Quan điểm của người dân về quản lý, sử dụng pháo hoa

Chủ nhật, 09/06/2024 18:54
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Bạn đọc cho rằng, việc đốt pháo hoa đem lại rất nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần cho người dân trong các dịp lễ hội và ngày Tết cổ truyền. Nó là giá trị văn hóa, là nét đẹp tinh thần nên giữ lại. Việc cho phép người dân được đốt pháo hoa trong khuôn khổ quy định như hiện nay là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc mua bán, sử dụng pháo hoa trái phép.
(Ảnh minh họa) 

Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) ngày 6/3 vừa qua, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã gây chú ý khi đề nghị dừng việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán vì việc này không mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn đe dọa đến an toàn cháy nổ.

Về nội dung đề xuất của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc, trong tuần qua Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được một số phản hồi từ phía bạn đọc bày tỏ quan điểm về việc nên hay không nên cho người dân chơi pháo hoa.

Pháo hoa là một nét đẹp văn hóa của Việt Nam

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nhâm, 84 tuổi nguyên là cán bộ của Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) khi nói về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của việc sử dụng pháo hoa của người dân Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Nhâm, pháo hoa là một loại hình nghệ thuật biểu diễn phổ biến trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, pháo hoa có lịch sử lâu đời và mang nhiều ý nghĩa văn hóa.

Kể từ khi du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 7, pháo hoa được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, sau đó dần dần được sử dụng trong các dịp lễ hội dân gian như lễ hội đình làng, lễ hội chùa chiền. Pháo hoa được đốt lên để chào mừng năm mới, cầu mong bình an, may mắn cho gia đình và cộng đồng.

Pháo hoa trong văn hóa Việt Nam mang nhiều ý nghĩa như: Pháo hoa là biểu tượng của sự vui tươi, hạnh phúc, may mắn. Pháo hoa được đốt lên để cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng; Pháo hoa là một loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo. Những màn trình diễn pháo hoa đẹp mắt, rực rỡ mang đến cho người xem những cảm xúc thăng hoa; Pháo hoa được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo để xua đuổi tà ma, cầu mong bình an, may mắn.

Ngày nay, pháo hoa không chỉ được sử dụng trong các dịp lễ hội truyền thống mà còn được sử dụng trong các sự kiện văn hóa, thể thao, kinh tế lớn. Pháo hoa góp phần tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt cho các sự kiện này.

 “Với lịch sử lâu đời và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, pháo hoa là một nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Pháo hoa luôn là một phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng của đất nước. Thậm chí, một số lễ hội pháo hoa quốc tế như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã được tổ chức nhiều năm nay, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thu hút khách du lịch, kết nối con người, góp phần cùng nhân loại làm cho thế giới ngày càng gần nhau hơn. Không những thế, việc sản xuất và tiêu thụ tiêu thụ pháo hoa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cho đất nước. Nhiều năm qua, các loại pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất không những đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang một số thị trường khó tính Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Quy định về sản xuất, quản lý, sử dụng pháo nổ đã được luật hóa để quản lý

 Pháo hoa do Nhà máy Z121 (Bộ Quốc phòng) sử dụng an toàn hơn, có độ cao, âm thanh phải đạt theo Thông tư 125 ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 04:2021/BCA (Ảnh: Việt Hà)

Chia sẻ quan điểm của mình trước đề xuất bỏ quy định cho phép đốt pháo hoa, pháo nổ trong dịp lễ Tết của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, xoay quanh việc sửa đổi dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đề xuất bỏ quy định cho phép đốt pháo hoa, pháo nổ trong dịp lễ Tết của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc không hề mới bởi nó đã được đưa ra để mổ xẻ, chất vấn, thảo luận ở nhiều diễn đàn cả một thời kỳ dài nhưng cuối cùng việc cấm đoán dường như chưa đạt hiệu quả bởi trong nhiều năm qua, người dân vẫn tìm cách đốt pháo.

Kể từ khi Chỉ thị 406- TTg Về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo vào tháng 8 năm 1994 được ban hành, chúng ta đã thực hiện tốt Chỉ thị 406 cùng các quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ. Tuy nhiên những năm gần đây, tại một số địa phương, trong đó có cả Hà Nội đã xuất hiện hành vi buôn bán, đốt pháo nổ. Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật nói trên, việc ban hành Nghị định 137/2020 cũng có thể coi như sự nhắc nhở các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm, tránh tình trạng coi thường luật pháp, cũng là để người dân có thêm ý thức về việc thực hiện quy định cho phép đốt pháo hoa dịp Tết đến Xuân về cũng như các sự kiện đặc biệt của gia đình, họ tộc, cơ quan, đơn vị…

Hiện nay pháp luật vẫn đang cấm pháo hoa, pháo nổ… nhưng là pháo nhập lậu, không do Bộ Quốc phòng sản xuất. Pháo hoa của Bộ Quốc phòng được sản xuất duy nhất tại Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) - đơn vị duy nhất tại Việt Nam hiện nay được phép sản xuất, cung ứng sản phẩm pháo hoa. Việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ pháo hoa của Nhà máy Z121 tuân thủ nghiêm ngặt và chặt chẽ các quy định của pháp luật, quy định tại Nghị định 137 năm 2020 của Chính phủ và mới sửa đổi, bổ sung năm 2023. Loại pháo hoa do Nhà máy Z121 sản xuất không có tiếng nổ chỉ là loại pháo tạo ra hiệu ứng ánh sáng màu sắc và độ cao thấp, an toàn cho người dùng và ít gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra tại Điều 11 Nghị định 137 năm 2020 của Chính phủ và mới sửa đổi, bổ sung năm 2023 vẫn quy định những sự kiện được sử dụng “pháo hoa nổ” như dịp Tết nguyên đán, Ngày Quốc khánh, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4; kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các quy định về sản xuất, quản lý, sử dụng pháo nổ đã được luật hóa để quản lý.

Cho rằng, việc đốt pháo được coi như một món ăn tinh thần của người dân Việt Nam và người dân trên khắp thế giới, thậm chí nó xuất phát từ văn hóa truyền thống, Luật sư Nguyễn Văn Đồng tán thành duy trì việc sử dụng pháo nổ của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, để người dân sử dụng pháo an toàn, tránh vi phạm pháp luật, các cơ quan hữu quan phải quản lý chặt và xử lý nghiêm đối với các hành vi trà trộn nhập lậu pháo không phải do Bộ Quốc phòng sản xuất. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có thể phân biệt được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Còn nếu cấm một cách cứng nhắc (cấm triệt để) thì sẽ không khả thi, vì có giai đoạn cấm đoán nhưng người dân vẫn tìm cách đốt pháo do hành vi đốt pháo xuất phát từ “nhu cầu”, nhu cầu này xuất phát từ văn hóa, nó như món ăn tinh thần mỗi dịp lễ tết, hội hè… nên việc cấm là cực đoan, nên cho sử dụng nhưng quản lý chặt về nguồn gốc pháo được phép sử dụng.

Đồng quan điểm với Luật sư Nguyễn Văn Đồng, ông Nguyễn Nhâm cho rằng, không nên đề nghị dừng việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán. Thay vào đó, nên đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo phải chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa. Khuyến nghị người dân sử dụng pháo hoa tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tuân thủ các quy định của pháp luật. Kiểm soát, ngăn chặn việc mua bán, sử dụng pháo hoa trái phép. Cơ sở sản xuất cần chú trọng đến chất lượng và giá cả, mở rộng hệ thống bán hàng trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, hỗ trợ người dân tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không phải do Nhà máy sản xuất, cũng như ngăn chặn tình trạng làm nhái, làm giả sản phẩm.

Ông Nguyễn Nhâm (nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) (Ảnh: KL)

Hợp pháp hóa và quản lý chặt chẽ việc sử dụng pháo hoa

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp cho biết: Tại Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP giải thích rõ ràng về hai khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ.

Theo đó, pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kinh trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.

Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Hiện nay pháo hoa người dân được sử dụng khác với pháo nổ, pháo hoa nổ. Loại pháo hoa người dân được sử dụng an toàn hơn, có độ cao, âm thanh phải đạt theo Thông tư 125 ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 04:2021/BCA ban hành ngày 30/12/2021. Theo đó, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được mua và sử dụng pháo hoa thông qua các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Theo Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, việc sản xuất, kinh doanh pháo hoa đã được quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy. Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Do vậy, các tổ chức, doanh nghiệp không thuộc Bộ Quốc phòng và các cá nhân kinh doanh pháo hoa là vi phạm quy định của pháp luật; người dân tuyệt đối không được mua pháo của các cơ quan, tổ chức không được phép kinh doanh, các cá nhân hoặc trên các trang mạng xã hội, pháo lậu, pháo không hóa đơn, không nguồn gốc, xuất xứ.

Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp (Ảnh: KL) 

Bày tỏ quan điểm về việc nên hay không nên cho người dân chơi pháo hoa, bạn đọc Phạm Văn Chiến (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho phép người dân sử dụng pháo hoa. Tại Anh và nhiều nước châu Âu, nhà chức trách không đặt vấn đề "cấm" hay "không cấm" pháo hoa. Thay vào đó, họ chia pháo hoa ra thành nhiều loại và phân định rõ từng loại phù hợp với từng lứa tuổi để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Còn ở Việt Nam, Nghị định 137/2020 ra đời cho thấy quan niệm về pháo hoa đã qua thời "không quản được thì cấm". Theo đó, Chính phủ cho phép người dân thụ hưởng mặt hàng này một cách "có điều kiện", đơn cử như chỉ được mua mặt hàng này từ đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; tiếng ồn của pháo không được quá 120dB; chỉ được sử dụng trong các dịp Tết, lễ kỷ niệm, sinh nhật... Sau 4 năm kể từ khi Nghị định 137/2020, việc cho người dân sử dụng các sản phẩm pháo hoa của Bộ Quốc phòng luôn an toàn và không phát sinh nguy hiểm.

Bạn đọc Phạm Văn Chiến cho biết, hiện nay có nhiều loại pháo hoa lậu nhập từ Thái Lan, Trung quốc về. Các loại này bắt chước mẫu pháo hoa của Bộ Quốc phòng nhưng vi phạm về tiếng nổ và bắn tầm cao hơn. Việc cấm chỉ làm cho việc vận chuyển và buôn bán pháo lậu ngày càng tinh vi hơn thôi. Lâu nay vẫn còn nhiều vụ thương tích nặng do sử dụng pháo lậu không an toàn, nên hợp pháp hóa việc sử dụng và quản lý chặt chẽ hơn là cấm./.

 

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực