh doanh vận tải rất phấn khởi...
Đứng chờ đổ xăng tại một cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Hòa Bình), anh Nguyễn Văn Luân, một lái xe taxi chia sẻ, khi giá xăng bị đẩy lên cao, nhiều khi không dám nhận khách vì chi phí phát sinh quá nhiều; thậm chí một số lái xe taxi còn phân vân không biết có nên bám trụ với nghề hay không. “Đối với các tài xế như chúng tôi, giá xăng giảm mạnh đúng là một tin vui. Tôi mong rằng thời gian tới, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm để tiết kiệm chi phí, giảm bớt áp lực chi phí cuộc sống đối với người dân”, anh Nguyễn Văn Luân bày tỏ.
Không chỉ là mặt hàng thiết yếu, xăng dầu còn là nguyên liệu liên quan đến đầu vào của nhiều loại hàng hóa khác. Do vậy người dân Hòa Bình kỳ vọng giá việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu lần này không chỉ giúp giảm chi phí đi lại cho người dân mà giá một số mặt hàng tiêu dùng cũng sẽ giảm. Từ đó, góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, hầu hết người dân và doanh nghiệp ở Hòa Bình đều kỳ vọng việc ổn định giá xăng, dầu sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng tính toán, duy trì nhằm tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm chi phí bởi việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022.
Mong mỏi của người dân và doanh nghiệp đó là các cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh phương án giảm các loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT) đối với xăng dầu nhằm cắt giảm và ổn định giá xăng dầu ở mức kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau những hệ luỵ nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Đồng thời, rà soát, tính toán lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các đối tượng sử dụng xăng dầu.
Tiếp tục điều tiết, kiểm soát tốt giá xăng, dầu là cơ sở quan trọng để Chính phủ và các cơ quan chức năng đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Qua đó, vừa góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, vừa kích cầu tiêu dùng, đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại từng địa phương và trên phạm vi cả nước./.