Nhiều ý kiến xung quanh việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành Y

Thứ năm, 01/06/2023 17:54
(ĐCSVN) - Việc một số trường đại học quyết định đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành Y đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Sản phẩm đào tạo của ngành Y là những y, bác sĩ trực tiếp thăm khám, chăm sóc sức khỏe, cứu chữa người bệnh. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành Y khoa cũng chứa đựng những yếu tố tích cực song cần có sự nghiên cứu, cân nhắc và có lộ trình cụ thể.

Trong mùa tuyển sinh đại học 2023, có 4 trường đại học tư thục đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành Y khoa. Cụ thể, Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh ngành Y khoa bằng bốn tổ hợp xét tuyển, trong đó có tổ hợp Văn - Hóa - Tiếng Anh. Trường Đại học Tân Tạo và Trường Đại học Võ Trường Toản xét tuyển tổ hợp Toán - Sinh - Văn cho ngành Y. Trường Đại học Duy Tân xét tuyển ngành Y bằng tổ hợp Toán - Văn - Khoa học Tự nhiên.

Thực tế đang có khá nhiều ý kiến khác nhau quanh việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành Y khoa. Theo GS, TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong cuộc sống, bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, kê đơn mà còn bằng cả cái tâm và nhân cách của người thầy thuốc. “Văn là người", vì vậy văn học là một yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách, nên cái tâm của người thầy thuốc. Các tác phẩm văn học mang đến cho bác sĩ một nhân sinh quan toàn diện về con người, về các trạng thái tình cảm và tâm lý phức tạp của con người. Điều này giúp bác sĩ phát triển tư duy nhân văn, tăng cường khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người bệnh, giúp bác sĩ có thể điều trị cá thể hóa người bệnh”, GS, TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ thêm. 

 GS, TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thế Công.

Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Phạm Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành Y khoa cũng chứa đựng những yếu tố tích cực vì môn Văn sẽ làm cho con người sống nhân văn hơn, giúp đào tạo đội ngũ sinh viên ngành Y một cách toàn diện hơn. Kiến thức môn Văn là cơ sở để sinh viên giao tiếp tốt hơn, hướng sinh viên sống nhân văn hơn. Ngữ Văn cũng là một môn học cần thiết đối với người làm ngành y. “Học y là học cứu người. Một bác sĩ giỏi, bên cạnh việc có kiến thức y khoa dày dặn, cần phải có lòng yêu con người. Chính môn Ngữ văn truyền cho sinh viên y khoa tình yêu con người, để sau này hành nghề cũng phải đặt tình người lên trước hết. Nghề Y vốn rất cần những điều này. Song, đào tạo sinh viên ngành Y là một lĩnh cực có tính đặc thù cao. Vì vậy, việc xây dựng tổ hợp xét tuyển, lựa chọn môn xét tuyển cần đảm bảo yêu cầu chuyên môn; các môn xét tuyển vừa là cơ sở để các em sinh viên tiếp thu, làm chủ các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, vừa giúp các em xây dựng, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng Y đức.

Cũng liên quan đến việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành Y khoa, trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội (đoàn Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương bày tỏ, nếu nói về sự quan trọng thì môn Ngữ văn rất quan trọng đối với ngành Y. Cũng không nên áp đặt chỉ môn khoa học tự nhiên mới có năng lực tư duy logic, quan niệm như thế là chưa chính xác. Tuy nhiên, theo tôi, không thể đưa môn này vào xét tuyển ngành Y tùy tiện. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có chuyên môn.

 Việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành Y đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Ảnh: dainam.edu.

Ở góc nhìn khác, PGS Lê Đình Tùng (Trường Đại học Y Hà Nội) cho rằng, một số trường đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ĐH ngành Y khoa là muốn học theo cách tuyển sinh của các nước có nền đào tạo Y khoa phát triển, nhưng việc học theo này mới chỉ dừng ở mức độ “nửa vời”, khiến cho căn cứ tuyển sinh Y khoa bị lệch lạc, từ đó dẫn tới nguy cơ chất lượng đào tạo không đảm bảo. “Trên thế giới, các trường đào tạo Y khoa của các nước phát triển (trừ Pháp) thường sử dụng kết quả kỳ thi UCAT và BMAT, MCAT để tuyển sinh. Trong các kỳ thi này thường có một bài thi bắt buộc về ngôn ngữ được thiết kế riêng phù hợp với đòi hỏi của ngành Y, chứ không căn cứ trên điểm môn Ngữ văn, vì họ yêu cầu bác sĩ có khả năng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh”, PGS Lê Đình Tùng phân tích thêm.

Thực tế, Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Do đó, việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển khối ngành Y là quyền của một số trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, trong những năm vừa qua, hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đều sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lý), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lý, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh)... Toán, Hóa, Sinh, Lý là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe. Vì vậy, việc thay đổi tổ hợp hoặc thay đổi môn thi trong từng tổ hợp cần có sự cân nhắc, xem xét đầy đủ, toàn diện và có lộ trình cụ thể. 

Sản phẩm đào tạo của ngành Y là những y, bác sĩ trực tiếp thăm khám, chăm sóc sức khỏe, cứu chữa người bệnh. Do đó, dư luận xã hội quan tâm đến việc việc một số trường đại học quyết định đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành Y cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Song, cần nhận thấy, 4 trường đại học tư thục đưa môn này vào xét tuyển đối với ngành Y khoa chỉ là số lượng rất nhỏ trong tổng số 27 trường đại học đào tạo ngành Y khoa ở nước ta. Trong mùa tuyển sinh đại học 2023, các trường đại học công lập có đào tạo ngành Y,  các trường ĐH Y vẫn giữ nguyên các tổ hợp xét tuyển với các môn xét tuyển chủ yếu là Toán, Hóa, Sinh, Lý.

Thiết nghĩ, việc có nên đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành Y khoa nên chăng cần được xem xét, nghiên cứu kỹ trên cơ sở ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có chuyên môn; từ đó các trường đưa ra những quyết định phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong công tác giáo dục - đào tạo nói chung và ngành Y nói riêng. Việc xác định tổ hợp xét tuyển, môn xét tuyển sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chính uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo của các trường đại học. Do đó, các cơ sở đào tạo cũng cần đưa ra căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết, lý do phải đưa môn học nào vào xét tuyển theo tổ hợp và chịu trách nhiệm trước người học, trước xã hội về quyết định của mình.

Chia sẻ về vấn đề này, theo đồng chí Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: Thời gian tới, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực