Việc lấn chiếm vỉa hè của các điểm bán bánh Trung thu gây nhiều bức xúc cho người dân
(Ảnh: TL)
Thời điểm này, dọc theo nhiều tuyến phố của Hà Nội, các quầy bán bánh Trung thu lại xuất hiện như “nấm sau mưa”; trong đó có không ít điểm được dựng một cách tự phát ngay trên vỉa hè. Theo ghi nhận của phóng viên, dọc những tuyến phố lớn như Giảng Võ, Lê Văn Lương, Hoàng Cầu, Bà Triệu, Trần Duy Hưng, Trần Thái Tông… nhiều gian hàng bán bánh Trung thu đã được dựng lên tại những vị trí đắc địa và lấn chiếm hầu hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Bên cạnh đó, tại nhiều khu chung cư, các tiểu thương cũng nhanh nhạy tìm cách “lách luật” để thuê phần sân, hè và đặt tủ kính bày bán các loại bánh khiến cho nhiều cư dân bức xúc. Tuy việc bày bán các sản phẩm gần mặt đường phần nào tạo thuận lợi cho khách hàng có nhu cầu mua bánh song điều này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy và nguy hiểm. Vỉa hè nhiều nơi vốn chật hẹp lại bị các quầy bán bánh Trung thu “trưng dụng” nên việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bất chấp mọi địa hình, có những quầy bán bánh với nhiều gian hàng chạy dài cả chục mét, ngổn ngang trên vỉa hè cản trở việc đi lại, đẩy người đi bộ xuống làn đường, gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Đồng thời, việc người mua bánh dựng xe ven bên đường khi vào các điểm bán bánh này còn là nguyên nhân gây cản trở, ách tắc giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Tình trạng này còn vô tình tạo cơ hội cho kẻ gian thực hiện các hành vi trộm cắp.
Cùng với đó, để tạo ấn tượng và thu hút người mua, các quầy bán bánh Trung thu thường tận dụng tối đa diện tích để quảng cáo cho thương hiệu bánh của mình với đủ các loại biển, bảng màu mè, bắt mắt. Thậm chí, còn có những biển quảng cáo lên tới hàng chục m2, ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn của người đi đường. Còn tại các khu chung cư, việc xuất hiện của các quầy bán bánh Trung thu trên phần diện tích sinh hoạt chung đã không chỉ cản trở việc đi lại, sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng nhiều đến trật tự văn minh đô thị. Chị Nguyễn Thị Thu Lan, một người dân sinh sống gần tuyến phố Lê Văn Lương bức xúc cho biết: “Vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ vậy mà không hiểu sao các quầy bán bánh họ lại có thể dựng ki ốt khung sắt. Tôi nghĩ, cần có biện pháp xử lý những vi phạm đó để giữ gìn trật tự đô thị, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và trả lại vỉa hè cho người đi bộ”.
Tìm hiểu được biết, theo quy định, để được tạm sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, chủ các điểm bán bánh Trung thu phải được đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cấp phép và chỉ được hoạt động trong thời gian ngắn. Ngoài ra, tại các tuyến phố theo phân cấp được giao cho UBND các quận, huyện quản lý, lực lượng Thanh tra Giao thông có trách nhiệm nhắc nhở các trường hợp thực hiện không đúng với giấy phép do quận, huyện cấp phép và yêu cầu những trường hợp này phải điều chỉnh vị trí, diện tích gian hàng. Đối với những trường hợp mở gian hàng bán bánh trong các khu chung cư mà làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, cảnh quan đô thị, lực lượng Thanh tra Giao thông có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý khu chung cư, lực lượng chức năng phường sở tại xử lý theo quy định.
Một số quầy bán bánh Trung thu trên vỉa hè phố Bà Triệu (Ảnh: NM)
Ở góc tiếp cận khác, tình trạng tràn lan các điểm bán bánh Trung thu lấn chiếm vỉa hè cũng đang đi cùng với những nghi vấn và lo lắng của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm. Thực tế, trước dịp Tết Trung thu hàng năm, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã bắt giữ, xử lý khá nhiều vụ việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán các loại bánh Trung thu kém chất lượng. Khi được hỏi, không ít người đã bày tỏ băn khoăn, liệu các gian hàng tạm bợ có bán hàng đảm bảo chất lượng? Ai sẽ là người đảm bảo, kiểm định nguồn gốc xuất xứ của những chiếc bánh trong quầy hàng kia? Việc bày bánh Trung thu tại các tủ kính trong nhiều ngày liệu có làm ảnh hưởng đến chất lượng của những chiếc bánh trước khi đến tay người tiêu dùng?
Những năm gần đây, UBND thành phố Hà Nội cùng các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong trong việc lập lại trật tự đô thị cũng như kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả thu được từ sự nỗ lực này đã được đông đảo người dân ghi nhận. Do vậy, để việc duy trì trật tự đô thị thực sự có hiệu quả lâu dài, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiên quyết nhằm sớm chấm dứt tình trạng những điểm bán bánh Trung thu ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, việc sử dụng tạm vỉa hè phục vụ cho hoạt động kinh doanh bánh Trung thu nếu được cấp phép cũng cần chú ý đến vị trí và diện tích gian hàng để vừa thuận tiện cho việc buôn bán của doanh nghiệp, đi lại an toàn cho người dân, vừa giữ được trật tự đô thị tại các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô Hà Nội./.