Tăng lương cơ sở góp phần ổn định an sinh xã hội

Thứ sáu, 28/06/2024 01:58
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đó là nhận định chung của nhiều người lao động sau khi có thông tin Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở và lương hưu từ ngày 1/7/2024.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến từ ngày 1/7 tới đây, mức lương cơ sở sẽ điều chỉnh tăng khoảng 30% từ 1,8 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng; mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng đến 15%... Chủ trương lớn này nhận được sự đồng tình của dư luận; với những người lao động hưởng lương ngân sách, cán bộ hưu trí thì họ khá phấn khởi và háo hức chờ đón chủ trương lớn này trước thời điểm chính thức có hiệu lực.

Chị Trần Thị Giang, giáo viên mầm non tại xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết: Tôi đang đếm ngược thời gian chờ tới ngày 1/7/2024, và rất mong việc Nhà nước tăng lương cơ sở trở thành hiện thực. Bởi làm nghề giáo viên, mọi sinh hoạt và các khoản chi phí cho gia đình của tôi hiện nay chỉ trông vào đồng lương giáo viên ít ỏi. Nếu tăng thêm 30% lương cơ sở, tổng mức lương của tôi sẽ tăng lên thành hơn chục triệu đồng, đây là một khoản không nhỏ đối với giáo viên như chúng tôi.

Chị Giang cho biết thêm, nếu để ý một số năm trở lại đây thì mọi thứ hàng hóa đã thay đổi giá và tăng lên rất nhiều lần, tuy nhiên đồng lương vẫn không thay đổi trong một thời gian dài, thậm chí có thời điểm xăng dầu tăng giá “phi mã”, khiến cho giá cả mọi hàng hóa nhu yếu phẩm leo thang, gây áp lực lớn cho những người có nguồn thu nhập duy nhất chỉ trông vào đồng lương như chị, nên việc tăng lương tới đây có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với chị mà với rất nhiều người làm công ăn lương...

 Chị Trần Thị Giang. (Ảnh: TC)

Còn anh Nguyễn Văn Tâm, quê ở Tiền Hải (Thái Bình), cán bộ công chức xây dựng - địa chính tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Tôi rất vui nếu như lương cơ sở thực sự được tăng từ ngày 1/7, bởi với những người từ tỉnh lẻ lên làm việc ở Thủ đô như tôi, mọi chi phí đều đắt đỏ từ tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, nuôi con cái ăn học,..khi mà tôi và vợ đều trông vào đồng lương ít ỏi từ nhà nước. Nếu tăng lương cơ sở lên 30%, vợ chồng tôi sẽ có thêm khoản tiền kha khá để lo chi tiêu cuộc sống.

“Không chỉ riêng tôi, hẳn còn rất nhiều người làm công ăn lương khác ở Hà Nội và các địa phương đều mong ngóng ngày tăng lương này từ rất lâu rồi. Bởi giá cả hàng hóa những năm qua đã tăng nhiều lần, bỏ rất xa lương khiến nhiều người lâm vào cảnh sống “ngột ngạt”, phải thắt chặt mọi chi tiêu, tiết kiệm từng đồng để tránh tình trạng chi tiêu thâm hụt vào thu nhập” - anh Tâm nói.

Cũng theo đánh giá của anh Tâm, mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, việc này sẽ góp phần cải thiện cơ bản đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Đồng thời việc này tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, qua đó cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn...

Về hưu đã gần 20 năm, ông Phạm Trung Kiên, sinh năm 1948, ở thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên), là cựu sĩ quan từng công tác trong Quân đội cho biết: Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương, và theo quan sát của tôi thì mỗi lần điều chỉnh, mức tăng các các nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau. Điều này đã tạo sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều, việc này sẽ bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở , tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.

Trước thông tin Chính phủ đề xuất tăng lương hưu 15%, ông Kiên cho rằng mức tăng này là hợp lý, đảm bảo tốt vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

“Mỗi lần nhà nước có chủ trương tăng lương, đều tạo ra những tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong xã hội” - ông Kiên nhận xét.

 Bà Dương Thị Yến. (Ảnh: TC)

Đồng tình với quan điểm của ông Kiên, ông Nguyễn Văn Tùng, ở xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), người đã về hưu từ năm 2011 cho biết, ông không gặp khó khăn về tài chính nhưng điều ông băn khoăn nhất là cấp trên cũng cần xem xét việc đảm bảo sự công bằng cho những người về hưu trước và sau thời điểm 1/7/2024, đồng thời cơ quan chức năng cũng cần tính toán, có chế tài kiểm soát giá cả các loại hàng hóa trên thị trường, tránh tình trạng lương tăng, giá cả hàng hóa cũng tăng theo. 

Cũng theo ông Tùng, việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu và đưa ra phương án triển khai kịp thời sẽ giúp tăng tính hấp dẫn, bền vững của chính sách... 

Còn bà Dương Thị Yến, 68 tuổi, cán bộ hưu trí ở tổ 11 thị trấn Yên Bình (Yên Bái) chia sẻ: Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, người thụ hưởng như chúng tôi hiện rất vui mừng, phấn khởi. Theo dõi suốt quá trình tăng lương của nhà nước đối với những người nghỉ hưu tôi thấy, từ năm 1995 đến hết năm 2023, nhà nước đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

“Tôi thấy việc tăng lương cơ sở sẽ giúp cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp; đồng thời góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, và sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy tôi thấy sự điều chỉnh chính sách tiền lương là việc rất thiết thực của Nhà nước, đó là sự quan tâm rất cụ thể của Đảng và Nhà nước đến đời sống những người lao động hưởng lương ngân sách để họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác; đồng thời việc tăng lương hưu sẽ giúp cải thiện đời sống của bộ phận cán bộ hưu trí, góp phần ổn định an sinh xã hội một cách bền vững...” - bà Yến nói.                                                                                                                                    

Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực