Thước đo uy tín, tín nhiệm

Thứ ba, 21/02/2023 11:10
(ĐCSVN) - Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dư luận nhìn nhận, nếu Quy định số 96-QĐ/TW được thực hiện nghiêm túc, thì lá phiếu sẽ thực sự là thước đo uy tín, tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ các cấp.

Theo PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia), Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã có sự kế thừa Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về nội dung này. Quy định 96 đã cập nhật bối cảnh mới, tình hình mới, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021, Bộ Chính trị đã quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo 20/TB-TW ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.… Quy định 96 thể hiện cụ thể hóa hơn, với các quy định mạnh hơn, mở rộng hơn, chặt chẽ hơn trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.

 PGS.TS. Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia. Ảnh: T.Vương.

Đồng thời, Quy định số 96-QĐ/TW còn thể hiện tính quyết liệt, nghiêm minh hơn đối với sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Nếu như ở Quy định số 262-QĐ/TW dùng những cụm từ mang tính chất định tính như tham khảo, xem xét cho thôi hay đợi đến rà soát, bổ sung quy hoạch. Còn theo Quy định số 96-QĐ/TW, sau khi lấy phiếu nếu tín nhiệm thấp sẽ xử lý ngay và đưa ra từng khung rất cụ thể: Trên 50% nhưng dưới 2/3 thì cho từ chức, đưa ra khỏi quy hoạch, trên 2/3 thì miễn nhiệm luôn. “Việc quy định rõ ràng như vậy sẽ giúp các cấp ủy, đơn vị khi tổ chức lấy phiếu sẽ dễ dàng thực hiện. Cùng với đó, từ việc khẳng định đây là biện pháp nhằm đánh giá cán bộ chứ không phải tham khảo sẽ tránh được tâm lý của người được lấy phiếu và người bỏ phiếu là lấy phiếu chỉ là hình thức, chỉ là tham khảo”, PGS.TS Ngô Thành Can chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, một điểm mới của Quy định số 96-QĐ/TW được dư luận đánh giá cao đó là các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm đã được cụ thể hóa hơn. Quy định số 262-QĐ/TW trước đây chỉ đề cập phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực thực tiễn. Nhưng quy định lần này đã đề cập rõ hơn, tức là quy định rõ kết quả lãnh đạo, quản lý của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. “Tôi thấy, Quy định số 96-QĐ/TW có những nội dung rất cụ thể, như quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng ở các đơn vị; quy định về kết quả lãnh đạo, quản lý của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm hay quy định về sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con cũng được xem là tiêu chí đánh giá… Các tiêu chí cụ thể này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình ghi phiếu tín nhiệm, đánh giá cán bộ các cấp”, đồng chí Nguyễn Thị Hoàn, đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình cho biết.

Trao đổi về cung cấp thông tin cho người tham gia bỏ phiếu, nhiều ý kiến đánh giá đây là vấn đề rất quan trọng. Trong Quy định số 96-QĐ/TW, Bộ Chính trị nhấn mạnh đến việc nâng cao vai trò của người ghi phiếu. Muốn vậy, vấn đề cung cấp, thu thập thông tin cần coi trọng. Cán bộ trong diện được lấy phiếu phải cung cấp đầy đủ thông tin, như vậy sẽ phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của người bỏ phiếu. Mặt khác, cũng có nhiều kênh thông tin ở từng cấp độ khác nhau. Cơ quan quản lý cần có những nhận xét, đánh giá về kết quả lãnh đạo quản lý, đồng thời có sự phân loại đối với cán bộ trong diện được lấy phiếu, để làm cơ sở cho việc đánh giá tín nhiệm. Người bỏ phiếu cũng có thể căn cứ vào nhiều kênh thông tin khác từ sự giám sát của dư luận xã hội, trên báo chí, của đảng viên nơi sinh sống...

 Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn vào năm 2018. Ảnh: TTXVN.

Liên quan đến các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW, nhiều chuyên gia cho rằng, trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu tiền đề xuyên suốt các khâu còn lại, vì có đánh giá đúng mới biết được triển vọng của cán bộ để xây dựng quy hoạch; mới biết rõ điểm mạnh, yếu mà có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, rèn luyện, thử thách; mới biết cụ thể năng lực, sở trường để bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị, việc đánh giá cán bộ lại là “khâu yếu”, chưa phản ánh đúng thực chất, còn biểu hiện cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Minh chứng là đã có cán bộ được phong tặng danh hiệu Anh hùng, hoặc được xã hội tôn vinh, nhưng đã bị phát hiện có nhiều vi phạm nghiêm trọng, bị kết án tù; có trường hợp được coi là cán bộ trẻ, nhiều triển vọng nhưng chỉ hai năm sau khi được bổ nhiệm đã bộc lộ nhiều yếu kém, làm việc tùy tiện, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, buộc phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc….

Do vậy, việc đánh giá cán bộ một cách chính xác thông qua lấy phiếu tín nhiệm là yêu cầu quan trọng hiện nay. Thượng tá, TS Nguyễn Minh Cường (Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng) nhìn nhận: “Lấy phiếu tín nhiệm là một bước tiến rõ rệt trong đổi mới công tác cán bộ, thể hiện tinh thần dân chủ, cầu thị và nêu cao trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Với các quy định cụ thể, toàn diện của Quy định số 96-QĐ/TW, lá phiếu tín nhiệm sẽ thực sự là thước đo uy tín, tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ các cấp; đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạo động lực thôi thúc cán bộ tự soi, tự sửa, ngăn ngừa, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực