Phú Yên: Sớm có biện pháp chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm kênh mương nội đồng

Thứ hai, 07/05/2018 10:27
(ĐCSVN) - Thực trạng xâm lấn, xây dựng các công trình kiên cố trên kênh mương dẫn nước thủy lợi đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Phú Yên. Việc làm này sẽ thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến việc nạo vét, duy tu sửa chữa… gây thiếu nước sản xuất lúa của bà con nông dân.
Người dân xây dựng các công trình kiên cố trái phép trên kênh mương. (Ảnh: DD)

Lúa vụ đông xuân 2017 - 2018 của tỉnh Phú Yên đang giai đoạn thu hoạch. Đây cũng là thời điểm đơn vị vận hành khai thác các công trình thủy lợi đóng nước để phục vụ cho việc nạo vét, sửa chữa kênh mương, đảm bảo cấp nước chống hạn trong vụ hè thu tới. Tuy nhiên, tại rất nhiều vị trí, điển hình như kênh N2, thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, hành lang an toàn kênh và toàn bộ mặt kênh đều bị người dân lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà ở kiên cố… Việc xây dựng này khiến lòng kênh bị thu hẹp đến 0,5 m và cạn dần so với hiện trạng ban đầu.

Ông Trần Văn Lý, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: Nói chung ai cũng biết việc làm của mình là sai nhưng vì khu vực này gần chợ nên rất cần mặt tiền để buôn bán, chính vì vậy buộc họ phải xây dựng các công trình trên kênh để mở rộng mặt bằng. Thấy người này làm được thì người kia cũng làm theo, cuối cùng 1 đoạn kênh dài hơn 200m này ai cũng xây dựng cầu, đường kiên cố cả.

Tương tự tình trạng lấn chiếm tại kênh N2, kênh Tân Mỹ đi qua địa bàn xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa cũng bị 22 hộ dân lấn chiếm đất hành lang an toàn kênh. Sau nhiều lần tích cực vận động, có 12 hộ tháo dỡ tường rào, trả lại nguyên trạng. Những hộ còn lại nếu không chấp hành các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.

Ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ địa chính và xây dựng xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa cho biết, chính quyền địa phương thông qua các đoàn thể xã hội đã vận động và thuyết phục được một số hộ dân tự tháo dỡ. Nếu vận động không được, chúng tôi mới tính đến các biện pháp xử phạt hành chính hay cưỡng chế vì hệ thống kênh này có vai trò rất lớn trong tưới tiêu cho diện tích lúa của xã. 

Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam được giao quản lý 74 tuyến kênh với tổng chiều dài gần 400 km. Nhiều năm qua, hầu như tuyến kênh nào cũng bị lấn chiếm và xả rác thải làm bồi lấp, cản trở dòng chảy lòng kênh nghiêm trọng. Điều đáng nói là mặc dù đơn vị này đã lập tới 754 biên bản vi phạm, giao cho chính quyền địa phương xử lý, thế nhưng các địa phương chưa thật sự ra tay quyết liệt, thậm chí thiếu trách nhiệm, để thực trạng này tồn tại thời gian dài và ngày càng diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam nói: Với tình trạng lấn chiếm như vậy nhưng hiện tại người dân vi phạm chỉ lập văn bản chứ không xử phạt được vì đây là quy định. Chúng tôi đã kiến nghị địa phương cần “mạnh tay” trong vấn đề này, nhưng nhiều địa phương không quyết liệt ngăn chặn, còn né tránh, ỷ lại cho công ty. 

Ngoài vấn đề lấn chiếm kênh mương, thì hiện tại do ý thức của người dân chưa cao nên tình trạng xả rác thải, xác gia súc, gia cầm chết xuống kênh cũng là một vấn nạn đáng lo ngại.

“Trong thời gian tới Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam sẽ kiến nghị, đối với các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc gia cố, bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công ty rà soát, thiết lập hồ sơ vi phạm, xây dựng kế hoạch tập trung giải tỏa, phân loại và đề xuất biện pháp xử lý, không để phát sinh vi phạm mới và tái vi phạm.

Kiến nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ công trình thủy lợi; thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức lực lượng thanh tra chuyên ngành thường xuyên thanh, kiểm tra và có biện pháp xử phạt nghiêm các vi phạm…” ông Nguyễn Minh Huệ thông tin./.

Duyên Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực