Sau khi ăn rượu nếp có nên lái xe?

Thứ hai, 10/06/2024 15:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Rượu nếp là món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ, tuy nhiên không ít người băn khoăn liệu sau khi ăn rượu nếp có bị xử phạt vì vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông hay không?

Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia, rượu nếp có nhiều công dụng như kích thích tiêu hóa; chữa bệnh có liên quan đến tuyến tính, trực tràng; phòng ngừa tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ; phòng chống ung thư; phòng bệnh thiếu máu do thiếu sắt…

Rượu nếp còn có thể kết hợp ăn với sữa chua tạo ra “Sữa chua nếp cẩm” rất được ưa thích. Lượng cồn trong cơm rượu nếp rất thấp. Khi làm cơm rượu nếp người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày, do đó không cần lo sợ ăn vào sẽ bị say.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ theo truyền thống (Ảnh: VTC) 

Ngoài ra, một trong những công dụng không ngờ của rượu nếp là làm đẹp. Trong gạo nếp chứa một lượng lớn vitamin B có công dụng làm đẹp da, cải thiện chất lượng tế bào da. Cụ thể như: Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, thúc đẩy quá trình trao đổi chất; chất dinh dưỡng trong rượu nếp đẩy nhanh quá trình tăng trưởng và duy trì vẻ đẹp của làn da; làm giảm sự tiết bã nhờn của da; tham gia vào quá trình hình thành các tế bào da và sinh năng lượng cho tế bào.

Rượu nếp có nhiều tác dụng tốt như trên, song theo TS Nguyễn Trọng Hưng, người ăn rượu nếp lượng quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói có thể bị say, có thể dẫn tới vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Do vậy, khoảng vài tiếng sau khi thưởng thức 1/3 bát rượu nếp mới nên trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông.

Trước thông tin cho rằng ăn một số trái cây chứa đường như nho, sầu riêng hay rượu nếp… có thể để lại hàm lượng cồn nhất định trong hơi thở, dẫn đến tình huống xử phạt oan, TS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng người dân không cần lo lắng bởi hàm lượng cồn rất nhỏ phát sinh khi ăn hoa quả sẽ nhanh chóng được chuyển hóa. Thậm chí, sau khi ăn, người dân chỉ cần uống một cốc nước hoặc vận động nhẹ nhàng là hàm lượng cồn đã không còn lưu lại trong hơi thở.

Trung tá Lê Khắc Trung, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo quy định chung của Bộ Công an, tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện kiểm tra theo chuyên đề về đo nồng độ cồn đều được tập huấn, quán triệt kỹ càng quy trình xử lý theo các bước nhất định.

Cụ thể, người điều khiển phương tiện được dẫn vào khu vực kiểm tra, nghe hướng dẫn cụ thể về cách thổi vào thiết bị chuyên dụng đo nồng độ cồn. Kết quả ngay sau đó cũng sẽ được in ra một bản giấy. Người điều khiển phương tiện nếu thừa nhận vi phạm, sẽ ký vào giấy báo kết quả đo và biên bản vi phạm hành chính sẽ được lập ngay sau đó.

“Nếu phát sinh các trường hợp kết quả đo khí thở có nồng độ cồn nhưng người vi phạm không thừa nhận việc mình đã sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích, mà giải thích rằng mình vừa ăn hoa quả, rượu nếp hay sinh tố... thì sẽ được lực lượng chức năng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để lấy máu kiểm tra. Việc ăn hoa quả hay rượu nếp chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu. Bộ Công an và Bộ Y tế đã có thông tư phối hợp, quy định trong những trường hợp cần thiết, lực lượng cảnh sát giao thông sẵn sàng mời người vi phạm đến cơ sở y tế để lấy máu, tiến hành đo nồng độ cồn, tìm ra nguyên nhân chính xác tuyệt đối”, Trung tá Trung chia sẻ.

Theo Trung tá Lê Khắc Trung, thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ cho thấy đó chỉ là những lý do “ngụy biện” cho việc sử dụng bia, rượu, bởi với thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định, bảo đảm các thông số kỹ thuật an toàn thì sẽ không có tình huống “phạt oan” người vi phạm./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực