Quyết định kịp thời và phù hợp

Thứ sáu, 22/07/2022 00:02
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Lịch sử gắn liền với nguồn cội văn hóa của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài tồn tại, phát triển của mỗi đất nước, một quốc gia. Việc đưa môn Lịch sử chuyển thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là quyết định kịp thời và phù hợp. Quyết định này cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng dạy, học môn Lịch sử; góp phần tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT. Theo đó, môn Lịch sử sẽ được chuyển thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời, để kịp thời triển khai thực hiện trong năm học 2022 - 2023 ở lớp 10 cấp THPT, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy bắt buộc cho tất cả học sinh. Động thái trên thể hiện rõ tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến phản biện xã hội và được dư luận đánh giá cao. Các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo và đông đảo học sinh đều thể hiện sự tin tưởng cũng như niềm vui đối với chủ trương đúng đắn này.

Dư luận đánh giá cao việc môn Lịch sử được chuyển thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh minh họa)

Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Quách Thắng Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Quyết định của Bộ GD&ĐT là rất kịp thời, phù hợp. Lịch sử và đặc biệt là lịch sử dân tộc Việt Nam cần được lưu giữ và trường tồn qua lớp lớp các thế hệ. Việc học tốt môn Lịch sử sẽ giúp cho các em có kiến thức toàn diện, có cách nhìn đầy đủ và phong phú hơn về sự vật hiện tượng, giúp các em trưởng thành hơn trong nhận thức và hành động; bồi dưỡng động cơ giúp các em nỗ lực cố gắng học tập rèn luyện để xứng đáng hơn với truyền thống của dân tộc, của quê hương. Với tinh thần đó, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã thường xuyên lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục truyền thống, nêu cao ý thức học tập môn Lịch sử của học sinh. Thông qua các hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn, hoạt động tôn tạo, thăm quan khu di tích Bác Hồ về thăm Nhà trường. Nhà trường luôn được đánh giá cao trong công tác giảng dạy, đặc biệt ở các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Lịch sử”.

 Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Quách Thắng Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình. Ảnh: KC.

Là giáo viên có nhiều năm gắn bó với môn Lịch sử, thầy giáo Trần Trung Hiếu, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Việc môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc chính là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học môn học Lịch sử. Theo đó, mỗi giáo viên cần có sự thay đổi về phương pháp, về kỹ năng, cách tiếp cận vấn đề, cách giải quyết vấn đề.... để một mặt nâng cao trình độ sư phạm, khả năng giảng dạy của giáo viên và một mặt bồi dưỡng tinh thần học tập của học sinh. 

Có thể thấy, lịch sử gắn liền với nguồn cội văn hóa của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài tồn tại, phát triển của mỗi đất nước, một quốc gia. Lịch sử không chỉ có ý nghĩa đối với việc giáo dục thế hệ trẻ mà còn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, khẳng định vị thế con người Việt Nam trên Thế giới. Việc chú trọng và tăng cường giáo dục lịch sử là điều cần thiết đối với mỗi học sinh hiện nay, để các em không lãng quên lịch sử cũng như tạo nên sợi dây kết nối giữa quá khứ và tương lai, giúp cho học sinh hiểu được giá trị của hòa bình và bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi học sinh. Tuy nhiên, để môn Lịch sử được học sinh yêu thích thì cần phải có phương pháp truyền thụ phù hợp, khả năng tích hợp trong giảng dạy để phát huy trí liên tưởng, tưởng tượng của học viên để kiến thức không còn khô khan, nhàm chán

Em Bùi Phương Loan. Ảnh: KC.

Tiếp cận từ góc độ người học, em Bùi Phương Loan, học sinh lớp 12B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Trước hết, Lịch sử là một môn học có tính tư duy cao, nó giúp cho chúng em có khả năng ghi nhớ, tái hiện và xâu chuỗi nhiều nội dung, kiến thức. Từ đó, tạo nên sự logic, chặt chẽ trong quá trình lĩnh hội tri thức khoa học xã hội. Mặt khác, trong xã hội hiện đại như ngày nay, với sự giao thoa của nhiều luồng văn hóa, tư tưởng, việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ càng có ý nghĩa quan trọng; góp phần bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.

Từng đạt 9,5 điểm môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2021, bạn Nguyễn Lê Minh Đức, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Tôi cho rằng, quyết định đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc rất phù hợp với mong muốn của số đông mọi người. Lịch sử là hệ thống kiến thức toàn diện và phong phú, nó phản ánh những nét đặc trưng của một quốc gia, dân tộc, cũng như khắc họa những trận chiến đấu oai hùng trong lịch sử, điều đó không những giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc, mà còn ý nghĩa trong việc bồi dưỡng ý chí, khơi dậy quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu vì một nước Việt Nam hùng cường, phát triển”.

Môn Lịch sử chuyển thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với mong muốn của các chuyên gia và nhân dân. Sớm hiện thực hóa quyết định nói trên trong thực tiễn đời sống sư phạm sẽ là nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai quá trình dạy học tích cực, nâng cao năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên cũng như năng lực sáng tạo của người học. Đồng thời, góp phần tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tạo động lực để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Phạm Minh Hà - Bùi Khánh Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực