Mong mỏi chung của người dân là trong khắc phục sự cố nói trên, cơ quan chức năng và đơn vị thi công cần chú ý bảo đảm về cả tiến độ và chất lượng các hạng mục.
Như đã thông tin, đầu tháng 11/2018, gần 200 m đê, kè bờ hữu sông Mã, đoạn gần chân cầu Hàm Rồng bị sạt lở mạnh. Thân đê, nền đường hành lang giao thông trên mặt đê sụt sâu, nhiều khối bê tông kiên cố bị gãy vỡ, có chỗ sâu gần 2 m. Vết sạt ngày một lan rộng, đẩy nhiều công trình về hướng lòng sông. Trước sự cố đó, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt Dự án xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã, đoạn qua phường Hàm Rồng (TP. Thanh Hoá) với nguồn vốn hơn 34,19 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng địa phương; trong đó, chi phí xây dựng được xác định là 26,24 tỷ đồng.
Việc thi công gặp nhiều khó khăn do kết cấu địa chất phức tạp. (Ảnh: TL)
Được xác định là một trong những nội dung có tính cấp bách, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đại diện chủ đầu tư dự án xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã) đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đại Minh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hạng mục khó khăn nhất ở dự án này là việc gia cố lòng sông và ép cọc khoan nhồi do nền địa chất ở đây khá phức tạp. Về nguyên nhân gây sạt lở, các kỹ sư đánh giá, tại vị trí sạt lở có một lớp đất xen kẹp (lá cây, bùn lỏng...) nên dễ gây hư hỏng thân đê khi mưa lũ và thuỷ triều lên. Ngoài ra, yếu tố thay đổi dòng chảy cũng tác động… Theo kế hoạch, thời gian triển khai Dự án xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã sẽ là 1 năm. Đến đầu tháng 1/2019, đơn vị thi công đã hoàn thành việc tháo gỡ, di dời phần bị sạt lở; đã đóng 140/180 m cừ Larsen IV; thi công được 100/133 cọc khoan nhồi… Tổng giá trị thực hiện ước đạt trên 8,2 tỷ đồng. “Chúng tôi và đơn vị thi công đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành các hạng mục trực tiếp phục vụ cho chống lũ trước thời điểm 30/7/2019”, ông Lê Đại Minh nhấn mạnh.
Nhiều phương tiện, nguyên liệu được tập trung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã. (Ảnh: TL)
Được biết, đoạn đê nói trên nằm trong Dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt năm 2010, với tổng mức đầu tư hơn 104 tỷ đồng. Công trình hoàn thành năm 2011 nhưng đã nhiều lần bị hư hỏng đe dọa an toàn đê điều và cầu Hàm Rồng. Do đó, mong mỏi chung của người dân địa phương là trong triển khai thực hiện Dự án xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã, cơ quan chức năng cần chú ý cả tiến độ cũng như chất lượng thi công các hạng mục; qua đó nâng cao chất lượng công tác phòng, chống lụt bão trên cơ sở sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách./.