Phát huy công năng cây cầu và tăng mỹ quan cho Thủ đô​

Chủ nhật, 06/03/2022 15:54
(ĐCSVN) - Sau khi tổ chức thi tuyển, đơn vị tổ chức phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng (Hà Nội) đã chọn được những tác phẩm nổi trội nhất để giới thiệu đến công chúng. Chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến từ người dân Thủ đô.​
 Người dân tham quan các phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo tại triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Đắc Huy)

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, ở phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Tôi đã theo dõi quá trình thi tuyển về phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo từ cuối năm 2021. Trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng, từ 20 phương án kiến trúc, đối chiếu với các tiêu chí khắt khe, đơn vị tổ chức đã cân nhắc lựa ra được 3 phương án kiến trúc, có thể thấy đây đều là các bản thiết kế xuất sắc, đạt độ hoàn hảo và có tính khả dụng thực tế cao.

Tôi thấy ở phương án thiết kết đạt giải Nhất, thiết kế cầu Trần Hưng Đạo được thiết kế tổng thể hoàn chỉnh nhất; từ kết cấu chịu lực, phân bổ nhịp cho đến các hạng mục công năng, trang trí đều được thiết kế rất tinh tế, khoa học, mềm mại, tự nhiên. Cây cầu được đặt tên “Infinity Hanoi”, mang ý nghĩa "Hà Nội không giới hạn" – ngay cái tên cầu tôi thấy rất hay, nó mang ý nghĩa rộng mở, thậm chí hơi hướng sinh thái hài hòa giữa con người với tự nhiên... Được biết, thiết kế kiến trúc này đã được nhóm tác giả công trình lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa một Hà Nội cổ kính và Hà Nội hiện đại hai bên bờ sông Hồng thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối vô tận. Ý nghĩa rất hay này nó giúp mỗi người dân chúng tôi liên tưởng đến một dòng sông Hồng lịch sử thăng trầm của dân tộc, nó trường tồn, chảy mải miết vô tận tự quá khứ tới tương lai…

Có thể thấy mỗi phương án kiến trúc đưa ra đều có ưu nhược điểm riêng, độc đáo khác biệt, tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, tôi thấy phương án kiến trúc giải Nhất là có tính ưu việt và hoàn hảo nhất. Sự lựa chọn của giám khảo và đặt cho giải Nhất là trùng với sự đánh giá của cá nhân tôi. “Nhìn tổng thể theo phương án án giải Nhất, cây cầu có tính hoàn thiện cao hơn cả, nếu có thể đơn vị tổ chức nên xem xét ứng dụng các ưu điểm của các phương án kiến trúc cầu còn lại bổ trợ cho phương án giải Nhất nhằm tối ưu hơn cho thiết kế mà không lãng phí những ý tưởng sáng tạo có giá trị của các phương án còn lại” – ông Lâm góp ý kiến.

 Đồ họa thiết kế phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đạt giải Nhất. (Ảnh: Đơn vị tổ chức) 

Chị Đào Thu Phương, ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: Qua tìm hiểu quy hoạch tôi được biết, cây cầu mới này nằm ở khu vực phần lõi thủ đô, thuộc các quận trung tâm, nên cầu Trần Hưng Đạo là một trong những cây cầu huyết mạch, nếu được xây dựng lên có thể sẽ hình thành lên một trung tâm của Hà Nội mới, kết nối phố cổ với các khu vực mới đang phát triển sôi động ở phía Đông và một phần phía Bắc Thủ đô. Hơn nữa, là cây cầu kết nối với phố cổ Hà Nội, do đó nó phải mang dấu ấn giá trị lịch sử về thời gian, vừa phát huy công năng cây cầu vừa tăng mỹ quan cho Thủ đô.

Theo thuyết minh của đơn vị thiết kế phương án kiến trúc đạt giải Nhất, cầu Trần Hưng Đạo nối liền hai bờ sông Hồng với mục tiêu tối ưu hoá giao thông của thành phố Hà Nội, đặc biệt là khu vực phía ngã năm đầu đường Trần Hưng Đạo. Phương án kết nối đầu cầu vừa đảm bảo giao thông tiếp cận và xuống cầu từ mọi hướng, phù hợp với tương lai phát triển hai bờ sông Hồng đồng thời giảm thiểu tối đa giải phóng mặt bằng phía nội đô trong đê. “Thậm chí thiết kết còn để ý đến cả tiểu tiết tích hợp làn dành riêng cho người đi bộ và xe đạp để người dân và khách du lịch dễ dàng tiếp cận và chiêm ngưỡng cảnh quan, cây cầu được thiết kế cùng với cảnh quan ở đầu Thạch Cầu (Long Biên) thành một thể thống nhất hứa hẹn sẽ tạo ra một vùng không gian thư giãn cho người dân Thủ đô và điểm đến lý tưởng cho khách du lịch…tôi đánh giá rất cao điểm này của phương án thiết kế giải Nhất” – chị Phương nói.

 Chị Đào Thu Phương

Bà Phạm Thị Hiền, ở phố Thạch Cầu, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: Tôi theo dõi sự kiện này qua 2 tháng tổ chức thi tuyển, đơn vị tổ chức phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đã chọn được những tác phẩm nổi trội nhất để giới thiệu đến công chúng. Được biết, từ đầu tháng 3/2022, Ban quản lý dự án giao thông Hà Nội đã tổ chức trưng bày 3 phương án thiết kế đoạt giải và một phương án được đề xuất bởi Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải tại nhà triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để lấy ý kiến cộng đồng làm cơ sở để UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định. Tôi thấy đây là việc làm thiết thực, bởi những ý kiến khách quan của người dân đóng vai trò khá quan trọng trước khi phương án thiết kế cây cầu được áp dụng vào thực tế.

Qua tìm hiểu các phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo, tôi thấy phương án nào cũng hay. Ví dụ như giải Nhì kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo với ý tưởng "Hào khí Đông A, hào khí rồng thiêng" với kiến trúc cầu là vòm thép, kết cấu mố trụ bê tông cốt thép vĩnh cửu được thiết kế khá mềm mại, thanh thoát. Phần lan can cầu 2 lớp còn có khả năng che chắn mưa gió cho người đi xe mô tô trong mùa mưa bão. Hay thiết kế cầu đoạt giải Ba có thiết kế khá công phu với 5 cột tháp treo cao khoảng 55m so với cao độ gốc. Các hàng cột trụ được tạo thành bởi một chữ V với mặt trong là hình Parabol được hạ thấp xuống cao độ khoảng 2,5m so với mặt nước và chạy xuyên xuống phía dưới lòng đường. Ban đêm, bên trong các lô mở hình Parabol sẽ được chiếu sáng làm nổi bật hình dáng kết cấu như một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Hệ thống đèn RGBW, nhiều màu, cho phép chiếu sáng theo nhiều kịch bản…

Tuy nhiên, bản thiết kế ở giải Nhất đã thực sự thuyết phục tôi bởi nó gợi nên sự giao thoa của các con sóng, con sóng của lịch sử, con sóng của không gian Hà Nội, và con sóng nhiệt huyết trong mỗi trái tim người Hà Nội; giữa mênh mang sông nước gợi mở một một “Hà Nội không giới hạn”. Phương án kiến trúc gợi mở hình tượng về “kết nối” và “cộng hưởng" của 2 bên bờ sông để tạo ra một Hà Nội thịnh vượng vĩnh cửu. Sự kết nối và cộng hưởng của hai con sóng, một từ “Phố cổ Hà Nội", một từ “quận Long Biên” sẽ tạo ra hình tượng “không giới hạn” hàm ý cho sự thịnh vượng, phát triển không ngừng…Ngoài ra, sự đan xen của những vòm cầu lớp lớp cũng làm liên tưởng hình ảnh của sự kết nối, tính kế thừa, tập hợp các sức mạnh để làm lên sự nghiệp của Thủ đô nghìn năm văn hiến – trái tim đất nước…

Theo quy hoạch tổng quan, cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy. Phía nam cầu kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (Quốc lộ 5A).

Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận. Chiều dài tuyến (gồm cầu và đường dẫn hai đầu) khoảng 5,5 km qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Công trình vĩnh cửu, quy mô tối thiểu từ 4 đến 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng…

Tuấn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực