An toàn phải đặt lên hàng đầu
Anh Bùi Văn Nam, ở xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định cho biết: Nhà tôi có con đang theo học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện cháu đang thuê ở tại một khu trọ xây theo mô hình chung cư mini trên địa bàn phường Định Công. Thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn ở Khương Hạ (Thanh Xuân), gia đình tôi luôn bất an, vì người nhà mình cũng đang ở dạng nhà như ngôi nhà bị hỏa hoạn.
Anh Nam cho biết thêm, ngay trong đêm xảy ra vụ cháy ở Thanh Xuân, gia đình liên tục liên lạc cho con gái hỏi thăm tình hình và căn dặn một số việc phòng ngừa cần thiết. Sáng hôm sau, vợ chồng anh Nam đã tức tốc lên Hà Nội nơi con thuê nhà, kiểm tra hệ thống thoát hiểm của khu nhà, đồng thời gặp chủ nhà thảo luận xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn, thoát hiểm. Gia đình cũng cảm thấy yên tâm hơn, khi khu nhà con mình ở có lối thoát hiểm riêng, hệ thống báo cháy, phun nước chữa cháy tự động và camera giám sát 24/24 giờ...
“Từ vụ hỏa hoạn này, tôi đề nghị việc tổng kiểm tra về công tác PCCC, thoát hiểm. Việc chấp hành pháp luật đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ ở địa bàn đông đúc như Hà Nội phải được cơ quan chức năng làm thường xuyên, đồng thời phải kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, không cả nể, bởi làm gì, kinh doanh gì thì việc an toàn tính mạng của con người cũng phải đặt lên hàng đầu ” – anh Nam nói.
|
Anh Phạm Văn Quyền |
Còn anh Phạm Văn Quyền, nhà ở xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết: Khi hay tin vụ cháy, gia đình vô cùng lo lắng, vì có anh con trai đang đi làm ở Hà Nội cũng thuê trọ gần khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn.
“Từ ngày ra trường đi làm, gia đình cũng chỉ biết cháu thuê ở khu vực Khương Hạ (Thanh Xuân) chứ chưa lên chỗ con ở lần nào, nên khi có tin xảy ra hỏa hoạn, gia đình vô cùng lo lắng, gọi điện kiểm tra con, do đêm khuya cháu ngủ say và để máy im lặng, không nghe máy, gia đình càng hốt hoảng. Mãi sáng sớm hôm sau cháu điện về nhà, lúc đó gia đình mới thở phào nhẹ nhõm” – anh Quyền chia sẻ.
Anh Quyền nêu ý kiến: Từ vụ cháy chung cư mini vừa rồi, tôi thấy công tác PCCC, việc đưa ra các giải pháp thoát hiểm khi có tình huống xảy ra rất quan trọng, phải được thực hiện đồng bộ từ khi xây dựng các công trình. Việc Hà Nội cho tổng rà soát về nội dung này, tôi thấy là đặc biệt cần thiết, đồng thời thấy đây là một trong các động thái quan trọng của UBND Thành phố sau khi xảy ra thảm họa cháy chung cư mini gây thiệt hại lớn tại địa bàn quận Thanh Xuân. Công tác tổng rà soát, kiểm tra PCCC nếu được đẩy mạnh làm thường xuyên, sẽ hạn chế tối thiểu các vụ hỏa hoạn cũng như thiệt hại nếu không may xảy ra...
Không còn là vấn đề riêng của Hà Nội
Khác với các ý kiến trên, anh Trương Quang Định, ở tổ dân phố 3, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang quan điểm: Hà Nội cho tổng rà soát, tôi thấy đây là việc làm rất quan trọng, bởi Thành phố Hà Nội là nơi tập trung rất đông dân cư, trong đó có rất nhiều người từ các địa phương về học tập, công tác, làm việc. Từ thảm họa ở Khương Hạ, tôi đề nghị công tác về PCCC cần mở rộng, tăng cường làm mạnh ở các tỉnh thành khác, bởi nước ta có rất nhiều thành phố lớn tập trung đông dân cư, có nhiều nhà trọ, chung cư mini nên cũng tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ cao.
Quan điểm của anh Định cũng là ý kiến chung của nhiều người dân khi nhìn nhận tổng thể tình hình xung quanh vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini 9 tầng ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua.
|
Anh Trương Quang Định |
Làm chặt chẽ, xử lý nghiêm sai phạm
Bà Nguyễn Thị Thảo, ở tổ dân phố 5, thị trấn Đoan Hùng (Phú Thọ) cho biết: Việc ra quân, tổng rà soát về chung cư mini, nhà trọ lần này tôi nghĩ Hà Nội cần làm chặt chẽ, đây được xem là giải pháp tình huống cấp thiết để giảm thiểu nguy cơ. Bởi chúng ta cũng đã thấy được hậu quả nghiêm trọng như thế nào khi không may có hỏa hoạn xảy ra. Vẫn biết nhu cầu ở của người lao động và học tập ở các thành phố là rất lớn, rất áp lực nhưng việc chặt chẽ ngay từ đầu, từ khâu quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa sớm, phòng ngừa từ xa các rủi ro. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm về PCCC, vi phạm về việc chấp hành quy định ở các chung cư mini, hay các khu nhà trọ, nhà cho thuê, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm, công khai rộng rãi thông tin, đồng thời cảnh báo cho người dân tránh được các khu nhà cho thuê không đảm bảo an toàn. Đặc biệt khi phát hiện sai phạm ở địa bàn nào, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đặc biệt là vấn đề buông lỏng trách nhiệm quản lý địa bàn.
Chú trọng hiệu quả công tác tuyên truyền PCCC
Đó là ý kiến của anh Lê Quang Đại, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội). Hiện đang sinh sống tại địa bàn dân cư đông đúc, khi nghe tin UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định tổng kiểm tra PCCC cũng như việc chấp hành pháp luật đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ trên toàn thành phố, cũng như nhiều người dân khác, anh Đại rất đồng tình ủng hộ. Theo anh Đại, sự việc vừa rồi thực sự là hồi chuông báo động đỏ về tình trạng nguy hiểm, mất an toàn của các khu chung cư mini, khu nhà trọ, khu nhà cho thuê ở các ngõ ngách, phố phường Hà Nội hiện nay.
“Xưa nay công tác tuyên truyền PCCC, tôi thấy Hà Nội làm rất tích cực, thường xuyên. Tuy nhiên, thi thoảng đâu đó trên địa bàn vẫn xảy ra các sự vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến người dân rất băn khoăn. Do đó, đã đến lúc Hà Nội phải làm gương trong việc xem xét đến hiệu quả thực tế công tác tuyên truyền về PCCC. Chúng ta phải quy trách nhiệm cụ thể người đứng đầu. Chỉ khi tuyên truyền đi đôi với hành động được xác lập bằng các kết quả thì công tác PCCC mới thực sự hiệu quả...” – anh Đại nói./.