Thuê người giúp việc có phải giao kết hợp đồng lao động?

Thứ bảy, 07/01/2023 17:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đời sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, từ đó lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) trở nên quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện LĐGVGĐ còn thiếu tính chuyên nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp chưa thực sự được bảo đảm. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, họ lại nằm trong danh sách đối tượng dễ bị mất việc.

Đời sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, từ đó lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) trở nên quan trọng. Số lượng gia đình (chủ yếu ở đô thị lớn) có mức thu nhập ổn định cũng tăng nhanh, kéo theo nhu cầu tiếp cận và sử dụng các loại dịch vụ xã hội ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, thực tế hiện LĐGVGĐ còn thiếu tính chuyên nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp chưa thực sự được bảo đảm. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, họ lại nằm trong danh sách đối tượng dễ bị mất việc.

Nhu cầu có thực

Tết nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, bên cạnh việc lo lắng hoàn tất công việc, không ít gia đình đang phải đau đầu với việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp, đó là tìm giúp việc. Dù chấp nhận trả lương cao kèm theo thưởng Tết hậu hĩnh, thời gian làm việc giảm nhưng qua đủ các kênh như bạn bè, trung tâm việc làm, mạng xã hội…, việc vẫn "đỏ mắt" tìm người.

Hơn 2 tuần qua là khoảng thời gian không thể dài hơn với chị Hiền, 33 tuổi, sống ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội khi bác giúp việc gắn bó với gia đình hơn chục năm nay “bỗng nhiên” cáo bệnh về quê nghỉ Tết sớm. Chồng thì đang đi làm nhiệm vụ ngoài đảo xa, việc cơ quan việc nhà cứ quay như chong chóng, nhất là phải lo cho cậu con trai mới 5 tuổi.

“Tìm đủ nguồn thông tin, nhờ hỏi mấy nơi mặc dù yêu cầu ngày chỉ làm 8 tiếng với mức tiền công gần 600 nghìn đồng… Ấy vậy mà giờ vẫn chưa có kết quả gì!", chị Hiền lo lắng.

Dịp cuối năm, ngành kinh doanh dịch vụ làm đẹp tương đối đông khách trong khi bố mẹ nội ngoại ở quê cũng có tuổi rồi không thể hỗ trợ như mọi năm nên chị Hoài Thu, 48 tuổi, sống ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đành chấp nhận thuê giúp việc.

Vừa đăng nhu cầu tìm người lên Facebook và Zalo, chục phút sau chị nhận được tin nhắn phản hồi tích cực từ vài đơn vị cung cấp dịch vụ, và mạnh dạn “chốt kèo” nữ sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Kinh tế Quốc dân, quê Tuyên Quang. Hẹn gặp ở tiệm spa, nhìn giản dị và hiền lành, bày tỏ muốn có thêm thu nhập dịp cuối năm để gửi về cho bố mẹ ở quê, lại có kinh nghiệm hơn 2 năm làm giúp việc theo giờ nên người này được chị chấp nhận ngay.

“Công việc cũng không có gì quá phức tạp, nhưng ngay từ ngày làm việc đầu tiên mình đã thấy sốc, vì kỹ năng bếp núc quá ít, quần áo giặt không lọc riêng đồ trắng nên loang màu hết một mẻ đồ, đó là chưa kể việc đến muộn 15 phút vào buổi sáng. Đành nhẫn nhịn để bạn này làm đủ một tuần rồi cho nghỉ, không thể cố thêm", chị Thu chán nản.

Chị Hiền và chị Thu chỉ là 2 trường hợp điển hình trong rất nhiều người đang sốt ruột tìm kiếm người giúp việc dịp cận Tết.

Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị định 12/2022/NĐ-CP sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi cho LĐGVGĐ. (Ảnh minh họa, nguồn: hanoimoi.com.vn)

Liên quan nội dung này, bạn đọc Kim Ánh Thép, sống tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai hỏi: “Bác tôi ở quê đang chuẩn bị lên Hà Nội làm giúp việc nhà cho một gia đình ở quận Cầu Giấy nhưng họ không yêu cầu ký hợp đồng gì. Vậy, nếu xảy ra tranh chấp thì làm cách nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên?”

Các bên hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực đưa LĐGVGĐ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động. Cụ thể, nghề này đang được quản lý chặt chẽ quy định trong Mục 5 Chương XI Bộ luật Lao động năm 2019 (Bộ luật số: 45/2019/QH14, ngày 20/11/2019), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Bên cạnh đó, ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Tại Điều 161 Mục 5 Chương XI Bộ luật Lao động 2019, LĐGVGĐ được hiểu là người làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình, bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

Điều 162 quy định về hợp đồng lao động đối với LĐGVGĐ như sau: Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với LĐGVGĐ; Thời hạn của hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày; Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hàng ngày, chỗ ở.

Theo luật sư Kỹ, thực tế có nhiều trường hợp LĐGVGĐ không được ký hợp đồng lao động và đương nhiên khi có tranh chấp rất khó giải quyết, quyền lợi của các bên có thể không được đảm bảo.

Điều 89 Chương X Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về phạm vi công việc phải làm, điều kiện ăn, ở của người lao động… Trong khi, Điều 90 quy định nghĩa vụ của người sử dụng LĐGVGĐ là phải thông báo cho UBND cấp xã trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thuê giúp việc gia đình hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với họ. UBND cấp xã có trách nhiệm phân công đầu mối theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/01/2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó nêu rõ mức xử phạt các vi phạm quy định về LĐGVGĐ tại Điều 30 Chương II.

Theo đó, người thuê giúp việc gia đình mà không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, không trả tiền tàu xe đi đường khi LĐGVGĐ thôi việc về nơi cư trú sẽ bị phạt cảnh cáo. Nếu vi phạm bị phạt cảnh cáo rồi mà tái phạm; không thông báo cho UBND cấp xã việc thuê, chấm dứt hợp đồng với LĐGVGĐ sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.

Các hành vi sau bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng: Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình; Không trả cho người giúp việc khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thậm chí, người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.

Tất nhiên, về phía LĐGVGĐ cũng phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động; phải bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động; thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân; tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật.

Có một thực tế là đa số việc sử dụng người giúp việc gia đình chỉ là thỏa thuận giữa 2 bên chứ chưa có nhiều ràng buộc về mặt pháp lý, đơn giản như quy định chủ nhà sẽ trả tiền mua thẻ BHYT cho người giúp việc thay vì tự mình đi mua, tuy nhiên họ có mua hay không thì chưa cơ quan nào giám sát.

Theo một số đơn vị môi giới cho thuê người giúp việc dịp Tết, khách hàng sẽ phải trả một khoản chi phí cứng khoảng 1,5 triệu đồng khi ký hợp đồng với người giúp việc. Tùy thuộc vào khối lượng công việc mà mức tiền công sẽ khác nhau. Tuy nhiên, rủi ro khi tìm người giúp việc qua môi giới cũng không phải hiếm, thậm chí có những vụ việc để lại hậu quả đáng tiếc như lấy trộm tài sản, uy hiếp đe dọa tính mạng cướp tài sản, thậm chí phá hoại hạnh phúc gia đình…

“Dù còn tồn tại một số hạn chế nhất định nhưng có thể thấy giúp việc gia đình vẫn là cơ hội cho nhiều người đang thất nghiệp tìm được việc làm, người không có trình độ hoặc người có trình độ nhưng đang phải đi làm với mức thu nhập thực tế chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống và có chút tích lũy như hiện nay”, luật sư Kỹ khẳng định.

Thời gian không còn nhiều khi Việt Nam dự kiến phê chuẩn Công ước số 189 về Lao động giúp việc gia đình của Tổ chức Lao động Quốc tế (có hiệu lực từ tháng 9/2013) vào năm 2026. Khi đó, giúp việc gia đình được công nhận là một nghề chuyên nghiệp, pháp luật sẽ điều chỉnh tối đa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực