Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng
Theo dõi sát sao vụ việc này mấy ngày qua, ông Trần Văn Hạnh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết, ông rất đồng tình với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng”.
“Tôi ngạc nhiên khi nhiều cá nhân chưa nắm đầy đủ thông tin, chỉ vì những lời lẽ kích động, rủ rê, thậm chí nhận 300 nghìn đồng/ngày để rồi có những hành động, việc làm không chuẩn mực nhân danh lòng yêu nước như: viết những dòng trạng thái, bình luận không đúng bản chất vấn đề trên mạng xã hội, tham gia tụ tập đông người, la hét gây mất trật tự công cộng... Rất nhiều người trong số đó đã bị lôi kéo, dẫn đến những hành động quá khích như: ném đá vào lực lượng chức năng, đốt phá tài sản nhà nước như ở Bình Thuận… Đó là những hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng và không thể biện bạch, lấy lý do là phản đối dự luật”.
Cũng theo ông Hạnh, cần phải tỉnh táo để phân tích, nếu mục đích chính của các cuộc tụ tập đông người là ngăn không thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, ngay từ sớm ngày 9/6, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội lùi thời gian thông qua dự án Luật. Như vậy, việc tụ tập đông người diễn ra các ngày sau đó nhằm mục đích gì? Có động cơ gì? Liệu có trong sáng không hay là ý đồ những phần tử phản động? “Những phần tử kích động biểu tình nhằm chống phá Nhà nước đứng sau các vụ bạo loạn, phá hoại cần phải nghiêm trị trước pháp luật”, ông Hạnh kiến nghị.
Hãy bày tỏ quan điểm một cách văn minh
Theo bà Phạm Thị Nhinh (quận Đống Đa, TP. Hà Nội), trước những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, sự phát triển của quốc gia, chủ quyền của dân tộc mà nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân thì đó là điều đáng mừng. Dân trí ngày càng cao, đời sống ngày càng được cải thiện nên thông tin đến với người dân cũng phong phú, đa chiều hơn.
Dẫn Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, bà Nhinh cho rằng, việc người dân thể hiện chính kiến thậm chí là thể hiện bức xúc cũng là điều bình thường nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi người dân lựa chọn thể hiện thái độ ở chỗ đông người thì phải thật sự bình tĩnh, bày tỏ một cách văn minh tránh ồn ào, mất trật tự.
Theo bà Nhinh, có nhiều hình thức để đóng góp ý kiến, bày tỏ chính kiến thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm với dân tộc chứ không nhất thiết là tụ tập đông người, có những hành động quá khích. “Việc Chính phủ, Quốc hội lắng nghe các ý kiến phản biện của nhân dân, của chuyên gia và các lực lượng xã hội đã cho thấy, các ý kiến xác đáng đã tới được đúng địa chỉ, được tiếp thu và có tác dụng thực sự. Tôi rất buồn khi thấy các cuộc tụ tập đông người, có hành vi quá khích, gây mất trật tự ở một số địa phương vừa qua có sự xuất hiện của một số bạn trẻ. Tôi mong các bạn hãy thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt, phù hợp với quy định của pháp luật. Các bạn hãy nỗ lực học tập, lao động, làm giàu cho bản thân, cho đất nước và tin rằng Quốc hội, Chính phủ luôn có những quyết sách đúng đắn, hài hòa giữa phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia, không nên nghe theo những lời xúi giục làm ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày”, bà Nhinh nói.
Những hành động quá khích là vi phạm pháp luật, gây hậu quả về kinh tế, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia
Theo ông Nguyễn Văn Khải (Bảo Lộc, Lâm Đồng), việc người dân tụ tập đông người dẫn đến tắc đường khiến nhiều người bị lỡ chuyến bay, nhiều máy bay cất cánh trong tình trạng có nhiều ghế trống đã làm dang dở nhiều kế hoạch cá nhân, đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân. “Vài triệu đồng để mua một tấm vé là số tiền mà những người công nhân như tôi phải tiết kiệm chi tiêu trong vài tháng”, ông Khải bày tỏ.
“Xem những clip ghi lại cảnh đập phá xe cộ của lực lượng chức năng, đốt phá tài sản của cơ quan công quyền, tôi thấy sợ hãi khi rất có thể một ngày nào đó, những doanh nghiệp tư nhân như nơi tôi đang làm việc cũng sẽ chịu cảnh tương tự dẫn đến nợ nần, tán gia bại sản, người lao động bỗng dưng rơi vào cảnh thất nghiệp, không có việc làm vì những lý do không chính đáng.
Đất nước đang kêu gọi các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới chọn Việt Nam là “điểm đến an toàn”. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến công du nước ngoài cũng rất chú trọng xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam. Vì vậy, nếu chúng ta không đảm bảo được ổn định, duy trì được trật tự thì hậu quả thật khôn lường, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đất nước.
Nhìn nhận từ góc độ pháp luật, luật sư Phạm Thanh Sơn, Văn phòng luật sư Nam Hà Nội cho biết, những cá nhân có hành vi đập phá trụ sở, đốt phá xe cộ của lực lượng chức năng… như ở Bình Thuận đã vi phạm Bộ luật Hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tùy theo mức độ sai phạm của từng cá nhân sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật.
Luật sư Sơn cũng kiến nghị, đối với những dự luật đặc biệt như dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần tăng cường phản biện, tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân để tạo được sự đồng thuận.